Công nghiệp Tái chế tàu cũ đang phát triển mạnh tại Thổ Nhĩ Kỳ; để giúp bạn đọc hiểu rõ về ngành này, Báo Giao thông trích giới thiệu bài phỏng vấn của Tạp chí Sea News với ông Adem Simsek - Chủ tịch Hiệp hội Tái chế Tàu Thổ Nhĩ Kỳ kiêm Chủ tịch Hiệp hội Tái chế Tàu cũ quốc tế.
Ngành công nghiệp tái chế tàu cũ mang về cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 10 tỷ USD |
Phối hợp với đăng kiểm xử lý chất độc hại
Hiệp hội có triển khai công tác giám sát không, thưa ông?
Thực tế chúng tôi vừa là đơn vị Quản lý nhà nước, vừa là doanh nghiệp. Chúng tôi tự đặt ra các câu hỏi và tự đi tìm câu trả lời. Ai đã làm cái gì, rác thải sẽ đi về đâu và sau này như thế nào. Và theo dõi công ty nào chuyển cái gì tới đâu.
Liệu amiăng có phải là vấn đề quan trọng nhất?
Theo thống kê của chúng tôi, số lượng tàu có chứa chất amiăng đã giảm từng ngày. Thực tế từ việc tái chế tàu cũ năm 2013, số lượng tàu có chứa chất amiăng rất ít. Do đó, amiăng không phải là vấn đề quan trọng nhất đối với chúng tôi. Chất này đã bị cấm sử dụng cho tất cả các loại tàu thủy chở khách từ năm 2010. Amiăng hiện cũng không còn dùng phổ biến trên các tàu hàng.
Các ông làm thế nào để loại bỏ các chất thải độc hại khác trong quá trình phá hủy?
Năm ngoái, trong khuôn khổ hợp tác với Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), một danh mục đã được lập. Mọi chất thải đã được đề cập tại danh mục này. Đây là một hệ thống của Mỹ, theo đó vị trí của mọi chất thải độc hại trên tàu sẽ được liệt kê. Chúng tôi đã áp dụng danh mục này từ năm 2004. Trên thực tế, chúng tôi không phải tìm kiếm các chất độc hại này. Các giám sát viên và đăng kiểm xác định chúng. Chúng tôi sẽ nhận báo cáo chính thức từ phía họ. Các chất độc hại được xác định sẽ mang tới cho chúng tôi định kỳ vào nhiều giai đoạn trong quá trình phá dỡ. Chúng tôi nhận các mẫu cùng với biên nhận và gửi chúng tới các công ty tái chế. Do đó, mọi chất thải đầu vào và đầu ra đều được giám sát chặt chẽ.
Lĩnh vực xanh
Làm thế nào để ngăn chặn việc ô nhiễm môi trường?
Cứ 3 tháng, các mẫu nước biển được đem tới Đại học Dokuz Eylul để xét nghiệm cùng với cán bộ của Vụ Môi trường, kết quả sau đó được gửi trả cho chúng tôi.
Các ông đã sẵn sàng chưa khi Công ước Hồng Kông sẽ có hiệu lực?
Chúng tôi đã sẵn sàng. Khi Công ước được phê chuẩn, chúng tôi sẵn sàng trở thành một phần của Công ước này.
Liên minh châu Âu có vẻ như đã quyết định về các khu vực sẽ tái chế tàu biển đạt chuẩn và sẽ chỉ gửi tàu tới các khu vực đó tái chế. Trong trường hợp quyết định này được đưa ra, liệu Ngành có đủ khả năng tiếp nhận khối lượng công việc tăng thêm?
Tăng năng lực như thế nào? Điều này là một thách thức mà chúng tôi phải đối mặt. Chúng tôi có 1.400m chiều dài bờ biển, toàn bộ diện tích khoảng 600 mẫu Anh. Chúng tôi đã sử dụng 80% tổng diện tích. Chúng tôi cần nâng cao năng lực của mình bằng cách tận dụng tối đa 100% diện tích hiện có.
Ngành tái chế đã đóng góp cho nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ?
Bộ trưởng của chúng tôi đã tuyên bố rằng, doanh thu của Ngành đã đóng góp cho nền kinh tế cho tới nay ước đạt khoảng 10 tỷ USD. Năm vừa rồi chúng tôi đóng góp 700 triệu USD.
Chúng tôi muốn ông cho biết về những điểm tựa cho tương lai ?
Chúng tôi mong muốn chứng minh rằng Ngành này là một lĩnh vực xanh. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã thuyết phục được EU về vấn đề này. Năm ngoái, một đoàn công tác của EU tới đây để giám sát và họ thực sự rất ấn tượng với công việc mà chúng tôi đang làm.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt ra các mục tiêu tới năm 2023. Vậy ông hướng tới những điều gì trong kế hoạch của Chính phủ?
Mục tiêu chính của chúng tôi trong lĩnh vực này tới năm 2023 là có một hệ thống bể chứa cho tất cả các công tác phá dỡ tàu. Chúng tôi mong muốn có ít nhất 4-5 công ty tham gia vào hệ thống này.
Cảm ơn ông!
Đỗ Hưng
Vụ HTQT (Bộ GTVT)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận