Ngày 10/4, Hãng Hürriyet Daily News dẫn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết, nước này nghi ngờ các thuỷ lôi trôi nổi trên Biển Đen đã được thả có chủ ý.
Ông Akar nghi ngờ đây có thể là kế hoạch nhằm gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ, lấy đó làm căn cứ để Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) điều tàu quét mìn tới Biển Đen.
Tuy nhiên, ông Akar khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động theo Công ước Montreux về việc nước này có quyền điều tiết giao thông hàng hải qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến sự.
“Chúng tôi sẽ không để tàu chiến vào Biển Đen. Chúng tôi sẽ không cho phép Biển Đen bị cuốn vào chiến sự”, ông Akar nói.
Tàu khai thác dầu của Thổ Nhĩ Kỳ di chuyển hướng về Biển Đen. Ảnh - Getty
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này đang điều tra và chưa biết chính xác ai thả thủy lôi tại Biển Đen.
Theo ông, có khoảng 400 quả thủy lôi đã được thả trong vùng biển này. Thổ Nhĩ Kỳ đã trao đổi với giới chức Bulgaria, Romania và hai nước cũng đang giám sát tình hình.
Theo điều tra ban đầu, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy, đây là thủy lôi do Liên Xô sản xuất. Những quả thuỷ lôi mà họ đã phá huỷ không có cơ chế tự khóa sau khi tuột khỏi dây neo như thông thường. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ loại vũ khí này có thể được thả có mục đích.
Biển Đen là tuyến đường vận tải hàng hóa quan trọng trên thế giới, có các quốc gia Rumani, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Nga và Gruzia tiếp giáp.
Hiện tại, cả Ukraine và Nga đều cáo buộc đối phương thả thủy lôi tại Biển Đen. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng lực lượng Nga rải thủy lôi trên Biển Đen, đe dọa an ninh quốc tế.
Tuy nhiên, Moscow phủ nhận cáo buộc. Ngược lại, Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) cho rằng từ 24/2 tới 4/3, phía Ukraine đã đặt 420 thủy lôi bên ngoài một số cảng biển của nước này như Odessa, Ochakov, Chernomorsk và Yuzhny.
Song, một số thủy lôi có thể bị đứt dây neo và trôi dạt ra eo biển Bosphorus hoặc Địa Trung Hải, gây ra các mối đe dọa an ninh hàng hải, theo FSB.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận