ĐBQH Trương Trọng Nghĩa chất vấn Thống đốc NHNN về trách nhiệm thanh tra, giám sát một số ngân hàng có nợ xấu nghiêm trọng |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã có văn bản trả lời chất của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng và Ban lãnh đạo NHNN đối với một số ngân hàng có nợ xấu nghiêm trọng, âm vốn chủ sở hữu rất lớn, nhà nước phải mua lại 0 đồng và gánh toàn bộ trách nhiệm đối với người gửi tiền...
Cổ đông thao túng ngân hàng, điều hành và kiểm soát bị vô hiệu
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định NHNN đã chủ động triển khai các biện pháp quản lý, thanh tra, giám sát theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức tín dụng, trong đó có 3 ngân hàng TMCP: Đại Tín (sau được đổi tên thành Xây dựng), Đại Dương và Dầu khí Toàn cầu.
Ông Hưng cho biết, theo kết quả thanh tra năm 2012 đối với cả 3 ngân hàng và năm 2014, 2015 đối với Ngân hàng Đại Dương cho thấy cả 3 ngân hàng trên có thực trạng tài chính, quản trị điều hành, kiểm soát rủi ro yếu kém, chất lượng tín dụng và chất lượng tài sản rất xấu, vốn chủ sở hữu âm, có nhiều vi phạm pháp luật của các ngân hàng này đều xuất phát từ nguyên nhân cốt lõi là vấn đề cổ đông.
“Mặc dù về hồ sơ sổ sách, các cổ đông, nhóm cổ đông nắm giữ cổ phần đều trong giới hạn sở hữu theo quy định, nhưng qua thực tế thanh tra, giám sát cho thấy cả 3 ngân hàng đều chịu sự chi phối, thao túng của một số cổ đông, nhóm cổ đông lớn và trở thành công cụ phục vụ mục đích riêng của cổ đông, nhóm cổ đông” – Thống đốc NHNN cho hay.
Cũng theo Thống đốc Lê Minh Hưng, các cổ đông, nhóm cổ đông chi phối đã cố tình lách quy định về giới hạn sở hữu cổ phần để thao túng ngân hàng dẫn đến việc các ngân hàng cố ý làm trái, cố tình vi phạm quy định của pháp luật và che giấu thông tin dưới nhiều hình thức tinh vi; bộ máy, quy trình quản trị, điều hành và kiểm soát bị vô hiệu, các nguyên tắc quản lý rủi ro bị bỏ qua.
Ông Hưng khẳng định, kết luận thanh tra đã nêu cụ thể những vi phạm, tồn tại của 3 ngân hàng này, đưa ra các biện pháp xử lý và yêu cầu các ngân hàng khắc phục, chỉnh sửa các hành vi vi phạm pháp luật.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng |
Đồng thời, NHNN đã chuyển hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh. Trên cơ sở đó, cơ quan CSĐT đã khởi tố, truy tố những cá nhân vi phạm tại 3 ngân hàng này.
NHNN chưa kịp thời phát hiện các rủi ro trọng yếu
Đề cập đến vấn đề trách nhiệm, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh, trách nhiệm trước hết thuộc về các cá nhân, tập thể có sai phạm và người đứng đầu tổ chức, đơn vị nơi xảy ra sai phạm. Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, NHNN có trách nhiệm trong việc chưa kịp thời phát hiện các rủi ro trọng yếu, vi phạm trong hoạt động của 3 ngân hàng này. Nguyên nhân khiến công tác quản lý, thanh tra, giám sát của NHNN còn tồn tại là do khuôn khổ pháp lý về quản lý, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng mặ dù đã được đổi mới nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu thực tiễn; năng lực, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng chưa cao. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, một số cán bộ NHNN chưa hoàn thành đầy đủ trách nhiệm, để xảy ra vi phạm.
Ông cũng thừa nhận việc chậm khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, thanh tra, giám sát của NHNN có trách nhiệm của Ban lãnh đạo NHNN trong việc chỉ đạo, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của NHNN; Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và các cập thể, cá nhân có liên quan có trách nhiệm trong việc tham mưu và thực hiện nhiệm vụ.
Theo ông Lê Minh Hưng, NHNN đang nỗ lực chỉ đạo triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, đặc biệt là công tác thanh tra, giám sát ngân hàng.
NHNN cũng đã và đang xem xét nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm, trong đó có rà soát, đánh giá trách nhiệm của lãnh đjao các cấp để có biện pháp xử lý và chấn chỉnh, ngăn chặn không để xảy ra vi phạm tương tự.
Cùng với đó, NHNN tăng cường thanh tra, giám sát và xử lý tình trạng sở hữu chéo, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cổ đông, cổ phần, kiện toàn đội ngũ cán bộ đảm bảo năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức. Nếu các tổ chức tín dụng tiếp tục để xảy ra sai phạm đối với các hành vi đã được cảnh báo sẽ được xem là cố ý vi phạm và xử lý nghiêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận