Một hệ thống pháo binh - tên lửa của NATO
Các chuyên gia phương Tây nhận định, một cuộc chiến tranh lớn giữa NATO và Nga rất khó xảy ra, nhưng một cuộc xung đột hạn chế với quy mô nhỏ vẫn có thể xuất hiện.
Đa số các kịch bản dự kiến của NATO về một cuộc xung đột với Nga được cho là sẽ diễn ra ở khu vực các nước Baltic.
Tăng cường sức mạnh cho châu Âu
Vào năm 2016, các nhà phân tích từ tổ chức hỗ trợ nghiên cứu và phân tích cho quân đội Mỹ (RAND) kết luận rằng, khu vực Baltic sẽ chỉ có thể cầm cự được 60 giờ trong trường hợp bị Lực lượng vũ trang Liên bang Nga tấn công.
Nhưng, theo Thiếu tá Lục quân Mỹ Brennan Devereaux “thời gian này sẽ là không đủ để quân đội Nga có thể chiếm được vùng Baltic”.
Ông Brennan Devereaux chia sẻ ý kiến của mình trên trang War On the Rocks.
Thiếu tá Brennan Devereaux giải thích, ưu thế trên không của quân đội NATO không phải là một phương án đảm bảo vì Nga có hệ thống phòng không rất phát triển. Trong tình hình như vậy, lực lượng pháo binh tầm xa lại trở nên rất quan trọng.
Trong những năm gần đây, việc tăng cường lực lượng pháo binh và tên lửa ở châu Âu đã được quan tâm và phát triển rõ rệt.
Tiềm lực của lữ đoàn pháo binh Mỹ tại Đức đã được tăng lên với tổng cộng 32 bệ phóng của lực lượng NATO được đặt tại đây, các hệ thống tương ứng của Mỹ đặt ở Ba Lan là 20 bệ phóng và Romania là 54 bệ phóng.
Như vậy, số lượng bệ phóng sẽ vượt quá một trăm, trong đó có 16 bệ phóng tên lửa hạng nhẹ và cơ động, có sức mạnh tương đương với ba lữ đoàn pháo binh thông thường.
Đi đầu trong trận chiến
Các hệ thống tên lửa và pháo binh rất quan trọng đối với kế hoạch phòng thủ Baltic, vì tính cơ động của chúng cho phép Liên minh có thể triển khai vũ khí tầm xa chính với độ xác cao khắp chiến trường và tiêu diệt các mục tiêu quan trọng của đối phương.
Nhà quan sát Mỹ tin tưởng, với những vũ khí như vậy sẽ giúp khu vực này có thêm thời gian để ngăn chặn bước tiến của quân đội Nga.
Theo ý kiến của thiếu tá Brennan Devereaux, cần phải đảm bảo khả năng cơ động tối đa của các hệ thống pháo - tên lửa. Để những hệ thống pháo binh này đến chiến trường nhanh nhất có thể, cần phải sử dụng các máy bay vận tải hạng nặng ví dụ như máy bay C-130.
Cuộc đột kích độc đáo này cung cấp cho Liên minh một khí tài cơ động và có hỏa lực mạnh, có khả năng vô hiệu hóa hệ thống phòng không của Nga và tạo điều kiện cho Không quân NATO tự do đi lại.
Như ông Brennan Devereaux chỉ ra, Liên minh đã trình diễn chiến thuật "đột kích" trong một cuộc tập trận vào tháng 11/2020, khi điều động hai bệ phóng pháo binh tên lửa từ Đức đến Romania để đảm bảo hỏa lực chính xác gần Biển Đen.
Sự cơ động nhanh chóng của hệ thống tên lửa ra tiền tuyến mang lại lợi thế không thể đoán trước cho kẻ thù.
Trong cuộc tập trận Defender Europe tháng 5/2021, lữ đoàn pháo dã chiến số 41 là lực lượng đóng tại Estonia, đã bắn 24 tên lửa phá hủy các hệ thống phòng không của đối phương trong khu vực.
Điều này cho phép một lữ đoàn từ Sư đoàn Dù số 82 của Mỹ nhanh chóng đổ bộ và tăng viện cho Estonia.
Nhà quân sự Mỹ kết luận, trong khi giá trị của lực lượng cơ giới hóa lớn vẫn còn phải xem xét, đã đến lúc cần phải thừa nhận rằng pháo binh tên - lửa nên đi đầu trong chiến lược quân sự của NATO.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận