Ngoại trưởng Iran Javad Zarif và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ký Thỏa thuận Đối tác Chiến lược Toàn diện kéo dài trong 25 năm, trị giá 400 tỷ USD
Những cái bắt tay, nhiều thỏa thuận quan trọng được ký kết từ Abu Dhabi (UAE) đến Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), Tehran (Iran) và Riyadh (Saudi Arabia)... là minh chứng rõ nhất. Đằng sau những thỏa thuận đó là những thông điệp, tín hiệu gửi đến Mỹ.
Đôi bên cùng có lợi
Ủy viên Quốc vụ viện, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vừa thực hiện chuyến thăm dài ngày (từ cuối tháng 3) tại Trung Đông ngay sau khi kết thúc cuộc gặp đàm phán căng thẳng với Mỹ tại Alaska vào tháng trước. Đáng chú ý, trong số 6 điểm đến của ông Vương Nghị, nhiều quốc gia đang có bất đồng, thậm chí đối đầu với Washington.
Một số chuyên gia cho rằng, mục đích của Trung Quốc và các nước Trung Đông không chỉ đơn thuần là kinh tế mà là cả vấn đề địa chính trị. “Đây là thế đôi bên cùng có lợi”, ông Aykan Erdemir, Giám đốc cấp cao về Chương trình Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Qũy bảo vệ các nền dân chủ, có trụ sở tại Washington, Mỹ nhận định.
Đáng chú ý, khi ông Vương Nghị đến Saudi Arabia, Ngoại trưởng Trung Quốc đã cùng Thái tử Saudi là Mohammed bin Salman đi tới cam kết “cùng phản đối việc nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác”. Đây rõ ràng là muốn ám chỉ tới động thái chỉ trích, lên án của Mỹ và các nước phương Tây về cách Trung Quốc đối xử với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Mặc dù Saudi Arabia luôn thể hiện mình là quốc gia lãnh đạo, bảo vệ thế giới Đạo Hồi nhưng họ vẫn luôn là chủ đề chỉ trích của phương Tây về lạm dụng nhân quyền. Đây chính là “cái lý chung” của cả Riyadh và Bắc Kinh, theo ông Erdemir.
Sự thay đổi thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ
Khi ông Vương Nghị đặt chân tới Thổ Nhĩ Kỳ, một bộ phận lớn người dân Thủ đô Ankara đã “đón chào” ông bằng những cuộc biểu tình lớn bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc liên quan tới những cáo buộc Trung Quốc cưỡng ép người Duy Ngô Nhĩ.
Quay trở lại mốc thời gian năm 2009, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thậm chí còn dùng từ “diệt chủng” để chỉ trích cách Bắc Kinh đối xử với người Duy Ngô Nhĩ, vốn có liên quan về văn hóa và dân tộc sâu sắc với người Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ đó đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành “miền đất hứa” của khoảng 50.000 người tị nạn Duy Ngô Nhĩ.
Nhưng, có lẽ tất cả đã được được giải quyết qua chuyến thăm vừa rồi. Theo chuyên gia Erdemir, “quan điểm của ông Erdogan về người Duy Ngô Nhĩ đã thay đổi lên/xuống gần như hoàn toàn và chủ yếu được định hình dựa trên những yếu tố thực dụng hơn là trên nguyên tắc và giá trị”.
Hiện tại, giữa tình hình đại dịch Covid-19 hoành hành ác liệt tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara gần như phụ thuộc vào những lô vaccine Sinovac của Trung Quốc. Chưa kể, Ankara còn đối mặt với một số vấn đề kinh tế lớn, đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh tiếng của ông Erdogan.
Do đó, những khoản đầu tư của Trung Quốc với Thổ Nhĩ Kỳ lúc này như “mưa sau nắng hạn”. Tất cả tạo thành đòn bẩy cho ông Vương khi đàm phán với Ankara.
Dù giới chức Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, họ đã đưa vấn đề Duy Ngô Nhĩ lên chương trình nghị sự trong các cuộc đàm phán riêng với ông Vương Nghị nhưng thực tế là lần này, Ankara không hề dùng đến từ “diệt chủng” nữa.
Động lực hợp tác với Iran
Một điểm nhấn khác trong chuyến đi Trung Đông là Iran. Tại đây, ông Vương Nghị đã ký Thỏa thuận Đối tác Chiến lược Toàn diện (CSP) trong 25 năm, trị giá 400 tỷ USD với Iran, cam kết hợp tác về giao thông, năng lượng, du lịch, quốc phòng, viễn thông và chăm sóc y tế.
Đây không phải lần đầu mối quan hệ hợp tác chiến lược này được đưa ra. Từ năm 2016, Trung Quốc đã ký CSP với Saudi Arabia, xây dựng “đối tác chiến lược” với UAE nhưng lúc đó, hiệp ước đối tác với Iran lại èo uột.
Nhận định về sự thay đổi này, chuyên gia Jonathan Fulton, Phó Giáo sư về Khoa học Chính trị tại Đại học Zayed tại Abu Dhabi cho rằng: Thời điểm đó, sau khi ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ, Bắc Kinh tính toán rằng, quan hệ với Mỹ sẽ quan trọng hơn với Iran nên họ không có nhiều động lực thúc đẩy thỏa thuận với Tehran, thay vào đó tập trung với Saudi và UAE. Nhưng nay thì khác.
“Còn với Iran, nước này đang đối mặt với nhiều thách thức kinh tế do các lệnh trừng phạt của Mỹ và có xung đột với một số quốc gia trong khu vực nên việc xây dựng quan hệ với cường quốc như Trung Quốc là lối thoát duy nhất”, ông Zakiyeh Yazdanshenas, nghiên cứu sinh tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược Trung Đông tại Tehran, nhận định.
Tờ Asia Times dẫn lời ông Erdemir, Giám đốc cấp cao về Chương trình Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Quỹ bảo vệ các nền dân chủ, có trụ sở tại Washington, Mỹ cho biết: “Trung Quốc có thể đánh tín hiệu với Mỹ rằng, họ cũng có quan hệ giá trị với những quốc gia đối địch với Hoa Kỳ và có khả năng thách thức Washington. Mặt khác, các nước Trung Đông muốn Mỹ thấy, ngoài Washington, họ vẫn có 1 lựa chọn khác”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận