Quản lý

Thợ cầu CIENCO4 không còn lo nơi ăn chốn ở

31/08/2016, 22:33

Những hình ảnh lán trại tạm bợ, nhếch nhác dường như quá quen thuộc với các công trường xây dựng giao thông...

16

Nhà ở cho công nhân CIENCO4 trên công trường xây dựng dự án Tân Vũ - Lạch Huyện

Những hình ảnh  lán trại tạm bợ, nhếch nhác dường như quá quen thuộc với các công trường xây dựng giao thông từ hàng chục năm nay, dù đó là công trình ở đô thị hay bản làng xa xôi. Tuy nhiên, với mô hình xây dựng nhà ở kiên cố cho công nhân của Tổng công ty XDCTGT4 (CIENCO4), điều này không còn đúng nữa…

Thợ cầu được “trang bị tận răng”

Vượt gần 200 cây số từ Thủ đô Hà Nội, sáng 19/8, chúng tôi tìm đến công trường xây dựng cầu Sông Hốt trên tuyến đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng. Nằm cách QL18 chỉ chừng 3-4km, nhưng để vào được công trường phải mất gần nửa tiếng đồng hồ men theo đường công vụ xuyên qua phường Đại Yên (TP Hạ Long) lầy lội, bùn đất nhớp nháp sau trận mưa kéo dài suốt đêm do khu vực này đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão Thần Sấm quét qua.

Đặt chân đến gói thầu số 4, dưới làn mưa trắng trời, cây cầu Sông Hốt thấp thoáng lộ diện hình hài, hàng loạt trụ cầu, nhịp cầu đang bước vào giai đoạn hoàn thiện. Nằm kẹp giữa một bên là công trường cầu Sông Hốt, bên kia là vịnh Hạ Long, 6 dãy nhà ở kiên cố của công nhân nhà thầu CIENCO4 đứng sừng sững trước những cơn gió rít liên hồi, giật cấp 9, cấp 10 kèm theo lượng mưa như trút.

Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện có tổng chiều dài toàn tuyến là 15,63km, bao gồm 5,44km cầu vượt biển, phần đường dẫn dài 10,19km đi qua địa bàn quận Hải An và huyện Cát Hải của TP Hải Phòng. Dự án thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ. Tổng mức đầu tư của dự án là 11.849 tỷ đồng, trong đó, vốn vay ODA Nhật Bản là 10.049 tỷ đồng và phần vốn đối ứng là 1.800 tỷ đồng.

Công trình xây dựng cầu Sông Hốt thuộc dự án đường cao tốc nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng. Cầu Sông Hốt có chiều dài 1.115,7m, bề rộng mặt cầu 27m, với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng. Gói thầu được các nhà thầu thi công từ cuối tháng 11/2014.

“Tất cả ngôi nhà ở đây đều được xây dựng kiên cố bằng khung thép, mái tôn có thể chịu được những cơn bão mạnh hơn nhiều, chứ mưa gió thế này chỉ là chuyện nhỏ”, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Ban Điều hành dự án (CIENCO4) mở đầu câu chuyện.

Ông Hải cho biết, trước khi công trình gói thầu số 4, xây dựng cầu sông Hốt (tháng 11/2014) thi công, lãnh đạo tổng công ty đã chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình nhà ở với 6 dãy nhà kiên cố trên diện tích gần 800m2 cho hơn 160 công nhân của các đơn vị: Công ty CP Xây dựng và Đầu tư 492, Công ty CP 473 và Công ty CP Đầu tư xây dựng 414. “Trước đây, khu vực này là đầm nuôi tôm, để có mặt bằng chúng tôi phải bơm vào trên 100 nghìn khối cát. Sau đó, chúng tôi dựng lên các ngôi nhà được lắp khung thép, dầm bê tông, mái tôn cách nhiệt, nền lát gạch. Nội thất bên trong được trang bị đầy đủ tiện nghi từ ti vi, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, bình nóng lạnh đến những vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt để đảm bảo điều kiện ăn ở tốt nhất cho anh em công nhân”, ông Hải nói.  

Dẫn chúng tôi tham quan khu vực nhà ở công nhân, chỉ tay về khối bê tông khổng lồ hình chữ nhật nằm sát cạnh khu vực nhà ăn, ông Hải nói: “Vấn đề nan giải khi thi công các công trình nằm ở khu vực biển là nước ngọt phục vụ thi công và sinh hoạt. Để chủ động việc này, chúng tôi đã xây dựng bể chứa nước bằng bê tông, nước được dẫn trực tiếp từ hệ thống cấp nước của phường Quảng Yên thông qua đường ống dài hơn 2,5km đặt dưới lòng biển. Tổng kinh phí để san lấp mặt bằng và xây dựng nhà ở, hệ thống nước ngọt tại công trình cầu sông Hốt ước tính khoảng 10 tỷ đồng do tổng công ty chi trả”.

Hơn 20 năm gắn bó, lăn lộn trên các công trình xây dựng giao thông, ông Phạm Văn Nam, Đội trưởng Đội công trình 3, Công ty CP Xây dựng và Đầu tư 492 hồ hởi, nói: “Công việc lao động trên công trường vất vả, quanh năm phải sống xa gia đình, trước kia anh em đều phải ở trong các lán trại tạm bợ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn trăm bề, nhiều khi sức khỏe không được đảm bảo. Giờ  với chủ trương của lãnh đạo tổng công ty, chúng tôi được chăm lo đầy đủ về điều kiện vật chất, nơi ăn chốn ở. Mùa đông có nước nóng để tắm, mùa hè được dùng điều hòa, mọi chế độ đều được đảm bảo nên tất cả anh em đều rất yên tâm làm việc và gắn bó với công ty. Ở công trường nhưng chúng tôi có cảm giác chẳng khác nào đang ở nhà”.

Chia sẻ về công tác triển khai thi công trên công trường, ông Nguyễn Thanh Hải cho hay, gói thầu số 4 xây dựng cầu Sông Hốt phải thi công trong điều kiện địa hình, địa chất rất phức tạp. “Khu vực này có rất nhiều hang caster, có những cọc khoan đi qua 5 hang caster, trong đó cọc sâu nhất lên tới 57m”, ông Hải nói và cho biết, đến nay, các mũi thi công của CIENCO4 đã hoàn thành 100% (221/221) cọc khoan nhồi, đúc xong 202/300 phiến dầm,… phấn đấu hoàn thành toàn bộ gói thầu trước 25/10/2016 theo đúng kế hoạch.

Nhà phải đúng nghĩa là nhà  

Rời công trường xây dựng cầu Sông Hốt khi trời đã nhá nhem tối, vượt phà Đình Vũ, chúng tôi tìm đến một công trình khác CIENCO4 đang thi công tại dự án Tân Vũ – Lạch Huyện. Cơn bão Thần Sấm vừa đi qua để lại những hậu quả khôn lường, hàng chục mét ống địa kỹ thuật bị tàn phá, sụt lún chìm sâu dưới biển. Để lấy lại tiến độ, ngay sáng 20/8, từng tốp công nhân của CIENCO4 đã được huy động ra công trường.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Ban Điều hành dự án (CIENCO4) cho biết, đây là công trình trọng điểm Quốc gia, điểm nhấn là công trình cầu vượt biển dài nhất Việt Nam nối quận Hải An với huyện Cát Hải (TP Hải Phòng) được thiết kế dài 5,44km, khổ thông thuyền hai khoang rộng 100m, cao 12m. Theo ông Hùng, gói thầu do CIENCO4 đảm nhiệm thi công bên phía huyện Cát Hải hiện đã hoàn thành toàn bộ công tác đắp nền, xử lý đất yếu đối với phần đường dẫn dài 5,6km.

“Phần cầu chính đã hoàn thành 12/12 trụ, 8/10 cánh hẫng… Chúng tôi đang nỗ lực tập trung thi công cao nhất để hoàn thành cầu dẫn phía Cát Hải trước 30/10, hợp long phần cầu chính trước 30/12/2016 và hoàn thành toàn bộ dự án trước 15/5/2017”, ông Hùng cho hay.

Chia sẻ thêm, ông Hùng nói: “Công trường dự án là khu vực độc đạo, việc đi lại rất khó khăn. Để khắc phục điều này, chúng tôi đã tiến hành xây dựng mô hình nhà ở công nhân nằm sát chân công trường trên diện tích 5ha, kinh phí đầu tư gần 20 tỷ đồng. Việc xây dựng nhà ở công nhân ngay cạnh công trường giúp cho công tác chỉ đạo điều hành tập trung, tiết kiệm được thời gian đi lại, đồng thời đảm bảo các điều kiện tốt nhất trong sinh hoạt hàng ngày cho cán bộ, công nhân”.

Theo quan sát, các ngôi nhà ở đây đều được xây dựng kiên cố, vững chắc bằng thép và bê tông, mỗi phòng rộng khoảng 60m2 dành cho 16 người với đầy đủ tiện nghi từ giường, chiếu, chăn màn đến điều hòa, tủ lạnh, tivi, internet,… khu nhà ăn được xây dựng ngăn nắp gồm: Bếp ăn, bàn ghế, tủ đựng thức ăn,…

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ tịch Công đoàn CIENCO4 cho biết, chủ trương xây nhà ở cho công nhân được tổng công ty thực hiện từ năm 2010. “Đến nay, toàn bộ công trường của CIENCO4 đã xóa bỏ hết lán trại để thay thế bằng nhà ở cho công nhân. Nhà phải đúng nghĩa là nhà và được xây dựng theo đúng các quy chuẩn của tổng công ty về diện tích, số lượng, quy mô,… để đảm bảo tốt nhất cuộc sống cho người lao động”, ông Phúc nói và cho biết thêm, sau khi công trường hoàn thành, toàn bộ trang thiết bị, vật liệu xây dựng mô hình nhà ở sẽ được tháo dỡ, vận chuyển đi lắp đặt trên các công trình mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.