Làm báo cùng Giao thông

Thiếu tá hiến tạng cứu 6 người: Lời từ biệt của người vợ trẻ

30/03/2018, 07:30

Cả hội trường lặng đi khi Trung tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện 108 kể lại phút tiễn biệt Thiếu tá Ninh...

7

Trung tướng Mai Hồng Bàng trao tặng thẻ bảo hiểm và cam kết nhận con Thiếu tá Ninh sau khi ra trường nếu theo ngành Y - Ảnh: Thúy Hà (VGP)

Lúc ấy, vợ anh - chị Tạ Thị Kiều đã chạm khẽ vào tay chồng, thì thầm: “Em không biết việc làm của em là đúng hay sai, em không biết anh có giận em không, nhưng em muốn anh cứu được nhiều người khác. Anh không thể ở lại, nhưng em muốn trái tim anh vẫn đập, phổi anh vẫn thở và đôi mắt của anh vẫn sáng để thấy được mẹ con em sống ra sao”.

Với nghĩa cử của gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh (45 tuổi, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 202), 6 người bệnh đã được ghép tạng, có người trong đó đã được cứu sống khi chạm ngõ tử thần. Đặc biệt, ca hiến tạng đã giúp Bệnh viện 108 đi vào lịch sử ngành ghép tạng của Việt Nam với việc thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên từ người chết não.

Tại buổi lễ tôn vinh Thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình anh do Bệnh viện 108 tổ chức hôm ấy, người sĩ quan dẫn chương trình nghẹn ngào từ phút đầu khiến cả hội trường chìm trong niềm xúc động.

Khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao cho gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân nhân” và “Vì sự nghiệp hiến mô bộ phận cơ thể người”, bà đã ôm lấy người góa phụ trẻ.

Hẳn là nơi xa ấy, Thiếu tá Ninh hiểu được tình yêu vô bờ của vợ cùng quyết định cao cả của gia đình, khi trái tim của anh, hai lá phổi của anh, hai quả thận và cả hai giác mạc của anh vẫn đang sống trong cơ thể của 6 người ở hai miền Nam - Bắc, như anh vẫn đang dõi theo cuộc sống của vợ con và gia đình. Món quà mà Thiếu tá Lê Hải Ninh trao lại thật vô giá, khi nó là một phần cuộc đời anh, của gia đình anh và giống như lời chứng “cái chết sẽ không là hư vô nếu từ đó, sự sống khác tiếp tục được hồi sinh.

Vượt lên nỗi đau mất mát, ông Lê Xuân Cự, bố đẻ Thiếu tá Lê Hải Ninh cho biết, việc những người bệnh được ghép tạng của anh đã khỏe mạnh, là nguồn động viên và tự hào của gia đình. Ông cũng mong muốn việc hiến tạng như gia đình ông sẽ lan tỏa để nhiều người được cứu sống...

Sau câu chuyện về bé Hải An, buổi lễ tôn vinh này hẳn sẽ chạm đến trái tim nhiều người, đánh thức những tấm lòng cao cả, như từng có biết bao câu chuyện ân tình mà PGS.TS. Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia chia sẻ: Sau ca ghép đa tạng xuyên Việt thành công lần đầu tiên năm 2015, có 2 nhà sư đã đăng ký hiến thận, dù trước đó họ đã đăng ký hiến gan. Một nhà sư khác đăng ký hiến cả thận và giác mạc khi đang sống, tuy nhiên, việc hiến giác mạc lúc sống không được phép.

Một người phụ nữ hơn 60 tuổi ở Bắc Ninh cũng đến hiến một quả thận khi sống, dù trước đó bà đăng ký hiến sau khi chết. Có cụ già đã 90 tuổi là giáo dân ở Kim Sơn (Ninh Bình) tình nguyện hiến giác mạc, hay một gia đình giáo dân khác đã hiến giác mạc của đứa con 5 tuổi không may qua đời. Có nhiều gia đình trí thức, nhiều vị đại gia, trong đó có Tổng giám đốc một ngân hàng cũng đăng ký hiến tạng.

Ths. Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối tạng cũng kể câu chuyện khiến anh không thể nguôi quên: Một phụ nữ bị khối u, khi biết chỉ còn có thể sống được 6 tháng, chị đã nhờ người viết đơn xin hiến tạng. Khi chị mất, ngân hàng mắt tới lấy giác mạc, mẹ chị rất hạnh phúc khi di nguyện giúp đỡ người khác của chị được thực hiện và chính bà cũng tiếp tục đăng ký hiến tạng.

Những câu chuyện nhân ái mở ra cơ hội sống cho nhiều người.Theo Bộ Y tế, hiện có khoảng 6.000 người suy thận cần được ghép, 300.000 người bị mù lòa cần ghép giác mạc... Riêng một số bệnh viện ở Hà Nội đã có 1.353 người được chỉ định ghép gan. Mặc dù nhu cầu ghép tạng rất lớn, nhưng số được ghép rất nhỏ vì nguồn tạng rất hiếm. Hàng chục nghìn người vẫn khắc khoải chờ được ghép tạng để kéo dài sự sống và rất nhiều người đã phải ra đi trong tuyệt vọng.

Một bác sỹ phẫu thuật từng đau đáu nói với tôi, mỗi năm cả nước có khoảng 9.000 người tử vong vì TNGT, trong đó, khoảng 1.000 người chết não. Chỉ cần 1/10 số người chết não hiến tạng, đã có hàng trăm người được cứu sống từ tim, gan, thận, giác mạc… của người hiến tặng. Nhưng không thể đòi hỏi quá nhiều từ mọi người, những người bác sỹ như chúng tôi chỉ mong có thêm cơ hội sống cho người khác, anh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.