Cơ quan điều tra có quyền tạm giữ phương tiện để xác minh
Liên quan đến vụ xe máy bị ô tô chèn ngã khi đang lưu trên đường Nguyễn Xiển (TP Hà Nội), tài xế công nghệ Hoàng Mạnh Hiếu (người bị ô tô chèn ngã) đã có đơn gửi Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) về việc xe máy bị tạm giữ hơn ba tuần sau va chạm giao thông.
Nam tài xế cho hay, cuộc sống của anh trông vào tiền chạy xe ôm công nghệ hằng ngày, nhưng ba tuần nay bị tạm giữ xe, anh không có phương tiện để lao động nên gặp nhiều khó khăn. Anh mong công an sớm giải quyết vụ việc, trả lại phương tiện để anh còn đi làm.
Sau thông tin này, không ít người thắc mắc, theo quy định pháp luật, phương tiện của nạn trong vụ tai nạn giao thông bị tạm giữ trong bao lâu?
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, theo quy định của pháp luật, quá trình xác minh tin báo, cơ quan điều tra có quyền tạm giữ phương tiện, đồ vật, tài liệu để kiểm tra, xác minh.
"Thời hạn tạm giữ phương tiện, tài liệu, đồ vật phục vụ cho công tác điều tra, xác minh tin báo tố giác tội phạm phụ thuộc vào thời hạn điều tra xác minh theo quy định của pháp luật", luật sư Bình cho hay.
Trong giai đoạn xác minh tin báo, thời hạn xác minh được quy định là 20 ngày. Nếu vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài hơn nhưng không quá hai tháng.
Ở giai đoạn này, các tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ việc sẽ bị tạm giữ để phục vụ quá trình điều tra xác minh. Tuy nhiên, khi thực hiện xong thủ tục xem xét dấu vết, giám định, định giá đối với phương tiện giao thông mà xét thấy không cần thiết phải giữ lại thì cơ quan điều tra cũng có thể trả lại cho chủ sở hữu.
Còn, trong trường hợp vụ việc khởi tố thành vụ án hình sự thì chiếc xe này được xác định là vật chứng của vụ án, việc giải quyết chiếc xe này sẽ căn cứ vào quy định tại điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự về giải quyết vật chứng trong vụ án hình sự.
"Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành không quy định thời gian tối đa tạm giữ tang vật là bao lâu. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân sẽ tiến hành giải quyết vụ án theo luật định và vật chứng có thể được trả cho người bị hại trong quá trình điều tra, truy tố hoặc xét xử", ông Bình nói.
Còn nếu vụ việc tai nạn giao thông không có dấu hiệu tội phạm mà người vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính và bồi thường theo trách nhiệm dân sự thì theo luật sư Diệp Năng Bình, thời hạn tạm giữ phương tiện giao thông gây tai nạn được áp dụng theo quy định của pháp luật hành chính.
Dựa theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì thời hạn tạm giữ phương tiện giao thông gây tai nạn là 7 ngày, được tính kể từ ngày tạm giữ phương tiện. Nếu trong vòng 7 ngày mà vụ việc chưa được giải quyết, còn nhiều vấn đề vướng mắc cần xác minh, vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn tạm giữ được gia hạn thêm nhưng không kéo dài quá 30 ngày, tính từ ngày tạm giữ phương tiện.
Nếu vụ việc tai nạn thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp cần xác minh và thuộc trường hợp phải giải trình thì thời hạn tạm giữ phương tiện giao thông có thể kéo dài thêm 30 ngày nữa, tổng thời hạn không quá 60 ngày. Việc xin gia hạn này phải được lập bằng văn bản và có chữ ký của thủ trưởng trực tiếp của người có thẩm quyền đang tiến hành giải quyết vụ việc.
Nạn nhân có quyền làm đơn xin lại phương tiện
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, đối với nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông, người bị hại trong các vụ việc tố cáo, tố giác cần lấy lại phương tiện để phục vụ cho cuộc sống, công việc thì có thể làm đơn đề nghị gửi cơ quan điều tra, viện kiểm sát để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
"Nếu phương tiện giao thông đã được chụp ảnh, kiểm tra dấu vết, tiến hành giám định, định giá và các thủ tục khác theo quy định của pháp luật mà không cần thiết phải tiếp tục giữ phương tiện thì có thể trả lại cho người bị hại", ông Bình phân tích.
Tuy nhiên, trường hợp vì lý do khách quan, cần phải giữ lại phương tiện để xem xét khởi tố vụ án hình sự, xác định là vật chứng trong vụ án hình sự cần phải thu giữ bảo quản để phục vụ cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà không thể trả ngay phương tiện cho nạn nhân thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng cần thông báo sớm cho nạn nhân để nạn nhân có giải pháp khác để tiếp tục cuộc sống.
Trong giai đoạn này, tất cả thiệt hại về tài sản, về thu nhập và các thiệt hại khác phát sinh thì người phạm tội trong vụ án hình sự phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận