Chính sách tạo thuận lợi cho "ông lớn"
Câu chuyện về giảm giá thịt lợn đã trở thành chủ đề “đau đầu” của nhà chức trách và giới chuyên môn kể từ khi giá lợn hơi đã vượt mốc lịch sử, có lúc vượt đỉnh 105 nghìn đồng/kg.
Giải pháp đồng loạt 15 “ông lớn” thực hiện cam kết giảm giá bán lợn hơi mức 70 nghìn đồng/kg kể từ ngày ¼ được cho là mang tính định hướng đã không còn tác dụng sau đó không lâu khi các công ty này lần lượt từ bỏ cam kết với lý do không đủ sức “níu” thị trường.
Sau đó, quyết định nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan được nhiều doanh nghiệp ủng hộ cũng khó thành công khi đến nay số lượng lợn nhập khẩu còn quá khiêm tốn mức 8.692 con so với kỳ vọng hàng triệu con.
Đến nay, câu hỏi “bao giờ thịt lợn mới giảm giá” vẫn luôn là thử thách với ngành chăn nuôi khi giá lợn hơi vẫn giao dịch quanh ngưỡng 90 nghìn đồng/kg và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Trao đổi với Báo Giao thông về góc độ người chăn nuôi, ông Nguyễn Tuấn, chủ trại chăn nuôi ở Mê Linh, Hà Nội cho rằng: Chúng ta đang kêu gọi với nhau tăng đàn, song một điều cơ bản là tạo thế cân bằng cho thị trường chúng ta chưa quan tâm đến.
“Cân bằng rất quan trọng, ở chỗ có sự cân bằng mới có sự cạnh tranh và cân bằng trong chăn nuôi từ xưa đến nay mới là thứ quyết định giá trực tiếp ngay sau nguồn cung”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, cân bằng ở đây là chăn nuôi đồng đều, nhiều phân khúc chăn nuôi, nhiều người tham gia vào chăn nuôi chứ không phải chỉ tập trung vào những doanh trại lớn, an toàn sinh học.
“Đồng ý rằng cần đề phòng dịch, nhưng tại sao không phân vùng, phân khu vực an toàn để kích thích chăn nuôi toàn dân mà chỉ chú trọng những nhà nuôi lớn.
Từ đó, vô hình chung trở thành tiếp tay cho sự độc quyền thị trường, mà độc quyền thì cho dù có dư cung cũng không thể giảm giá bởi đa phần những công ty lớn đều có mảng chế biến thực phẩm nên đối với họ không bao giờ là thừa”, vị này phân trần.
Về quan điểm của cá nhân, ông Tuấn cho rằng, số lượng lợn xuất chuồng những tháng qua luôn giảm gần 10%, trong khi tái đàn đều tăng cho thấy mức tiêu thụ giảm đang bù đắp vào thiếu hụt đàn lợn so với những năm trước.
Do đó, nguồn cung rõ ràng không phải là vấn đề mà cần kích thích vai trò chăn nuôi toàn dân để mở rộng thị trường, giá sẽ giảm khi không còn quá nhiều khâu trung gian và có nhiều sự phân tầng chăn nuôi.
Chưa truyền thông đủ về thịt đông lạnh
Khoa học chứng minh, những thịt nóng không đảm bảo chất lượng bởi khi con lợn còn sống hệ miễn dịch còn hoạt động, còn ức chế được vi khuẩn, tuy nhiên, khi mình giết mổ thì lập tức hệ miễn dịch của con lợn mất tác dụng mà những con vi khuẩn sẽ hoạt động trở lại. Công nghệ giết mổ hiện đại là cắp đông luôn âm 12-18 độ, thì con vi khuẩn không có cơ hội hoạt động sẽ đảm bảo an toàn.
Trong khi, thịt "nóng" giết mổ xong, được vận chuyển không đảm bảo trên đường sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây hại vì trong thời gian đó con vi khuẩn hoạt động mạnh.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc Công ty bán lẻ BRG
Nhập khẩu thịt lợn đông lạnh cũng là một giải pháp được đưa ra trong thời điểm lượng thịt lợn giảm sụt mạnh sau dịch tả lợn Châu Phi, song theo đánh giá của giới kinh doanh thì việc nhập khẩu không còn hấp dẫn khi người dân không mặn mà với thịt đông lạnh.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc Công ty bán lẻ BRG (BRG Retail), thuộc Tập đoàn BRG cho biết, mặc dù công ty đã rất chú trọng đến chiến lược nhập khẩu những dòng thịt lợn từ nhà sản xuất lớn thứ 2 nước Mỹ để bán tại hệ thống các siêu thị của BRG, nhưng một thực tế dễ thấy, người dân đang bị một tâm lý nghi ngờ chất lượng thịt lợn đông lạnh không đảm bảo chất lượng.
Do đó, 23 tấn thịt lợn vừa mới cập bến Việt Nam trong tuần trước sẽ được hệ thống BRG xây dựng chiến lược tuần lễ thực phẩm với nhiều chương trình khuyến mãi để người dân có thể tham gia trải nghiệm chất lượng thịt lợn “chuẩn” vào ngày 24/7 này.
Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của đối tác tại Mỹ, để truyền thông cho mọi người hiểu hơn về thịt lợn đông lạnh được sản xuất theo quy chuẩn an toàn kiểm định của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Theo ông Dũng, hiện nay, trên thị trường Việt Nam có hiến tượng doanh nghiệp nhập những dòng thịt dùng chế biến nhưng khi khan hàng, giá cao lại mang ra bán ra thị trường.
Như vậy, người tiêu dùng đang bị thiệt thòi. Và chiến lược của BRG chính là muốn thay đổi cách nhìn của người dân về dòng thịt này. Từ đó, mong muốn đây cũng là một giải pháp thực sự nhằm giúp bình ổn giá trong nước.
Tương tự, chị Thanh Hương, chủ một fanpage bán thịt lợn nhập khẩu online chia sẻ, thời điểm đầu shop bán rất mạnh khi được truyền thông nhiều về thịt lợn nhập khẩu Nga, mỗi ngày lên đến 50-70 kg, ai cũng khen ngon và rẻ.
Thế nhưng, khi không còn được nhắc nhiều trên truyền thông, thị trường cũng liền “tắt phụp”. Số lượng bán ra hàng ngày đếm trên đầu ngón tay, người kinh doanh cũng chán nên chuyển sang bán các dòng thịt bò ba chỉ dễ tiêu thụ hơn.
Nhận định về điều này, chị Hương cho rằng, chúng ta chưa truyền thông đủ về thịt lợn đông lạnh. Đã là giải pháp cần có chiến lược lâu dài, không thể chỉ kêu gọi và để đó mặc cho người kinh doanh tự xoay xở.
“Cơ quan có thẩm quyền cần theo dõi sát hoạt động của doanh nghiệp, nhập thịt gì, bán ra sao, có hợp lòng dân hay không, có là giải pháp tốt không hay, sau đó mới quyết định một hướng tốt nhất và phát triển nó.
Tôi cho rằng, giải pháp nhập khẩu thịt lợn đông lạnh chưa được đi đúng mong muốn của giới kinh doanh và người dân”, chị Hương bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận