Tờ Thời báo Hoàn Cầu tuyên bố rằng quân đội Trung Quốc đã sẵn sàng cho đối đầu quân sự với Mỹ tại Biển Đông, sau khi yêu sách hàng hải của Bắc Kinh ở khu vực bị Mỹ bác bỏ hoàn toàn.
Trang báo phiên bản điện tử của tờ Nhân Dân Nhật Báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc nói rằng Mỹ sẽ tạo ra thêm rắc rối, kích động nhiều cuộc đối đầu trong khu vực, thực hiện thêm các động thái nguy hiểm và hung hăng hơn để kích động xung đột quân sự với Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, theo Thời báo Hoàn Cầu, quân đội Trung Quốc đã sẵn sàng cho các cuộc xung đột ở Biển Đông và eo biển Đài Loan.
Bài viết của Thời báo Hoàn Cầu đề cập đến tuyên bố lập trường phát đi hôm 13/7 (theo giờ Hoa Kỳ) của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong đó bác bỏ tất cả các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngay sau khi tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được phát đi, Hải quân Mỹ công bố hình ảnh cho thấy tàu khu trục USS Ralph Johnson áp sát hai thực thể được Trung Quốc cải tạo và chiếm đóng trái phép tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông).
"Biển Đông nằm trong tầm bắn hiệu quả của các vũ khí chiến lược mà PLA sở hữu. Các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Trung Quốc có thể bao trùm toàn bộ khu vực Biển Đông", Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Hạ Môn Trung Quốc - ông Trang Quốc Thổ nói.
Trước đó, Thời báo Hoàn Cầu cũng phát thông điệp đe dọa nhằm vào quân đội Mỹ, khi hai tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan cùng một oanh tạc cơ chiến lược B-52 tổ chức diễn tập chung trên Biển Đông hồi đầu tháng 7.
Theo SCMP, một bài xã luận khác trên Thời báo Hoàn Cầu viết rằng Trung Quốc đủ khả năng để bảo vệ cái gọi là "lợi ích chủ quyền ở Biển Đông", đồng thời cho rằng Mỹ muốn biến đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á thành "bia đỡ đạn" nếu xảy ra xung đột.
"Vì lợi ích quốc gia cao nhất, các nước ASEAN cần duy trì ngoại giao cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ luôn muốn ve vãn hoặc thậm chí ép họ chọn phe mình, biến họ thành bia đỡ đạn trong chiến lược nhằm kiềm chế Trung Quốc", Thời báo Hoàn Cầu viết.
Thời báo Hoàn Cầu cho rằng tuyên bố lập trường về Biển Đông mới nhất của Washington cho thấy Mỹ không còn "giả vờ trung lập" trong tranh chấp tại Biển Đông.
"Điều này báo hiệu Mỹ quyết định giữ một vị trí rõ ràng và muốn đối đầu với Trung Quốc về vấn đề này", Thời báo Hoàn Cầu viết.
Trong một động thái có liên quan, ngày 15/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 15-7 tuyên bố Bắc Kinh sẽ không sợ bất kỳ biện pháp trừng phạt nào của Mỹ vì vấn đề Biển Đông, và kêu gọi Washington "đừng tiếp tục đi sai đường".
Tuyên bố được đưa ra trong cuộc họp báo chiều 15-7, một ngày sau khi Mỹ bác bỏ các yêu sách hàng hải vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á David R. Stilwell trong cùng ngày 14/7 cho biết có khả năng Mỹ sẽ trừng phạt Trung Quốc vì vấn đề Biển Đông.
"Mọi phương án đều được tính đến. Trừng phạt sẽ là một hành động hữu hình, một ngôn ngữ mà Trung Quốc có thể hiểu được", ông David R. Stilwell khẳng định và chỉ ra các hoạt động cải tạo trái phép đảo nhân tạo của Trung Quốc đã tàn phá môi trường Biển Đông ra sao.
Trong tuyên bố của mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp cáo buộc Mỹ đang gây rối và tạo ra bất ổn trong khu vực trước khi kêu gọi Washington "đừng tiếp tục đi sai đường".
Trước đó, ngày 14/7, một người phát ngôn khác của Trung Quốc là Triệu Lập Kiên cũng chỉ trích tuyên bố lập trường mới của Mỹ về Biển Đông là "một hành động vô trách nhiệm". Ông này cáo buộc Mỹ cố tình tạo ra tranh cãi về các yêu sách hàng hải và phá hủy hòa bình, ổn định khu vực.
Cả bà Hoa Xuân Oánh và ông Triệu Lập Kiên đều cố gắng bảo vệ yêu sách "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc tự vạch ra trên Biển Đông. Đại diện của Bắc Kinh lý luận rằng "bản đồ này đã có từ năm 1948 và Trung Quốc là người tiếp quản chứ không phải vừa mới công bố năm 2009 như Mỹ nói".
Tuy nhiên, Trung Quốc không có bằng chứng cho thấy yêu sách chiếm gần 90% diện tích Biển Đông này phù hợp với luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) mà chính Trung Quốc cũng là là một bên phê chuẩn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận