Các chiến binh thân Nga đang chiếm giữ các tòa nhà Chính phủ tại ít nhất 9 thị trấn, thành phố khu vực Donetsk |
Cáo buộc và đổ lỗi
Hôm qua (22/4), Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu công du Ukraine trong bối cảnh Mỹ và Nga liên tiếp cáo buộc, đổ lỗi cho nhau phá vỡ thỏa thuận này. Trong khi đó, tình hình ở miền Đông Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu sau các vụ bạo lực phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn ngày lễ Phục sinh vừa qua. Ông Joe Biden đến Ukraine với cam kết giúp nước này ổn định chính trị, vực dậy kinh tế. Và quan trọng hơn là sửa đổi hiến pháp, tổ chức bầu cử vào ngày 25/5 tới. Ông Biden đã đặt chân tới Kiev với thông tin một vụ nổ súng ở TP Slavyansk ở miền Đông Ukraine làm 5 người thiệt mạng.
Hôm qua, những người biểu tình tuyên bố thành lập Bộ Tham mưu thống nhất của khu vực miền Đông-Nam Ukraine đặt tại Donetsk nhằm điều phối các hoạt động của toàn khu vực. Người biểu tình ở Lugansk đã bầu ra một “tỉnh trưởng nhân dân”, nắm quyền kiểm soát tòa án và lực lượng cảnh sát tại đây. |
Cùng ngày, những người biểu tình ủng hộ Nga ở TP Luhansk tổ chức tuần hành kêu gọi trưng cầu dân ý về việc liên bang hóa Ukraine và tăng cường quan hệ với Nga. Họ đã tập trung trước trụ sở cơ quan an ninh của thành phố vốn bị những người biểu tình đòi ly khai chiếm giữ từ ngày 6/4. Còn chính quyền lâm thời Kiev đã công bố một loạt biện pháp mạnh và thông báo khởi tố vụ án hình sự tại Luhansk liên quan tới việc tổ chức các cuộc mít tính biểu tình mà chưa được chính quyền phê chuẩn.
Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, để hạ nhiệt căng thẳng tại Ukraine, chính quyền lâm thời Kiev hiện nay phải thực hiện nghiêm túc và toàn diện thỏa thuận Geneva vừa đạt được tuần trước giữa 4 bên Nga, Mỹ, EU và Ukraine. Theo thỏa thuận này, tất cả các nhóm vũ trang trái phép ở miền Đông Ukraine phải giải giáp và rời các tòa nhà chiếm đóng, đồng thời thiết lập phái đoàn giám sát của châu Âu. Thế nhưng, Chính phủ tạm quyền ở Kiev đã phá vỡ thỏa thuận này khi không kiểm soát được những phần tử cực hữu, đồng thời cho rằng Mỹ cũng phải nhận trách nhiệm về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, hãng tin Itar Tass dẫn lời ông Lavrov.
Tuy nhiên, Bộ ngoại giao Mỹ bác bỏ những cáo buộc trên rằng những tuyên bố của Nga bày tỏ nghi ngờ cam kết của Ukraine đối với thỏa thuận Geneva hồi tuần trước là hoàn toàn trái ngược với sự thật. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng Nga kêu gọi những người biểu tình đòi ly khai ở miền Đông Ukraine rời khỏi các tòa nhà chiếm giữ, chấp nhận lệnh ân xá và bày tỏ sự bất bình của họ bằng con đường chính trị.
Mỹ dọa trừng phạt ông Putin
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết, Mỹ có thể áp đặt trừng phạt đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và các cá nhân, công ty cũng như các lĩnh vực kinh tế khác của Nga, theo Reuters hôm qua.
Hãng tin Reuters dẫn lời bà Jen Psaki cho biết, nước này có thể áp đặt trừng phạt nhằm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, song nói rằng bước đi này sẽ chưa được thực hiện ngay lập tức. Bà Psaki khẳng định với phóng viên Reuters: “Đúng vậy... Mỹ có thể trừng phạt cá nhân, công ty nhằm giảm leo thang đang căng thẳng. Một loạt quan chức đang được xem xét. Còn nhiều lệnh trừng phạt trước khi chúng tôi thảo luận về Tổng thống Putin”.
Tuy nhiên động thái này sẽ chưa được tiến hành ngay lập tức, ít nhất là trong bối cảnh Phó Tổng thống Biden đang ở thăm Ukraine.
Trước đó, tờ The Times dẫn các nguồn giấu tên rằng Mỹ đang tìm cách áp đặt các lệnh trừng phạt lên ông Putin, người được cho là đang nắm giữ khoảng 40 tỷ USD tại các ngân hàng ở Thụy Sĩ. Và Washington có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía Thụy Sĩ để tiến hành hành động này. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ: “Đó rõ ràng là một trò lừa đảo, một cáo buộc vô lý”.
Thanh Huyền
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận