TIN LIÊN QUAN
Kỳ 1: Chứng tích của một thời chiến tranh ác liệt
Trong những ngày hè nóng nực vừa qua, tôi cùng với nhiều bạn trẻ may mắn được một lần rong ruổi trên trục đường Trường Sơn năm xưa, bây giờ là đường Hồ Chí Minh hiện đại, từ Xuân Mai, phía Tây thủ đô Hà Nội, qua các vùng đất phía Tây của các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và đích cuối cùng đến Phong Nha, Quảng Bình…
Thi công nâng cấp Đường 20 Quyết Thắng (năm 2012) |
Trở về những địa danh huyền thoại
Suốt hành trình, đi trên trục đường bê tông nhựa rộng rãi, ít đèo dốc nguy hiểm, trên chiếc xe ô tô đời mới, nhưng lớp trẻ bây giờ, vẫn có thể hình dung dấu tích của trục đường nhỏ quanh co và gập ghềnh đầy nguy hiểm. Và giữa mênh mông của núi thẳm, giữa tiếng gió rừng già đâu đây như vẫn nghe thấy tiếng nói, cười, tiếng cuốc xẻng, râm ran của biết bao thế hệ thanh niên xung phong, bộ đội Trường Sơn đã kiên cường lao động quên mình, cho đất nước hòa bình thống nhất.
Nơi chúng tôi đến là Phong Nha, có vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ngoài động Phong Nha, nơi đây còn có những hang động kỳ vĩ khác, trong đó, nổi tiếng nhất là động Thiên Cung và hang Sơn Đoòng. Ngoài sự kỳ vĩ của thiên nhiên, nơi đây còn ẩn chứa nhiều điều đặc biệt nữa: chứng tích của một thời thế hệ trẻ Việt Nam đã từng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…”.
"Lớp trẻ từ 8X đến 9X trở đi, chưa "nếm" mùi chiến tranh còn lạ lẫm đã đành, ngay cả mấy bạn già như tôi, đã từng kinh qua thời chiến, vẫn khó hình dung bằng cách nào mà chỉ bằng bàn tay, những đôi quang gánh, chiếc xẻng, chiếc cuốc và cái ky tre đan... mà những người cùng thời với tôi lại có thể làm nên một con đường dài hàng ngàn cây số, len lỏi trong bom đạn, giữa rừng già, của đại ngàn Trường Sơn". |
Xe qua đầu cầu Xuân Sơn, rẽ phải vào thị trấn Phong Nha. Con đường này ngày xưa khi chưa xây cầu Xuân Sơn là trục đường 15, chính là tuyến đường Đông Trường Sơn, được khởi phát từ thị trấn Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.
Nơi đây, đầu bến thuyền du lịch bây giờ, vẫn còn dấu vết của bến phà xưa, gọi là phà Xuân Sơn. Một bến phà bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất trong chiến tranh, bởi đây là bến phà huyết mạch, đưa các đoàn xe quân sự vượt đường 20 và đường Trường Sơn nhánh Tây, bây giờ được gọi là đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, tiến vào đường 9, Khe Sanh.
Cũng tại đầu cầu Xuân Sơn này, vào năm 2000, tuyến đường Hồ Chí Minh hay còn được gọi là đường Trường Sơn - công nghiệp hóa, chính thức được khởi công, mở ra một kỳ tích mới trong xây dưng hạ tầng giao thông, phục vụ cho công cuộc đổi mới, đưa đất nước tiến lên hiện đại.
Cũng như nhiều đoàn khách du lịch, chúng tôi hồ hởi lên thuyền, đi trên dòng sông Son xanh biếc vào động Phong Nha. Gần đến cửa hang, con thuyền tắt máy, lặng lẽ tiến vào trong lòng động Phong Nha. Cửa động hình thang, cao chừng 10 m, rộng 20-25 m. Lọt vào trong động, cảm giác oi nồng của mùa hè lập tức biến mất.
Văng vẳng tiếng người hướng dẫn viên nói vọng vào: “Hang động này trước đây, trong những năm chiến tranh, đã từng là kho hàng chứa vũ khí, đạn dược lương thực, thực phẩm chi viện vào chiến trường miền Nam”.
Mỗi mét đường đều thấm máu xương
Ngoài các bến phà, dòng sông và hang động tại Phong Nha, còn là những con đường một thời làm cho kẻ thù khiếp sợ bởi ý chí của con người và cũng từng làm cho cả thế giới phải kinh ngạc và khâm phục bởi lòng quyết tâm, quả cảm. Đó là những tuyến đường Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, đường 20 nối 2 nhánh đường Đông -Tây Trường Sơn.
Để tận mắt chứng kiến bằng được tuyến đường đã đi vào huyền thoại đó, chúng tôi tiếp tục đi dọc theo trục đường Tỉnh lộ 562, mà nhân dân vẫn quen gọi là đường 20, nối nhánh Đông với nhánh Tây đường Hồ Chí Minh.
Theo lời kể thánh thót qua chất giọng Quảng Bình của cô gái hướng dẫn viên du lịch, chúng tôi được biết, trong chiến tranh, với chiều dài 123 km, đường 20 được coi là đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử.
Đã có hàng vạn cán bộ, bộ đội, TNXP, công nhân, dân công hoả tuyến, đều ở lứa tuổi 20, làm nên tuyến đường huyền thoại này với biết bao công sức và xương máu. Hai trung đoàn công binh số 41 và số 10, cùng với Tổng đội thanh niên xung phong số 25 và của các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Nam… đã lao động quên mình, xẻ núi, bạt đèo, đào đắp hàng triệu khối đất đá để mở đường, thông tuyến.
Máy bay của không quân Mỹ đã tập trung đánh phá cực kỳ khốc liệt vào các trọng điểm: Cà Roòng, Cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pulanhíc, ngã tư và cầu Trạ Ang, Km12, Km16,5, dốc Ba Thang... biến nơi đây thành những “tọa độ lửa”, nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương đối với tiền tuyến.
Sau bốn tháng thi công, vào tháng 5/1966, con đường 20, con đường của tuổi trẻ, của ý chí, quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, quyết tâm giành thắng lợi trên mặt trận GTVT đã được hoàn thành, trở thành con đường huyết mạch phá thế độc đạo, nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn.
Không ai tính hết được những tổn thất, hy sinh của bộ đội, thanh niên xung phong, những người mở đường và giữ đường. Chỉ biết rằng, với vị trí địa lý quan trọng của đường 20 trên đường Trường Sơn này, trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, cứ mỗi mét đường đều thấm máu xương của những cô gái, chàng trai ở độ tuổi 20. Tuyến đường đã được Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đặt tên là: Đường 20 - Quyết Thắng.
Chu Đức Soàn
Nguyên PV Đài PT-TH Hà Nội
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận