Thịt lợn có thiếu không?
Theo ghi nhận trên thị trường vào những ngày cuối cùng của tháng 12/2019, giá lợn tuy không tăng nữa nhưng vẫn giữ mức cao, dao động từ 130-180 nghìn đồng/kg. Chị Đỗ Thị Lan, một tiểu thương ở chợ Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, giá thịt tăng cao đi kèm với lượng mua giảm mạnh. “Lợn trong dân không còn, những trang trại lớn không bán lẻ ra thị trường nên những tiểu thương muốn mua lợn thì lại phải qua những thương lái khác. Do đó giá từ khâu này sẽ bị đội lên”, chị Lan cho hay.
Tại lò giết mổ Hồ Ngọc Liêm (Mê Linh, Hà Nội), Ông Hồ Ngọc Liêm, chủ cơ sở cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi xuất hơn 1,5 tấn lợn móc hàm, tương đương khoảng 20 con lợn hơi, lượng hàng giảm khoảng 40-50% so với tháng trước”. Ông Liêm nhận định, lợn ở trong dân đã hết, chỉ còn ở các trang trại lớn trong vùng xuất ra ở mức 90-92 nghìn đồng/kg. Sau khi giết mổ thì giá lợn móc hàm ở mức 130 nghìn đồng/kg.
Liên quan đến nhận định có hay không việc khan hàng, ông Liêm khẳng định, do sức mua trong dân giảm nên không có hiện tượng tranh giành lợn ở lò mổ hay ở trang trại như những dịp Tết trước đây. “Lượng cung giảm đi nhiều nhưng chưa đến mức độ khan hiếm. Mặt khác, lượng cầu giảm cũng là điểm mấu chốt giúp thị trường bớt căng thẳng”, ông Liên nói.
Theo Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, sản lượng lợn hơi xuất chuồng trên địa bàn hiện ở mức 22.250 tấn/tháng. Như vậy, chưa kể thịt lợn nhập khẩu, số lợn xuất chuồng đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Bà Lan nhận định, qua theo dõi tình hình tiêu thụ mặt hàng thịt lợn tại một số hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố (như Vinmart, Intimex, Hapro...) và tại một số chợ cho thấy, thịt lợn bán ra từ đầu tháng 12/2019 tiêu thụ chậm, lượng bán giảm từ 5-20% so với tháng 11/2019. Hiện, người dân cũng chủ động sử dụng các thực phẩm thay thế khác như thịt gia cầm, thủy sản...
“Hà Nội hiện chưa cần tính đến phương án nhập khẩu. Người dân không mặn mà với thịt lợn nhập khẩu, thịt đông lạnh. Ngoài ra, thịt ngon gần như không nhập được về Việt Nam, chỉ có các phần thịt các nước không dùng đến như vai, xương, chân giò người ta mới xuất khẩu”, bà Lan cho hay.
Tương tự, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP HCM khẳng định: “Bằng mọi biện pháp thành phố vẫn đảm bảo đủ lượng thịt heo cho nhu cầu người dân. Thành phố đã xây dựng kế hoạch chủ động nguồn cung, không những thịt heo mà các loại thực phẩm khác, đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm đặc biệt là Tết Nguyên đán. Ngoài ra, tăng cường nhập khẩu thịt lợn để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước. Đến nay, TP HCM đã nhập khẩu hơn 13.000 tấn thịt lợn, tăng hơn 100% so với năm 2018”.
Không thể một sớm một chiều giảm giá ngay
Về phía các cơ sở chăn nuôi, ông Nguyễn Đình Tường, Chủ tịch HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (Quốc Oai) nhận định, nguyên nhân đẩy giá thịt lợn tăng cao bởi cơ quan quản lý còn chưa có những biện pháp quyết liệt từ khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Hơn nữa giá thịt lợn tại Trung Quốc cao gấp nhiều lần giá ở Việt Nam nên thương lái lợi dụng những kẽ hở để đưa lợn vượt biên bằng đường tiểu ngạch. “Thời điểm đó, không phải do các thương lái hay trang trại, công ty găm hàng mà nguyên nhân chính là do giá lợn thịt giữa hai nước chênh lệch nhau quá cao (55 nhân dân tệ/kg lợn hơi, tương đương 160.000-170.000 đồng), thương lái gom hết hàng trong dân xuất sang Trung Quốc. Chính vì vậy, giá thị trường bị lên nhanh khiến chúng ta không thể kiểm soát được”, ông Tưởng nói và khẳng định, khi giá tăng quá cao, không thể giảm một sớm một chiều dù thịt lợn trong nước vẫn đủ phục vụ dịp Tết.
Tại HTX Chăn nuôi Hoàng Long (Thanh Oai) hiện vẫn còn hơn 1.000 con lợn thịt để phục vụ dịp Tết, song ông Nguyễn Trọng Long, Chủ tịch HĐQT HTX cho biết: “Giá không thể giảm ngay được và cũng không thể xuống mức 80 nghìn đồng/kg như cơ quan chức năng yêu cầu vì trên thực tế lượng lợn mất quá nhiều, trong khi dịp Tết lại là cao điểm tiêu dùng thịt. Ngoài ra, việc găm hàng đẩy giá cũng chưa hẳn, vì lợn đến lứa vẫn phải xuất chuồng, nếu có om hàng thì cũng chỉ đến ngưỡng nhất định”.
Trước ý kiến cho rằng, những doanh nghiệp lớn đang chi phối giá lợn trên thị trường, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Duy Linh, Giám đốc truyền thông Công ty CP Chăn nuôi CP cho biết: “CP đang chịu thiệt bán giá thấp hơn thị trường từ 8 -12 nghìn đồng/kg nên ai cũng muốn mua. Như vậy sao gọi CP là doanh nhiệp dẫn dắt giá thị trường được? Lượng thịt bán ra hàng tháng vẫn đảm bảo ổn định. Tuy nhiên nguồn cung của CP đang kiệt dần. Thông thường trọng lượng xuất chuồng đạt khoảng 120kg nhưng tại thời điểm này, để đảm bảo nguồn cung ra thị trường, lợn đạt trung bình từ 94-95kg đã xuất cũng là yếu tố gây thiệt thòi cho công ty”.
Mới đây, Công ty Vissan có văn bản lần thứ ba gửi Sở Tài chính TP HCM đề nghị tăng giá thịt bình ổn thị trường. Lãnh đạo Vissan cho rằng, với tình hình giá thịt lợn hiện nay, nhất là nhu cầu tăng cao vào cuối năm và Tết Nguyên đán 2020, nếu giữ nguyên mức giá bình ổn hiện nay thì rất khó khăn cho doanh nghiệp. Lãnh đạo Vissan dự báo, nếu giá vẫn như hiện nay thì hết tháng 12, giá lợn hơi sẽ tăng lên 100.000 đồng/kg.
Nhập khẩu 100 nghìn tấn thịt lợn phục vụ Tết
Tới nay, tổng đàn lợn theo báo cáo của các tỉnh còn khoảng 25 triệu con. Trong đó đàn nái là 2,7 triệu con, đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà còn 109.000 con. Với số liệu hiện có sẽ đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn. Trước nhận định nguồn cung thịt lợn đến Tết Nguyên đán 2020 sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ NN&PTNT phối hợp với doanh nghiệp nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt lợn để bình ổn giá thị trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận