Thợ cầu Thuận An trên công trường Sông Rút, Quảng Yên, Quảng Ninh |
Mặt bằng bàn giao chậm, điều kiện thi công khó khăn, tuy nhiên, bằng sự chủ động về thiết bị, nhân lực, với cách làm sáng tạo, nỗ lực vượt khó, những người thợ Thuận An đã và đang khẩn trương đưa hai dự án tại hai địa phương vùng Đông Bắc và Đồng bằng Bắc bộ về đích sớm.
Không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thuận tiện, hai công trình cầu Cống Neo tại tỉnh Hưng Yên và cầu Sông Rút tại tỉnh Quảng Ninh hoàn thành thêm một lần củng cố thương hiệu cho thợ cầu Thuận An...
Người dân không còn lo tắc cầu
Những ngày cuối tháng 4, trên công trường xây dựng cầu cống Neo, thị trấn Thanh Miện, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, những thợ cầu Thuận An đang gấp rút hoàn thành các hạng mục cuối cùng của dự án.
Trao đổi với PV trong khi tay vẫn đang thực hiện công đoạn hàn các nắp cống thoát nước trên mặt cầu, anh Nguyễn Văn Chiến lý giải: “Để tránh mất cắp thiết bị lọc rác cho hệ thống thoát nước trên mặt cầu đã từng xảy ra, anh em phải gia công hàn lại”. Tại đường dẫn bên phía Hưng Yên, công tác lắp hộ lan cho cầu Cống Neo cũng đang được thực hiện.
Lau những giọt mồ hôi trên mặt, Phó giám đốc ban Điều hành công trình cầu Cống Neo, kỹ sư Trần Anh Quang cho biết, cách đây gần 1 tuần, đầu đường dẫn phía Hưng Yên vẫn đang được xử lý phần đất yếu do mặt bằng bàn giao chậm đến 5 tháng, trong khi theo yêu cầu kỹ thuật cần phải gia tải. Để có được việc thảm mặt đường dẫn như hôm nay, nhà thầu đã phải chủ động tăng thiết bị, tiến hành làm 3 ca liên tục, tăng thêm hệ số ca lu, lèn để đảm bảo chất lượng cho dự án.
Cũng theo đại diện nhà thầu, việc chậm bàn giao mặt bằng tới 5 tháng đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công theo dự kiến ban đầu của nhà thầu. Tuy nhiên, nhận thấy đây là công trình có ý nghĩa dân sinh rất lớn, Thuận An chủ động huy động thêm thiết bị, máy móc, tăng khoảng 30% so với hợp đồng yêu cầu, cùng đó, đơn vị đã cho tăng thêm ca thi công ban đêm. “Trung bình, mỗi ca có khoảng 20 -30 công nhân, kỷ lục nhất có lúc lên đến gần 100 cán bộ, công nhân làm việc liên tục 24/24h trên công trường”, kỹ sư Quang cho biết.
Không chỉ bố trí thêm thiết bị, nhân lực, Thuận An đã biệt phái một Phó tổng giám đốc xuống ăn nằm tại dự án để chỉ đạo thi công, cũng như giải quyết ngay các tình huống phát sinh.Còn nhớ, khi thi công 2 trụ P3, P4 ở giữa sông, do mực nước sâu, dòng chảy mạnh, địa chất đáy sông phức tạp, chiều sâu móng tính từ mặt nước xuống gần 10m, áp lực lớn khiến hố móng luôn bị ngập nước.
Cùng với việc cho công nhân tăng ca, sử dụng đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm thi công dưới nước nhiều, biện pháp dùng thợ lặn đã được triển khai, qua đó hoàn thành 2 trụ đúng tiến độ, chất lượng đề ra.
Rồi chuyện khắc phục địa chất yếu bằng việc tăng chiều dài của cọc bê tông cốt thép, tăng mật độ cọc ở 2 đầu giảm tải GS1, GS2, GS3, cống chui dân sinh và cống hộp; bổ sung hệ thống cống tròn dẫn nước phục vụ nhu cầu tưới tiêu cho người dân cũng được nhà thầu chủ động. Hay như bất đắc dĩ phải biến công trường thành đường giải tỏa ùn tắc cho cầu Cống Neo cũ trong suốt 2 tuần để phục vụ nhân dân đi lại.
Vượt qua khó khăn, những người thợ Thuận An đã hoàn thiện dự án này, kịp thông xe dịp 30/4/2016 đưa công trình vào sử dụng, tạo điều kiện cho người dân đi lại được thuận tiện, an toàn.
Chị Hoàng Thị Mai, người dân thị trấn Thanh Miện, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương vui mừng nói: “Ngày nào cũng sang Hưng Yên để bán hoa quả, từ giờ không còn lo bị ùn tắc, lo muộn buổi chợ, đường lại rút ngắn gần cây số”.
Bứt tốc, đưa cầu Sông Rút về đích sớm
Thi công đường dẫn lên cầu Cống Neo |
Cùng với Cống Neo, tại công trường thi công cầu Sông Rút, thuộc dự án cao tốc nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng, nằm trên địa phận phường Yên Hải, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, những ngày tháng 4 này, các cán bộ, kỹ sư, công nhân của Công ty Thuận An vẫn đang hối hả triển khai các hạng mục thi công nhằm mục đích hoàn thành dự án sớm.
Tại đây, kỹ sư Nguyễn Văn Hợi, Phó chỉ huy trưởng công trình chia sẻ với PV: “Hiện trên công trường có đến gần 150 kỹ sư, công nhân lành nghề, giàu kinh nghiệm đang triển khai các phần việc độc lập tại mỗi mũi thi công. Trong đó, Tổ trưởng các Tổ thi công đều là thợ bậc cao đã từng thi công nhiều công trình cầu lớn của đất nước”.
Sau 2/3 thời gian thi công, hiện với 7 mũi thi công, tập trung các hạng mục cọc khoan nhồi, trụ, mố cầu, đúc dầm và xử lý đất yếu giai đoạn 2. Với 3 ca, làm việc 24/24h, theo kỹ sư Hợi, đến 30/4 sẽ hoàn thành phần gia tải giai đoạn 1, đồng thời hoàn thiện phần hạ bộ để tiến hành lao dầm và thi công phần lan can cầu từ ngày 10/5. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành trước 30/8, đạt mục tiêu vượt tiến độ trước 4 tháng với chất lượng tốt nhất.
Chia sẻ về kinh nghiệm vượt tiến độ tại dự án này, Kỹ sư Nguyễn Trọng Trương, phụ trách Tổ đúc dầm cho biết: “Bằng việc đưa ra 8 thiết kế mẫu để lựa chọn, trong khi quy trình chỉ cần từ hai đến 3 mẫu, mà anh em chỉ mất 2,5 ngày để thi công một phiến dầm, thay vì ba ngày như bình thường. Nhờ sáng kiến này, bộ phận đúc dầm sẽ hoàn thành toàn bộ hạng mục này vào cuối tháng 5 phục vụ việc lao dầm”.
Bên cạnh sáng kiến về kỹ thuật, tại dự án cầu Sông Rút, Ban chỉ huy công trường còn phải học nghiên cứu thủy văn để thích ứng với yêu cầu thực tế: “Do tuyến đường bộ dẫn vào khu vực công trường chủ yếu là đường đê, nền đất yếu và cầu dân sinh hạn chế tải trọng, việc vận chuyển vật liệu xây dựng vì thế không được thuận lợi. Toàn bộ nguồn vật liệu và thiết bị nặng đều được vận chuyển chủ yếu qua đường thủy khiến chi phí tăng cao hơn nhiều lần so với dự toán ban đầu.
Thậm chí, khi vận chuyển xi măng, sắt thép, sà lan còn bị mắc kẹt giữa sông và phải nằm chờ con nước lên. Sau sự cố, anh em phải tham khảo số liệu của cơ quan chuyên môn, của người dân sở tại để căn con nước theo chu kỳ của từng tháng, qua đó chủ động vận chuyển thiết bị, vật liệu khớp với con nước, vừa tránh lãng phí vừa không bị động về vật liệu, thiết bị thi công”.
Ngoài những sáng kiến về kỹ thuật, theo tìm hiểu của PV, Thuận An đã chủ động quan tâm đến chế độ cho người lao động bằng việc thưởng tiến độ, tăng chế độ ăn ca, khuyến khích anh em bám công trường làm việc. Về điều này, Tổ trưởng Tổ nhân lực Trần Bá Hòa cho biết: “Với tinh thần “Đi trước mở đường”, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tất cả kỹ sư, công nhân đều bám trụ công trường, không ai xin nghỉ phép về quê thăm nhà. Mục tiêu của anh em nhằm đưa công trình vượt tiến độ, với chất lượng tốt nhất, củng cố thương hiệu thợ cầu Thuận An”.
Trước thắc mắc của PV, thời tiết của Quảng Ninh chuẩn bị vào mùa mưa liệu có làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình? Kỹ sư Hợi khẳng định: Hiện tại, các hạng mục cơ bản của cầu đã được hoàn thiện, phần kỹ thuật cũng đã được xử lý kiên cố, thời điểm mùa mưa rơi vào giai đoạn đúc lan can cầu, khi đó nhà thầu vẫn làm chủ được yếu tố thời tiết để thi công các hạng mục còn lại, chắc chắn sẽ đưa công trình về đích sớm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận