Công trường thi công dự án cầu sông Rút ghi dấu ấn thợ cầu Thuận An |
Những ngày tháng 8 này, tại dự án cầu sông Rút, thuộc dự án Đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng (cao tốc Hạ Long - Hải Phòng), những người thợ cầu Thuận An đang nỗ lực hoàn thành phần việc của mình với những cách làm sáng tạo. Bên cạnh đó, hiện thợ cầu Thuận An còn đang “chia lửa” cho đơn vị bạn để bảo đảm tiến độ chung của dự án.
Giải bài toán tiến độ thi công
Tại công trường thi công gói thầu 6 - cầu sông Rút, thuộc dự án Đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng (cao tốc Hạ Long - Hải Phòng), bất chấp thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, hơn 80 công nhân, cán bộ, kỹ sư Thuận An vẫn miệt mài làm việc với quyết tâm hoàn thành gói thầu và rút ngắn thời gian thi công so với hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư - Sở GTVT Quảng Ninh.
Là một trong ba gói thầu xây dựng ba cầu lớn trên tuyến đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng, gói thầu cầu sông Rút được triển khai thi công từ tháng 10/2014, do liên danh nhà thầu Công ty CP Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An, Công ty CP Cầu 12 và Tổng Công ty XDCTGT 8 (CIENCO8). Đây là cây cầu được thiết kế xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực. Chiều dài toàn cầu là 1.274,26m, rộng 27m, gồm 6 làn xe cơ giới, với tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng.
Kỹ sư Nguyễn Văn Hợi, Phó chỉ huy trưởng công trình chia sẻ: “Theo hợp đồng ký kết, tháng 11/2016 sẽ bàn giao hạng mục gói thầu cho chủ đầu tư, vì vậy anh em Thuận An đang tập trung hoàn thành khối lượng công việc theo kế hoạch và cố gắng cán đích sớm, hy vọng vượt tiến độ với chất lượng công trình tốt nhất. Hiện tại, đơn vị thi công đang tiến hành lao dầm bên phải nhịp 6 sang nhịp 8. Về phần gia tải đang ở giai đoạn 3 và đã đắp xong 2m. Các hạng mục cơ bản hoàn thành. Toàn bộ dầm đúc xong, các trụ đã hoàn thiện, giờ tập trung làm mố A1 tại vị trí gia tải xử lý đất yếu, đảm bảo cuối tháng 10 sẽ hoàn thành mố A1 để nối toàn bộ cầu”.
Giải bài toán tiến độ thi công, kỹ sư Hợi cho biết, Thuận An đã huy động nhân lực lên đến hơn 80 người và trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho các mũi thi công, nhất là mũi lao lắp dầm. Thay vì lao dầm bằng giá ba chân thông thường thì việc thi công được áp dụng bằng dầm dẫn giá pooctich. “Do vị trí thi công nằm ngay giữa sông nên không thể làm bằng cẩu mà phải lao bằng dầm dẫn theo cách ở hai đầu cầu lắp bộ giá pooctich rồi cẩu dầm lên và kéo theo xe sang ngang ra, đồng thời lấy giá long môn gắp dầm lên mặt cầu”, kỹ sư Bùi Đình Hồng, Chỉ huy trưởng công trường, người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm làm cầu, là thợ cầu giỏi được Thuận An đưa về sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ từ các công trình lớn như cầu vượt QL1, cầu Sông Con (Nghệ An) chia sẻ.
Được biết, theo dự tính ban đầu, một ngày đơn vị thi công lao một phiến dầm. Tuy nhiên, bằng phương pháp thi công như trên, hiệu quả đã tăng lên rõ rệt: Hai ngày lao được ba phiến dầm. Đến nay, thợ cầu Thuận An đã hoàn thành lao 6 phiến dầm, ra nhịp nào thì hoàn thiện nhịp đấy, vừa đổ dầm ngang mặt cầu, vừa đổ lan can hai bên và gờ chắn ở giữa. Với 42/48 phiến còn lại, theo tiến độ như hiện nay, hạng mục này sẽ được hoàn thành vào giữa tháng 9, sau đó chờ thảm theo kế hoạch chung của toàn bộ dự án.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, kỹ sư Bùi Đình Hồng cho biết, để phục vụ thi công, Thuận An sản xuất bộ giá pooctich dùng cho việc lao dầm. Đây là dầm dẫn hiệu quả và an toàn hơn giá ba chân thông thường. Việc tận dụng bộ tời, hai xe con của hai giá pooctich để triển khai nâng dầm sẽ đẩy nhanh được tiến độ, an toàn cho công nhân, tiết kiệm chi phí và đặc biệt chủ động thời gian, ứng phó với thời tiết.
“Nếu như trước đây, việc thuê xe chở dầm mất phí 5 triệu đồng/phiến (240 triệu đồng/48 phiến) thì việc đầu tư và sử dụng dầm dẫn với kinh phí gần 400 triệu đồng sẽ rẻ hơn rất nhiều khi thiết bị này có thể tái sử dụng nhiều lần ở những dự án khác. Ngoài ra, khi sử dụng dầm dẫn sẽ rút ngắn thời gian 20 phút so với xe chở dầm, đặc biệt dù nắng hay mưa thì bộ dẫn dầm vẫn hoạt động được, không như xe bị “bất động” khi lún bùn đất. Như vậy, bài toán giải quyết tiến độ thi công tại cầu sông Rút được Thuận An áp dụng mang lại hiệu quả cao”, kỹ sư Hồng cho biết.
Sẵn sàng “chia lửa” cho nhà thầu bạn
Ngoài nhiệm vụ của mình, tại dự án này, Thuận An còn được chủ đầu tư là Sở GTVT Quảng Ninh giao nhiệm vụ thi công thêm một phần khối lượng cho Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (CIENCO8) sau khi đơn vị này bị chậm tiến độ.
Theo biên bản bàn giao của Sở GTVT Quảng Ninh, Công ty Thuận An sẽ chịu trách nhiệm thi công đúc thêm 12 phiến dầm Super T và phần mặt cầu của CIENCO8 còn lại. Theo kế hoạch thi công đề ra thì sau một tháng tiếp nhận, Thuận An sẽ chủ động tăng thêm con người, thiết bị, thêm các mũi thi công để hoàn thiện nhịp cầu 12 của CIENCO8.
“Để bảo đảm tiến độ và chất lượng cả hai phần công việc, Thuận An đã huy động thêm 15 nhân công thực hiện đúc dầm. Đồng thời, thay đổi biện pháp thi công: Ưu tiên hoàn thiện hạng mục của CIENCO8 để cuốn chiếu trong quá trình hoàn thiện mặt cầu”, kỹ sư Bùi Đình Hồng cho biết.
Đến nay, Thuận An đã đúc được phiến thứ 6 trong tổng số 12 phiến dầm. Để thuận tiện, thợ cầu Thuận An đúc tại bãi đúc phía bờ Hạ Long và vận chuyển dầm qua nhịp đúc hẫng sang lao lắp tại nhịp 12 phía Hải Phòng, phương án này đã góp phần kéo giảm tiến độ cho dự án.
Hiện tại, trên công trường sông Rút, các kỹ sư, công nhân của Công ty Thuận An vẫn duy trì làm việc ba ca/ngày. Bằng tinh thần làm việc sáng tạo, khẩn trương, nghiêm túc, thợ cầu Thuận An đang có thể chủ động bảo đảm tiêu chí an toàn lao động, duy trì tiến độ cũng như chất lượng công trình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận