Khám sức khỏe định kỳ và làm các xét nghiệm để phát hiện sớm ung thư, người bệnh sẽ có nhiều cơ hội thoát án tử. Ảnh: Tạ Tôn |
Theo BS. Phạm Hương (Bệnh viện K Trung ương), tùy lứa tuổi mà bác sĩ ưu tiên tầm soát ung thư thường gặp. Quan trọng nhất là mỗi người cần khám sức khỏe định kỳ, đó là cách phát hiện những bất thường của cơ thể một cách sớm nhất.
Bất ngờ phát hiện ung thư vú khi chăm con tại viện
Cô Phan Thị H. (52 tuổi, trú tại Văn Lâm, Hưng Yên) là một trong số ít bệnh nhân được phát hiện ung thư vú qua chương trình khám tư vấn sàng lọc miễn phí bệnh ung thư vú cho cho phụ nữ trên 40 tuổi do Quỹ Ngày mai tươi sáng phát động tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện (BV) Bạch Mai. Cô H. cho hay: “Chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc khám sức khỏe định kỳ hay sàng lọc ung thư cả vì bận công việc. Lúc chăm con tại BV Bạch Mai, thấy có khám miễn phí nên tôi đăng ký tham gia, may sao lại được các bác sĩ phát hiện ra mầm mống bệnh ung thư vú”.
Tại buổi khám tư vấn, bệnh nhân H. được siêu âm, chụp vú, qua đó phát hiện một khối u kích thước 1,2 cm ở 1/4 dưới trong vú trái sát thành ngực và nghi ngờ có độ ác tính cao nên được làm thêm các xét nghiệm khác. Nhờ phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, bệnh nhân được chỉ định tiếp tục phẫu thuật cắt tuyến vú trái và vét hạch nách triệt căn, điều trị hóa chất, tia xạ và điều trị nội tiết bổ trợ...
Trong chương trình này, cô Phạm Thị T. (67 tuổi) cũng bất ngờ khi phát hiện mình mắc ung thư vú. Vốn đã từng áp xe vú cách đây 40 năm, tuy nhiên, cô T. lại chủ quan không tái khám. Qua sàng lọc, bệnh nhân T., đã được các bác sỹ khám và phát hiện thấy khối u vú trái ở vị trí 1/4 trên ngoài, kích thước khoảng 0,5 cm. Chụp X quang tuyến vú và siêu âm tuyến vú bệnh nhân cho thấy có đám vi vôi hóa có tính chất ác tính. Bệnh nhân được nhập viện vào Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu để chẩn đoán xác định và điều trị tiếp.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, GS.TS. Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, BV Bạch Mai cho biết, trong đợt khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư vú vừa qua, trung tâm phối hợp với Quỹ ngày mai tươi sáng, Bộ Y tế đã khám sàng lọc tư vấn, siêu âm, chụp X quang vú miễn phí cho hơn 1.000 phụ nữ và đã phát hiện được 5 trường hợp ung thư vú giai đoạn sớm. Hiện tại, bệnh nhân đang được điều trị bệnh và có hiệu quả rất tốt, các bệnh nhân này hoàn toàn có thể chữa khỏi được bệnh.
“Nếu bệnh ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn I, tỷ lệ chữa khỏi bệnh đạt hơn 80%, ở giai đoạn II tỉ lệ này sẽ là 60%, sang giai đoạn III khả năng khỏi hẳn chỉ đạt 40% và đến giai đoạn IV thì thường việc điều trị chỉ nhằm kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng cho người bệnh”, ông Khoa cho biết.
Nhiều lựa chọn sàng lọc ung thư sớm
Theo GS. Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, chính tỷ lệ phát hiện ung thư giai đoạn muộn (giai đoạn III, IV) chiếm tới 70% các ca ung thư đến khám và điều trị, do vậy tỷ lệ tử vong vì ung thư hiện rất cao. Theo khuyến cáo của ông Đức, nên đi khám sàng lọc sớm hàng năm để có thể phát hiện sớm và điều trị. Nam nữ độ tuổi từ 40 trở lên nên tầm soát ung thư toàn diện để bảo vệ sức khỏe.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, trong 15 năm qua hầu hết các loại ung thư tại Việt Nam đều gia tăng. Nếu như năm 2000, Việt Nam chỉ có khoảng 69.000 ca mắc ung thư thì tới năm 2010, con số này đã tăng gần gấp đôi lên 126.000 ca. Ước tính vào năm 2020, số mắc ung thư sẽ gần 200.000 ca. |
Đặc biệt, cần thiết với những người: Gia đình có người mắc bệnh ung thư (nhất là khi chẩn đoán ở độ tuổi dưới 40), bản thân có một số yếu tố bệnh làm tăng nguy cơ ung thư như có polyp đại tràng, hội chứng đa polyp tuyến (tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng), viêm loét dạ dày (tăng nguy cơ ung thư dạ dày), bị xơ gan (tăng nguy cơ ung thư gan), hút thuốc lá trong nhiều năm (tăng nguy cơ ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư thực quản), sinh nhiều con, sinh sớm hoặc có nhiều bạn tình (tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung)…
Qua khảo sát của Báo Giao thông, hiện tại nhiều bệnh viện đã và đang có nhiều gói tầm soát ung thư nhằm mục đích phát hiện sớm các bệnh ung thư thường gặp nhất. Cụ thể, ở nam giới, các bệnh ung thư thường gặp, cần được tầm soát sớm như: Ung thư phổi, đại trực tràng, đường tiêu hóa, ung thư tuyến tiền liệt. Ở nữ giới là: Ung thư phụ khoa, vú, cổ tử cung, buồng trứng, ung thư đường tiêu hóa, ung thư phổi, đại trực tràng.
Ngoài những gói tầm soát ung thư toàn diện với giá dao động từ 2,1 - 4,9 triệu đồng/người (tùy cơ sở y tế), còn có các gói tầm soát với từng bộ phận riêng lẻ với giá khoảng từ 400 nghìn - 1,7 triệu đồng/người.Trao đổi với Báo Giao thông, ông Mai Trọng Khoa cho biết, trên thế giới hiện nay đã có các xét nghiệm bản đồ gen, nhằm dự báo nguy cơ mắc ung thư cho các thành viên trong gia đình có người mắc bệnh ung thư để từ đó cảnh báo, giúp họ sàng lọc phát hiện sớm bệnh và điều trị có hiệu quả. Tuy nhiên, quy trình này chưa được áp dụng tại Việt Nam vì chi phí rất cao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận