Khó khăn từ mặt bằng đến mỏ vật liệu
Ngày 14/5, có mặt trên công trường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột thuộc dự án thành phần 2 (do Ban Quản lý dự án 6, Bộ GTVT làm chủ đầu tư), ghi nhận của PV Báo Giao thông cho thấy, tuy giữa thời tiết nắng ráo nhưng không khí thi công đang diễn ra cầm chừng.
Ngoài một số vị trí đang được các nhà thầu như Công ty Cổ phần 484, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương, Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam… tận dựng từng vị trí mặt bằng đã có khẩn trương thi công các hạng mục như: san lấp nền đường, làm cầu, cống và đúc cấu kiện. Nhiều đoạn tuyến còn lại mặt bằng xôi đỗ, chưa thể triển khai.
Theo chủ đầu tư, nguyên nhân khiến dự án chưa thể thi công đồng bộ, đồng loạt là do đang vướng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thiếu nguồn vật liệu và bãi đổ thải. Hiện các trạm trộn bê tông dựng lên phục vụ dự án nhưng thiếu nguồn cát, đá nên không thể vận hành liên tục khiến tiến độ chung của dự án đang gặp khó.
Đứng nhìn hàng chục đầu máy, thiết bị tập kết, trạm trộn bê tông nằm im gần 1 năm qua, ông Trịnh Trung Lượng, Giám đốc điều hành dự án của nhà thầu Đạt Phương cho biết: "Từ ngày khởi công dự án (18/6), nhà thầu đã tập kết máy móc, dựng lán trại để phục vụ thi công nhưng từ ngày đó đến giờ vẫn nằm chờ mặt bằng. Cứ thế, máy móc chất đống, mỗi tháng nhà thầu thiệt kinh tế rất lớn".
Bên cạnh đó, nguồn vật liệu cung cấp cho dự án cũng rất khó khăn. Cát, đá lấy ở mỏ theo cơ chế đặc thù chưa khai thác nên nhà thầu chưa tập kết được.
"Chúng tôi phải đi mua tạm 1.000 m3 đá, cát thương mại bên ngoài để về làm lán trại, đúc cống. Nhưng đây là giải pháp tình thế vì giá thành quá đắt đỏ", ông Lượng nói.
Cùng chung khó khăn, ông Phạm Xuân Thùy, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần 484 cho biết: "Đơn vị thi công 5,5km cầu và đường, hiện đã huy động hơn 100 đầu máy thiết bị với khoảng 200 con người nhưng công tác thi công còn rất chậm do thiếu nguồn vật liệu. Hiện giá trị sản lượng thi công mới chỉ ước đạt khoảng 3%".
Theo ông Thùy, đối với nguồn vật liệu của dự án thành phần 2, đơn vị được chủ đầu tư giao làm đầu mối xin thủ tục vận hành mỏ đá thôn 6B (xã Ea Pal, huyện Ea Kar). Hiện thủ tục đã xong, chỉ còn quyết định thuê đất nhưng không thể khai thác, phải dừng đợi.
"Mỏ chưa vận hành, các nhà thầu phải đi mua cát, đá thương mại với giá thành cao. So sánh về giá đơn vị bỏ thầu thì hiện tại nhà thầu phải bù lỗ cho mỗi khối bê tông từ 300 đến 400 nghìn đồng. Hiện các nhà thầu đang mua cát, đá cầm chừng để chờ mỏ đặc thù dự án được vận hành để lấy đá", ông Thùy cho hay.
Theo Công ty Cổ phần 484, tháng 2/2024, đơn vị đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp bản xác nhận khu vực, công suất, khối lượng… khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường mỏ đá thôn 6B để cung cấp cho dự án.
Đơn vị đã thực hiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ thuê đất gửi các cơ có thẩm quyền. Song song với đó, nhà thầu đang tiến hành công tác chuẩn bị như: lắp đạt trạm nghiền sàng, lán trại, trạm cân, nhà điều hành để sẵn sàng sản xuất đáp ứng yêu cầu cấp bách của dự án. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn đang bị vướng, chưa thể thực hiện.
Lo thiếu vật liệu làm lỡ tiến độ dự án
Theo phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần 484, nhà thầu cam kết sẽ không bỏ qua bất kì bước thủ tục nào quy định về mỏ nhưng cho phép nhà thầu thực hiện song song việc khai thác đá, vừa tiến hành làm các thủ tục thuê đất theo quy định như các địa phương khác đã áp dụng để kịp cấp vật liệu cho các nhà thầu thi công, chạy đua với thời tiết mùa mua sắp tới.
Ông Phan Tất Thành, Giám đốc điều hành dự án thành phần 2 cho biết: Đối với nguồn vật liệu cát, đá của dự án thành phần 2 xin một mỏ đá ở thôn 6B (xã Ea Pal, huyện Ea Kar) và một mỏ cát trên sông Krông Pắk.
Chủ đầu tư giao cho Công ty Cổ phần 484 là đơn vị đầu mối để xin thủ tục vận hành mỏ theo cơ chế đặc thù nhưng hiện nay chưa thể khai thác làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án.
Theo chủ đầu tư, dự án thành phần 2 có khối lượng thi công rất nhiều với 38 cây cầu (tương ứng khoảng 12km đường), 4 hầm chui. Tỷ lệ công trình chiếm 70% giá trị của công tác xây lắp, đường chỉ chiếm 30% nên cần khối lượng bê tông rất lớn.
Hiện nay, trên công trường, các nhà thầu đang tập trung làm công tác bê tông nên nhu cầu về cát, đá rất căng. Trong khi đó, mỏ đá thôn 6B đang vướng thủ tục thuê đất, nhà thầu xin làm song song, vừa khai thác vừa hoàn thiện thủ tục để cấp đá cho các đơn vị nhưng chưa được làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án.
"Để giải bài toán nguồn vật liệu, nhà thầu đang phải đi mua thương mại bên ngoài với giá cao. Tuy nhiên, giá thành cao nhưng khối lượng rất ít, không đủ. Do đó, giai đoạn này nhà thầu đang thi công cầm chừng, mua đá để chữa cháy chờ mỏ vận hành.
Nhà thầu rất muốn làm song song để cung cấp nguồn vật liệu cho dự án nhưng hiện nay rất khó khăn. Theo tiến độ, năm 2026 dự án cơ bản hoàn thành, năm 2027 sẽ thông xe nhưng tình trạng trên kéo dài, dự báo tiến độ dự án rất áp lực", ông Thành khẳng định.
Theo một lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (chủ đầu tư dự án thành phần 3), hiện nay dự án thành phần 3 có 3 mỏ đá và 1 mỏ cát được thực hiện theo cơ chế đặc thù.
Thời gian qua, các đơn vị đã hoàn thiện các thủ tục và đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp bản xác nhận. Hiện nay, các nhà thầu cũng làm hồ sơ thuê đất gửi các cơ quan có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa được nên rất khó khăn về nguồn vật liệu, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận