Cuộc khủng hoảng tại Syria đã khiến hơn 250.000 người thiệt mạng |
Ngày 23/2 (theo giờ Việt Nam), Mỹ và Nga đi tới thống nhất thỏa thuận “chấm dứt thù địch” (có thể hiểu là lệnh ngừng bắn một phần) tại Syria nhưng không áp dụng đối với hai tổ chức khủng bố man rợ nhất - Nhà nước Hồi giáo (IS) và Mặt trận Nusra (Nusra Front) khiến dư luận thế giới đặt câu hỏi liệu thỏa thuận này “thọ” được bao lâu?
“Giảm bớt đau thương” cho người Syria
Theo các điều khoản trong thỏa thuận, Chính phủ Syria và phe đối lập vũ trang phải tuân thủ lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ nửa đêm 27/2. Từ 23/2 tới trưa 26/2, Chính phủ Syria cùng phe đối lập phải chỉ ra liệu họ có tuân thủ lệnh “tạm ngừng thù địch hay không”.
Các bên thỏa thuận sử dụng từ ngữ một cách cẩn thận với cụm từ “tạm ngừng thù địch” vì thỏa thuận này không phải lệnh ngừng bắn chính thức. Hai tổ chức khủng bố cực đoan IS và Nusra Front không nằm trong thỏa thuận. Syria, Nga và liên minh do Mỹ dẫn đầu tại Syria vẫn được phép không kích các nhóm khủng bố này. Mỹ có trách nhiệm theo dõi việc thực thi thỏa thuận của nhóm đối lập. Nga chịu trách nhiệm theo dõi chính phủ Syria. Washington và Moscow cũng thống nhất thành lập một đường dây nóng kiểm soát mức độ tuân thủ thỏa thuận của cả hai bên.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm thống nhất những điều kiện cuối cùng trong thỏa thuận. Trong đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: “Tôi dám chắc, những hành động chung mà phía Mỹ thống nhất có thể thay đổi khủng hoảng tại Syria...”.
Theo ông Putin, đây là cơ hội thực sự cuối cùng để chấm dứt tình hình bạo lực đẫm máu lâu nay tại Syria. Còn ông Obama cho biết, đây là thỏa thuận nhằm “giảm bớt sự đau thương của người dân Syria”, xoa dịu tình hình chính trị và dồn mọi sự tập trung vào cuộc chiến liên minh chống Nhà nước Hồi giáo.
Hoài nghi đổ vỡ
Tuy nhiên, không ít nhà phân tích hoài nghi về tính khả thi của thỏa thuận này và nguy cơ các bên sẽ đổ lỗi cho nhau hoặc đổ hết cho khủng bố khi thỏa thuận “tạm ngưng thù địch” không thành. Tờ New York Times trích lời Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest cảnh báo: “Rất khó để thực thi thỏa thuận này. Thực tế tình hình tại Syria tồn tại nhiều thách thức”.
Ông Frederic C.Hof, nghiên cứu sinh cao cấp tại Hội đồng Ấn Độ Dương nghiên cứu về chính sách Syria cho biết: “Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào cam kết thực hiện thỏa thuận của Nga, Iran và chế độ Tổng thống Assad. Trong khi, cả ba bên này đều không có cam kết bền vững trong 5 năm diễn ra xung đột vừa qua”. Ông Hof cho rằng: “Nga có đủ quyền năng chấm dứt bạo lực tại Syria trong 5 ngày”.
Trong khi đó, Quân đội Syria tự do (FSA) đối lập với Chính phủ đã chỉ ra lỗ hổng của kế hoạch này. Bashar al-Zoubi, Chỉ huy cấp cao của FSA cho rằng: Tại những vùng do các phe phái đối lập kiểm soát rất phức tạp với sự có mặt của khủng bố. Vì vậy, một khi thỏa thuận bị phá vỡ, các bên sẽ đổ lỗi cho nhau.
Cũng không loại trừ khả năng quân Chính phủ tấn công vào các khu vực này với lý do tiễu trừ IS hay Al Nusra. Nếu điều này xảy ra, thỏa thuận ngừng bắn sẽ sụp đổ. Hiện IS và Al Nusra có mặt ở ở Idlib, Aleppo, Damascus…
Còn Riad Hijab, Điều phối viên chính thức của phái đoàn phe đối lập được phương Tây hậu thuẫn tỏ ra thận trọng: Hiện, thỏa thuận vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Chưa có kế hoạch chi tiết cho hoạt động giám sát mà mới chỉ có đường dây nóng chia sẻ thông tin vi phạm.
Theo các nhà phân tích, nếu thỏa thuận nói trên đổ vỡ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch bầu cử Quốc hội vào tháng 4 tới vừa được Tổng thống Syria Bashar Al-Assad kêu gọi trong một sắc lệnh được ban hành ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn nói trên được thông báo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận