Kinh tế

Thiếu nguồn cung, giá thịt lợn tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại

02/03/2020, 15:02

Đầu tuần, giá lợn hơi bất ngờ tăng “chóng mặt” song dân buôn khó tìm nguồn cung. Giá thịt lợn bán ra tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại...

img
Giá thịt lợn đã tăng thêm 10.000-20.000 đồng/kg. Theo đó, thị lợn ba chỉ ở mức 170.000 đồng/kg, dẻ sườn 170.000-180.000 đồng/kg, nạc thăn 160.000 đồng/kg, sườn non 190.000 đồng/kg…

Giá thịt lợn tăng nhanh trở lại

Ngày 2/3, theo khảo sát của PV Báo Giao thông tại các chợ truyền thống, giá thịt lợn đang tăng nhanh và chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt”. Dự báo giá bán có thể lập đỉnh mới khi hàng loạt dân buôn kêu khó tìm nguồn cung khi lợn hơi tăng nhanh hàng ngày…

Cụ thể, tại chợ Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội), chị Thanh Loan, một tiểu thương cho biết, giá thịt lợn đã tăng thêm 10.000-20.000 đồng/kg. Theo đó, thị lợn ba chỉ ở mức 170.000 đồng/kg, dẻ sườn 170.000-180.000 đồng/kg, nạc thăn 160.000 đồng/k, sườn non 190.000 đồng/kg…

“Mấy hôm nay giá lên hàng ngày, lợn hơi đã tăng lên mốc 90.000 đồng/kg. Với đà tăng mỗi ngày 4-5 nghìn đồng/kg thì giá lợn hơi còn tăng cao nữa.

Người dân cũng chỉ mới quay lại ăn thịt lợn vài tuần sau Tết khi giá giảm về mốc 130.000-140.000 đồng/kg. Nhưng lần này, thịt tăng giá trong biến động dịch bệnh Corona khiến lượng tiêu thụ giảm mạnh, chỉ còn khoảng 20%. Người dân chọn mua thịt lợn, thịt gà đông lạnh tại siêu thị nhiều hơn dùng thịt tươi vì giá rẻ”, chị Loan thông tin.

Tương tự, tại chợ Phùng Khoang (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội), chị Minh, một tiểu thương chia sẻ: Chỉ trong 2 ngày, thịt lợn móc hàm tăng từ mốc 110.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg khiến thịt lợn bán ra cũng tăng 10.000-20.000 đồng/kg tùy loại.

Các chợ như Long Biên, Cổ Nhuế, Mỹ Đình…, hầu hết tiểu thương xác nhận, giá thịt đang tăng trở lại mức cao. Họ cũng cho biết, tuy nghe báo đài nói về các công ty lớn như CP, Dabaco cam kết giá lợn hơi xuất chuồng 75.000 đồng/kg song tìm lợn ở dân đã khó, việc mua được giá lợn từ các “ông lớn” càng chật vật…

Báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT) nhận định: Đa số những người chăn nuôi quy mô nhỏ bị động trước tình hình dịch bệnh. Gần 80% hộ chăn nuôi bỏ đi làm công việc khác thay cho việc tái đàn trở lại hoặc có tái đàn thì đến 84% hộ không có khả năng áp dụng biện pháp quy mô an toàn sinh học - điều kiện cần thiết cho quy chuẩn hội nhập kinh tế khối EU.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thiếu hụt về nguồn cung sẽ dẫn đến giá lợn sẽ tăng mạnh thêm 22-45% trong thời gian tới.

Khan hàng, giá có thể lập đỉnh mới?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hồ Văn Liêm, chủ cơ sở giết mổ tại Mê Linh, Hà Nội than phiền: “Mấy tuần này, có ngày tôi không mua nổi một con lợn nào, gần như để lò trống trơn vì không có lợn để giết mổ. Tôi cho người đi tìm mua khắp những công ty quen cũng như hỏi mua ở những địa chỉ mới đều khó tìm nguồn hàng”.

Ông Liêm cho biết, mỗi ngày cơ sở của ông có thể cung cấp 30 con lợn móc hàm cho tiểu thương. Tuy nhiên, từ ngày lợn hơi bắt đầu nhích giá cho đến hôm nay về mốc 90.000 đồng/kg thì luôn trong tình trạng “hôm chăng hôm chớ” chứ không chủ động được nguồn lợn.

Được hỏi về việc tại sao không mua lợn cam kết giá từ các trang trại như CP, hay Dabaco. Ông Liêm khẳng định, hầu như chưa bao giờ mua được giá 75.000 đồng theo cam kết bởi những công ty lớn họ xuất theo đợt và xuất theo số lượng lớn nên lợn xuất chuồng đến tay người dân đã qua mấy cầu buôn nên giá lúc nào cũng tăng cao.

“Giá lợn hơi bán theo số lượng, nên mấy tiểu thương chúng tôi cùng nhau chung một xe lợn khoảng 20-30 con để thịt dần. Tuy nhiên, lợn đã bắt đầu khó mua, dân không tái đàn nên chúng tôi phụ thuộc hết vào trang trại lớn.

Thời điểm này, các trang trại xuất bán không nhiều, thương lái khó tiếp cận, nên khi ra đến thị trường giá lợn bị đẩy lên cao. Nếu tình trạng khan hiếm còn kéo dài, giá lợn hơi có thể sẽ lập đỉnh mới”, chị Đậu Thị Lan, một thương lái tại chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết.

Ông Tường, Chủ tịch HTX Đồng Tâm (Quốc Oai, Hà Nội) nhận định: Thịt lợn tăng giá một phần do thiếu nguồn cung, vì người dân không tái đàn nhiều, các trang trại lớn cũng chỉ mới tái đàn cầm chừng. Hơn nữa, đàn lợn tái đàn cũng chưa đủ lớn để xuất chuồng bởi thông thường sau Tết lứa lợn mới xuất chuồng vào tháng 3-4 khi đó nguồn cung sẽ bớt căng thẳng hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.