Thế giới giao thông

Thời hoàng kim của Boeing ở Trung Quốc đã qua?

14/05/2023, 08:00

Hoạt động xuất khẩu của Boeing tại Trung Quốc đang từ doanh số 18,22 tỷ USD vào năm 2018 nay chỉ còn khoảng 5,53 tỷ USD.

Nguyên nhân nào dẫn đến cú lao dốc sâu như vậy?

Từ căng thẳng địa chính trị đến lợi ích quốc gia

img

Máy bay 737 MAX của Boeing mà hãng hàng không China Southern Airlines đang sử dụng. Ảnh: AFP

Theo dữ liệu từ United Nations COMTRADE Database, số lượng máy bay, động cơ và bộ phận máy bay Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2022 trị giá 5,53 tỷ USD, tăng nhẹ so với mức 4,71 tỷ USD vào năm 2021, nhưng chưa bằng 1/3 so với con số kỷ lục 18,22 tỷ USD vào năm 2018.

Nguyên nhân dễ nhận thấy nhất là Bắc Kinh và Washington đã cạnh tranh thương mại gay gắt từ năm 2018 đến nay.

Ngoài ra, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) có trụ sở tại Mỹ cho rằng nguyên nhân dẫn tới tình trạng xuất khẩu trong lĩnh vực hàng không của Mỹ sang Trung Quốc suy giảm còn do vấn đề địa chính trị.

Trung Quốc có thể đã do dự trong việc mua sản phẩm của Boeing khi chứng kiến phương Tây áp lệnh trừng phạt trong lĩnh vực xuất khẩu bộ phận máy bay, dịch vụ bảo dưỡng, bảo hành cho phi đội máy bay thương mại của Nga, sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự tại Ukraine và tháng 2/2022.

Ông Stephen Olson, nhà nghiên cứu cấp cao của Quỹ Hinrich cho rằng, tình trạng suy giảm trong hoạt động thương mại hàng không giữa Mỹ - Trung Quốc có thể còn liên quan tới vấn đề lợi ích.

“Thời gian qua, Trung Quốc đã ưu tiên phát triển máy bay nội địa. Khi máy bay C919 do Trung Quốc tự phát triển thể hiện khả năng cạnh tranh với một số dòng máy bay Boeing như 737 thì nhu cầu với máy bay Boeing sẽ giảm xuống”, theo ông Oslon.

Trung Quốc đã đầu tư phát triển máy bay chở khách nội địa đầu tiên của quốc gia này - C919 trong 14 năm qua với mục tiêu lớn nhất là cạnh tranh với các dòng máy bay Boeing 737 và Airbus A320. Năm ngoái, máy bay C919 đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện bay và dự kiến bắt đầu đi vào vận hành thương mại trong năm nay.

Ngoài ra, Trung Quốc là một trong những nước cuối cùng cho phép dòng Boeing 737 MAX khôi phục hoạt động tại quốc gia này vào tháng 1/2023 sau 4 năm cấm bay vì 2 vụ tai nạn thảm khốc tại Indonesia và Ethiopia.

Trước tình trạng trì trệ này, khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có kế hoạch sang thăm Bắc Kinh, Giám đốc điều hành Boeing Dave Calhoun kỳ vọng chuyến thăm Bắc Kinh sẽ giúp hãng tăng số lượng đơn đặt hàng máy bay tại Trung Quốc.

Cuối cùng, mọi hy vọng đã tan tành khi ông Blinken phải hoãn chuyến thăm Bắc Kinh sau vụ khí cầu Trung Quốc đi vào Mỹ, di chuyển khắp không phận Bắc Mỹ trong vài ngày và bị quân đội Mỹ bắn hạ.

Mỹ có thể còn siết chặt hơn nữa

img

Máy bay C919 Trung Quốc tự sản xuất

Dư luận quốc tế đã hoài nghi Mỹ có thể sẽ siết chặt hoạt động xuất khẩu máy bay của Boeing sang Trung Quốc hơn nữa khi vào cuối năm ngoái, đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai bình luận: “Dù tập đoàn Boeing đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế Mỹ nhưng khi quyết định chính sách thương mại của Mỹ, chính phủ không chỉ cân nhắc tới lợi ích của Boeing mà còn phải tính tới nhiều yếu tố khác”.

Nhà nghiên cứu cấp cao của Quỹ Hinrich - Stephen Olson cho rằng, phát biểu của bà Tai là tín hiệu cho thấy thời kỳ các công ty Mỹ được tự quyết định xuất khẩu, chuyển giao, hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm sắp kết thúc.

“Chính quyền Mỹ nhận thấy mình đang ở vào thời kỳ khác so với trước đây và những vấn đề liên quan tới khả năng Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ sẽ được cân nhắc nhiều hơn trong chính sách thương mại của Washington”, ông Olson nhận định và cho rằng, có khả năng thời kỳ hoàng kim của Boeing tại Trung Quốc đã qua.

Một số doanh nhân trong lĩnh vực hàng không Mỹ từng cảnh báo việc mất quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc đồng nghĩa doanh số trong lĩnh vực hàng không của Mỹ suy giảm. Các doanh nghiệp trong ngành bị giảm doanh thu, kéo theo lao động mất việc làm, giảm đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.

Ông Henry Gao, Phó giáo sư tại Đại học Quản lý Singapore cho rằng, Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn khi tìm cách thắt chặt kiểm soát xuất khẩu sang Bắc Kinh.

Theo ông, Mỹ có thể tham khảo cách tiếp cận của Liên minh châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng, thay vì tìm cách tách rời khỏi nền kinh tế Trung Quốc, EU nên tìm cách giảm thiểu rủi ro trong hợp tác kinh tế, thương mại với Bắc Kinh.

Theo quan điểm của bà von der Leyen, EU cần tìm cách tái cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc vào một số mặt hàng chủ chốt của Bắc Kinh.

Theo ông Wan Xiangdong, một quan chức thuộc Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, hợp tác trong lĩnh vực hàng không dân dụng giữa Trung Quốc - Mỹ là một trong những yếu tố quan trọng trong quan hệ giữa 2 nước.

Hai quốc gia có mối quan hệ hợp tác sâu rộng trong sản xuất máy bay, thiết bị hàng không, huấn luyện phi công, quản lý hoạt động vận tải hàng không và giảm phát thải.

“Đứng trước tình hình đang thay đổi, đẩy mạnh hợp tác là giải pháp duy nhất. Ngành công nghiệp hàng không dân dụng của Mỹ và Trung Quốc nên đẩy mạnh hợp tác, trao đổi dựa trên nền tảng tông trọng và bình đẳng”, ông Wan Xiangdong nêu quan điểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.