Bất nhất trong việc kiểm đếm, xác định diện tích thu hồi?
Phản ánh đến PV Báo Giao thông, bà Lê Thị Út (42 tuổi, ngụ khóm 4, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) bức xúc cho rằng, bà bị ảnh hưởng bởi dự án cầu bắc qua sông Ông Đốc với diện tích bị thu hồi hơn 90m2.
Tuy nhiên, bà Út chỉ được thống kê bồi thường phần diện tích đất có trong sổ chủ quyền gần 12 m2. Phần còn lại khoảng 80 m2 nằm ngoài sổ chủ quyền thì không được bồi hoàn.
Người dân tụ tập lại để phản ánh với PV Báo Giao thông về chính sách đền bù.
Sự việc sẽ không có gì đáng nói, nếu như tất cả các trường hợp bị ảnh hưởng bồi hoàn bởi dự án đều được căn cứ vào sổ chủ quyền. Tuy nhiên, theo bà Út, những trường hợp khác dù có đất bị ảnh hưởng không nằm trong sổ chủ quyền nhưng vẫn được thống kê bồi hoàn.
“Tôi không hiểu họ căn cứ pháp lý như thế nào mà 3 cha con tôi mua chung một mảnh đất, rồi chia ra cất nhà ở, vậy mà mọi người đều được bồi hoàn hết, riêng tôi là không được bồi thường phần ngoài sổ chủ quyền. Hơn 80 m2 mà không có được đồng nào, trong khi đó những người kế cận dù đất không có trong sổ nhưng vẫn được bồi thường?”, bà Út thắc mắc.
Không che giấu được nỗi bức xúc của mình mỗi khi nhắc đến việc cán bộ địa phương kiểm đếm, đo đạc diện tích bị ảnh hưởng của gia đình để xác định bồi hoàn, bà Phạm Thị Phượng (ngụ khóm 4, thị trấn Sông Đốc) ấm ức: “Chúng tôi chấp nhận di dời, giao mặt bằng cho nhà nước nhưng họ đòi cưỡng chế. Đến giờ chúng tôi chưa nhận được các khoản bồi hoàn và cũng không thấy giấy tờ gì thì sao giao mặt bằng được?”.
Bà Phạm Thị Phương cũng như nhiều hộ dân khác mong có được mức bồi thường hợp lý hơn.
Bà Phượng có 2 căn nhà bị ảnh hưởng bởi dự án. Trong đó, một căn được xác định bồi hoàn 191 triệu đồng và một căn là 161 triệu đồng.
Không đồng tình với cách xác định của cán bộ địa phương, bà Phượng đã làm đơn yêu cầu gửi đến cơ quan chức năng. Theo bà Phượng, nhà bà xây dựng từ năm 2003 lẽ ra được nhận bồi hoàn 100%, nhưng không hiểu căn cứ vào đâu mà cán bộ địa phương xác định, kiểm đếm lại ghi trong hồ sơ bồi hoàn là nhà bà xây dựng năm 2015.
“Họ đòi tôi cung cấp hợp đồng xây dựng với nhà thầu, tôi đem giấy xác nhận của ông thầu ra thì họ yêu cầu hoá đơn tôi mua vật liệu xây dựng. Mà ở đây xây nhà ai mà lưu giữ biên lai, hoá đơn gì. Cán bộ địa phương họ kêu tôi ký giao mặt bằng đi, rồi tiền bạc bồi hoàn tính sau. Chúng tôi chưa nhận được tiền mà sao giao mặt bằng?
Căn nhà được bà Phượng khẳng định xây cất từ năm 2003 nhưng được thống kê bồi thường vào năm 2015.
Họ nói tăng mức bồi thường lên 30% mà giờ vẫn chưa thấy đâu. Tôi còn 40 m2 đất ở phía sau, xây chu vi hàng rào, cây trên đất, mái nhà… trên đất đều được bồi thường, riêng đất thì họ không thường. Họ ghi đủ điều kiện bồi thường nhưng không trả lời lý do cho mình vì sao không được bồi thường. Tôi có một căn nhà với diện tích 35 m2 nhưng chỉ được bồi thường 20,5 m2 diện tích trong sổ chủ quyền, phần còn lại gần 15 m2 họ không đền bù”, bà Phượng nói.
Ngoài các trường hợp của bà Út, bà Phượng, ông Hải hay anh Thanh thì ở đây, còn hơn 10 hộ khác cũng đồng cảnh như vậy. Bà con mong chờ chính quyền có cuộc đối thoại để họ giãi bày và được chính quyền giải đáp những khúc mắc về việc áp giá bồi hoàn, đất có sổ và không có sổ nhưng có trường hợp được bồi thường, có người không được, giá đất chỗ thấp chỗ cao…
Trong khi đó, ông Hồng Văn Hải (68 tuổi, ngụ địa phương) cho biết, bản thân ông rất đồng tình với chủ trương của Nhà nước và chấp nhận việc giao mặt bằng nếu như được nâng giá đất bồi hoàn ngoài sổ lên cao hơn.
“Tôi bị giải tỏa trắng, không còn cục đất nào. Tôi có 219 m2 bị ảnh hưởng. Trong đó, sổ đỏ có 138,4 m2. Phần còn lại, họ tính bồi thường ngoài sổ với giá chỉ 72.000 đồng/m2. Áp giá bồi hoàn quá thấp, nên tôi làm đơn yêu cầu xem xét lại mức giá đất và gửi huyện, tỉnh rồi”.
Còn anh Trịnh Hoàng Thanh, ngụ địa phương cũng than phiền: “Nhà đất tôi bồi hoàn không thỏa đáng, đất cùng một dãy nhưng ở phía trong được thường hơn 3 triệu đồng/m2, còn tôi ở phía ngoài mà thường có 320.000 đồng/m2.
Tôi thắc mắc thì họ nói sổ đỏ hay không sổ gì cũng vậy. Họ căn cứ như vậy thì Nhà nước cấp chủ quyền sử dụng đất cho dân với mục đích gì mà có sổ hay không sổ cũng thường như nhau?”.
Lộ nhiều sai phạm trong quản lý đất đai?
Ông Trần Văn Ngàn (67 tuổi), ngụ thị trấn Sông Đốc cho rằng, đất của ông được chính quyền địa phương công nhận, cấp sổ đỏ nên ông có quyền cho, tặng cho con của ông.
Theo ông Ngàn, từ khi dự án cầu bắt qua sông Ông Đốc đi qua, gia đình ông bị ảnh hưởng khoảng 5.000 m2 đất và 10 căn nhà. Sau khi xác định, đo đạc, chính quyền địa phương nói với ông rằng, đất của ông được cấp chồng lên đất Nhà nước.
Một căn nhà xây dựng trên đất Nhà nước quản lý.
“Đất của tôi được cấp sổ chủ quyền sau khi tuyến Đê tả Trung ương đi qua. Khi đó, chính quyền địa phương đã thu hồi và cấp lại cho tôi vào năm 2000. Đến 2015 không biết quy định như thế nào mà cơ quan chức năng nói đất tôi được cấp chồng lên đất nhà nước? Do lớn tuổi, đi lại khó khăn nên tôi đã giao cho con tôi đứng tên chủ quyền. Có những khoản bồi hoàn trong dự án theo tôi là chưa hợp lý.
Đất tôi liền kề với khu dân cư nhưng chỉ bồi thường cho tôi được 252.000 đồng/m2. Nhưng có trường hợp đất như tôi nhưng lấn chiếm của Nhà nước trên tuyến Đê tả Trung ương thì được thường 2,8 triệu đồng/m2, còn đất tôi có chủ quyền mà ngược lại thường thấp, tôi thấy mâu thuẫn.
Tôi mong cấp trên nên xuống xác minh lại xem tôi khiếu nại đúng hay không. Nếu cấp trên nói tôi khiếu nại không đúng, tôi sẵn sàng dỡ nhà, trả đất lại cho Nhà nước”, ông Ngàn khẩn thiết.
Chính quyền địa phương nói gì?
Lý giải những bức xúc của người dân, ông Trần Thanh Vũ, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho hay, sau quá trình kiểm đếm, đo đạc xác định phát sinh yêu cầu của bà con trước đây họ có công bồi đắp nên xin bổ sung thêm nhưng UBND tỉnh Cà Mau đã không đồng ý.
Dự án Đầu tư xây dựng cầu qua sông Ông Đốc do Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông Cà Mau làm chủ đầu tư.
Công trình có tổng chiều dài dự kiến 1,422 km, thuộc dự án nhóm B; nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Trong năm 2020 sẽ thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư. Từ năm 2021 - 2023 chính thức thực hiện đầu tư dự án.
Cầu qua sông Ông Đốc được xây dựng sẽ nối thông suốt trục đường ven biển Tây tỉnh Cà Mau với trục đường Đông - Tây của tỉnh, hình thành hệ thống giao thông liên hoàn từ Đông sang Tây và kết nối với đường ven biển của các tỉnh lân cận, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, kinh tế - xã hội Sông Đốc nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung.
Nói về trường hợp yêu cầu bà Phượng cung cấp hồ sơ, chứng từ xây dựng nhà, ông Vũ nói rằng: “Bà Phượng nói cất nhà trước 2003 nhưng qua rà soát và lấy ý kiến thì bà này cất sau lâu lắm. Bà ấy khai là khai vậy thôi, còn anh em cũng đi thẩm định, kiểm tra lấy thông tin.
Sau khi xin ý kiến tỉnh, nếu trường hợp nào xây dựng nhà ở sau ngày 1/7/2004 thì sẽ được hỗ trợ thêm 30%. Các trường hợp cất nhà trên đất lấn chiếm, đất mượn, đất nuôi trồng thủy sản cũng được hỗ trợ thêm 30%”.
Ông Vũ cũng thừa nhận công tác quản lý đất đai ở cơ sở có sai sót. “Ở tuyến Đê tả Trung ương có sự chồng lấn trong việc cấp đất vì anh em trước đây đã làm sai nên giờ chúng tôi đang cho điều chỉnh hồ sơ, thực hiện theo quy trình.
Từ mé đê vào đúng là Nhà nước quản lý tới 55 mét, Trung tâm Quỹ đất thì cấp đúng, nhưng khi thẩm định thì Văn phòng Đăng ký đất đai đã cấp giấy chủ quyền cho hộ dân thêm 10 mét đã chồng lên đất Nhà nước quản lý”, ông Vũ thừa nhận và cho biết sẽ xem xét lại.
“Về vấn đề giá đất chỗ cao chỗ thấp thì tôi có đi từng nhà để giải thích cho bà con, cùng loại đất nhưng do không thuận lợi về giao thông nên giá rẻ hơn.
Người ở hai mặt lộ thì giá cao, còn người kia có một mặt lộ mà ở hẻm mà đòi cao bằng thì làm sao được? Việc áp giá là theo vị trí, thửa đất”, ông Vũ cho biết thêm.
Theo ông Vũ, dự án cầu qua sông Ông Đốc có 163 hộ dân bị ảnh hưởng, tới thời điểm này qua tuyên truyền vận động còn khoảng 14 hộ chưa đồng ý các khoản bồi hoàn và tiếp tục gửi đơn yêu cầu khiếu nại lên cấp trên.
Với việc chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai cho dân thì nay, ai là người chịu trách nhiệm? Và những sai sót đó là của cơ quan Nhà nước, vậy tại sao phần diện tích đất và những vật kiến trúc có trên đất của người dân lại không được bồi hoàn? Mong cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận