Sau bình luận trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov cho rằng, Moscow rất lấy làm tiếc khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga cũng như việc Ankara tuyên bố cần phải bảo vệ quyền của người thiểu số Tatars trên bán đảo này.
Đặc biệt, ông Recep Tayyip Erdogan còn đưa ra bình luận trên ngay trước thời điểm Hội nghị thượng đỉnh Nga – Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị diễn ra vào ngày 29/9 tới tại Sochi, Nga, người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh thêm.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu tại một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc cách đây vài năm. Ảnh tư liệu Dailysabah
Từ Crimea, giới chức địa phương cực lực chỉ trích bình luận của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong đó, bà Yekaterina Altabayeva, một nghị sỹ Nga cho rằng: “Quyết định về lại Nga của người dân trên bán đảo Crimea bao gồm cả người thiểu số sinh sống tại đây đã rất rõ ràng và đó là quyết định cuối cùng”.
“Ngày hôm nay, các chính trị gia có thể thoải mái bày tỏ quan điểm, đó là quyền của họ. Nhưng chúng tôi sẽ nghiêm túc tuân thủ Hiến pháp. Mọi nỗ lực xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ Nga đều là thông tin tiêu cực”, bà Altabayeva nói thêm.
Ông Eyvaz Umerov, Chủ tịch tổ chức tự trị văn hóa - quốc gia của người Tatars ở Crimea chỉ trích, việc lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ từ chối công nhận Crimea thuộc nước Nga là sai lầm địa chính trị nghiêm trọng.
Cũng theo ông Umerov, đáng lẽ, nếu Thổ Nhĩ Kỳ công nhận Crimea thuộc Nga thì đó sẽ là động lực cho sự phát triển hợp tác kinh tế đôi bên cùng có lợi giữa Ankara và Moscow.
Nhưng cho đến nay, thật đáng tiếc, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ không muốn lắng nghe người dân Crimea bao gồm cả người thiểu số Tatars – chính là những người mà Ankara muốn bảo vệ, ông Umerov nói.
Mặt khác, về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cảm ơn ông Erdogan vì bình luận ủng hộ Kiev ngay trước Đại hội đồng Liên hợp quốc và nhấn mạnh bản chất trong quan hệ chiến lược giữa hai nước, kêu gọi tăng cường quan hệ song phương trên các lĩnh vực chính trị, thương mại, kinh tế, kỹ thuật – quân sự và nhân đạo.
Crimea đã và đang là “điểm nóng” giữa Ukraine và Nga từ năm 2014 sau khi bán đảo này trưng cầu dân ý với đông đảo phiếu bầu ủng hộ quyết định ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước đồng minh NATO cùng nhiều nước khác vẫn coi Crimea là một phần lãnh thổ của Ukraine.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận