Vận tải

Thông đường xuất nông sản sang Trung Quốc bằng đường sắt

30/03/2020, 06:56

Ngành Đường sắt vừa đưa vào khai thác tàu container lạnh liên vận quốc tế vận chuyển nông sản sang Trung Quốc, giảm thiểu chi phí, thời gian...

img
Tàu container lạnh liên vận quốc tế đang được kiểm tra kỹ thuật, làm thủ tục thông quan tại ga Đồng Đăng để chạy sang ga Bằng Tường, sáng 24/3/2020. Ảnh: Thanh Thúy

Giảm thời gian, chi phí vận chuyển

Trung tuần tháng 2/2020 vừa qua, ngành Đường sắt chính thức khai thác tàu container lạnh liên vận quốc tế vận chuyển thanh long chạy thẳng từ ga Đồng Đăng sang ga Bằng Tường (Trung Quốc).

Chi cục Hải quan ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng cho biết, chỉ trong hai ngày 11 và 19/2, đã thực hiện thí điểm xuất khẩu được 27 container thanh long quả tươi, tương đương 460 tấn từ Việt Nam sang Trung Quốc bằng đường sắt. Sau đó, các chuyến tàu container lạnh chở thanh long tiếp theo được làm thủ tục thông quan nhanh chóng, thuận tiện.

Ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch, Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, việc vận chuyển container lạnh bằng đường sắt, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc hoặc quá cảnh Trung Quốc đi nước thứ ba giảm được nhiều thời gian, chi phí so với vận chuyển bằng đường bộ.

“Tàu chuyên container lạnh chở hàng nông sản tươi sống từ phía Nam ra ga Đông Anh, Yên Viên mất khoảng 64 giờ. Sau đó chạy đến ga Đồng Đăng mất khoảng 6 giờ nữa. Cộng với thời gian chờ làm các tác nghiệp kĩ thuật dọc đường, thủ tục, đến khi thông quan nhiều nhất cũng chỉ mất khoảng 5 ngày. Một đoàn tàu có thể chở đến 20 container lạnh, cước đường sắt thấp hơn so với cước đường bộ khoảng 20%. Trong khi đó, nếu đi bằng đường bộ sẽ cần đến 20 chiếc ô tô. Thời gian vận chuyển bằng ô tô từ phía Nam lên đến cửa khẩu Đồng Đăng chỉ mất hơn 2 ngày, nhưng nếu phải chờ đợi thông quan sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa, kéo theo đó sẽ là các chi phí phụ trội”, ông Nam thông tin.

Cũng theo ông Nam, đường sắt nhận làm dịch vụ vận chuyển logistics trọn gói, kể cả vận chuyển hai đầu bằng đường bộ từ kho, chân hàng của khách tại các tỉnh như: Bình Thuận, Tiền Giang… đến ga Trảng Bom để vận chuyển bằng đường sắt lên ga Đồng Đăng, sang Trung Quốc và từ ga đường sắt Trung Quốc đến điểm trả hàng, cùng đó là thực hiện các thủ tục liên quan như hải quan, khai báo kiểm dịch nên rất thuận lợi.

“Các lô hàng thanh long đang vận chuyển, ngay khi tàu xuất phát từ miền Nam, đã chuyển khai báo hải quan điện tử đến cửa khẩu ga Đồng Đăng, sau đó là cửa khẩu ga Bằng Tường. Do đó, tiết kiệm được nhiều thời gian cho hàng”, ông Nam nói.

Ông Phạm Đức Khái, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt ga Đồng Đăng, Trưởng ga liên vận quốc tế Đồng Đăng thông tin thêm, tàu đến ga Đồng Đăng, thời gian chờ đợi làm tác nghiệp kĩ thuật toa xe, đầu máy và làm thủ tục cũng chỉ khoảng nửa buổi là có thể chạy sang ga Bằng Tường. Thời gian chạy tàu cũng chỉ khoảng 40 phút. Nếu đi bằng đường bộ, thời gian thông quan qua cửa khẩu đường bộ khó xác định trước được. “Nếu thông cửa khẩu hai nước thì chỉ mất nửa ngày, nhưng nếu tắc, có khi mất cả tuần chờ đợi, tùy thời điểm, không cứ vướng dịch. Ví dụ hiện tại, dù đã mở cửa khẩu đường bộ trở lại sau một thời gian đóng cửa vì dịch Covid-19, việc thông quan hàng hóa vẫn bị ách tắc, hàng hóa vẫn phải chờ đến 2-3 ngày”, ông Khái nói.

Điều khiển nhiệt độ container qua mạng

Chỉ trong khoảng một tháng kể từ khi chạy chính thức, chúng tôi đã xuất được khoảng 200 container lạnh thanh long và hiện vẫn duy trì chạy đều đặn hàng tuần. Ngoài thanh long, mới đây phía cửa khẩu trái cây ga Bằng Tường cho phép mặt hàng mít được phép nhập sang bằng đường sắt, dần dần sẽ được nhập đủ 9 loại. Đây là cơ hội cho xuất khẩu trái cây chính ngạch bằng đường sắt khi mà các loại trái cây Việt Nam như xoài, mít… đang vào vụ thu hoạch.
Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó TGĐ Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco)


Theo ông Nguyễn Chính Nam, không phải bây giờ đường sắt Việt Nam mới vận chuyển container lạnh. Tuy nhiên, việc vận chuyển trước đây chỉ dừng lại ở nội địa. Đến tháng 10/2019 mới bắt đầu thử nghiệm vận chuyển thủy, hải sản đông lạnh, trái cây bằng đường sắt từ phía Nam ra để xuất qua Trung Quốc. Thời điểm này, tàu đến ga Đồng Đăng vẫn phải chuyển tải, đi bằng ô tô qua cửa khẩu, đến ga Bằng Tường rồi mới lên tàu đi tiếp các thành phố Trung Quốc như: Bắc Kinh, Vũ Hán, Thượng Hải, Thành Đô… hoặc đi tiếp Trung Á, châu Âu.

Ông Nguyễn Quang Tùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giao nhận TSY - khách hàng thuê đường sắt vận chuyển container lạnh trọn gói hàng thủy sản, trái cây cho hay, việc chuyển tải bằng ô tô qua cửa khẩu đường bộ mất hai lần cẩu container ở hai ga, vì thế mất thêm thời gian, chi phí. Chưa kể, khi xuất khẩu bằng đường bộ, sang đến cửa khẩu phía Trung Quốc, phải dỡ hàng ra để kiểm dịch và phân loại. Loại nào đáp ứng được quy chuẩn mới được đi tiếp sâu vào nội địa. Trong khi đó, nếu xuất khẩu chính ngạch bằng đường sắt, hàng sẽ chạy thẳng sang ga Bằng Tường để kiểm dịch, làm thủ tục nhập khẩu, từ đó theo tàu đi tiếp.

Là đơn vị trực tiếp thực hiện dịch vụ vận chuyển, ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó TGĐ Công ty CP Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco) cho biết, ưu điểm của tàu container lạnh liên vận quốc tế là sử dụng loại container lạnh tự phát do đường sắt Trung Quốc cung cấp, khác với container lạnh thông thường. Với container lạnh thông thường, nếu vận chuyển bằng ô tô phải cắm điện từ ắc quy hoặc phải cắm điện lưới, còn vận chuyển bẳng tàu hỏa thì phải có máy phát điện. Quá trình vận chuyển, lúc nào cũng phải cắm điện, kể cả khi hạ xuống bãi hàng để duy trì nhiệt độ cho container, đảm bảo an toàn chất lượng hàng hóa.

Trong khi đó, với loại container lạnh tự phát, trên mỗi container có máy phát điện, có thùng dầu diesel và tự cấp phát điện trong khoảng 20 ngày. Vì thế, có thể vận chuyển liên tục mà container không cần phải cắm điện. Đặc biệt, container này còn có thiết bị GPS hiện đại, ở nhà vẫn có thể theo dõi qua mạng về hành trình, vị trí của container và cả lượng dầu còn bao nhiêu.

“Với container tự phát, chúng tôi còn biết được nhiệt độ bên trong để tự điều chỉnh tăng, giảm nhiệt độ container qua mạng. Chủ hàng có thể phối hợp với đường sắt theo dõi trạng thái của container và kiểm soát chất lượng vận chuyển trong suốt quá trình container trên đường”, ông Thanh chia sẻ.

Mở đường xuất khẩu chính ngạch nông sản

Giải pháp tối ưu nhất, hiệu quả nhất
Sau khi thị sát việc triển khai chạy tàu container lạnh chở thanh long sang Trung Quốc vào cuối tháng 2/2020, ông Nguyễn Công Trưởng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong bối cảnh xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu phụ khó khăn do tác động từ dịch bệnh Covid-19, việc triển khai thông quan hàng nông sản qua cặp Cửa khẩu đường sắt ga quốc tế Đồng Đăng - Bằng Tường là giải pháp tối ưu nhất, hiệu quả nhất cho xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, trong đó có những mặt hàng hoa quả tươi như thanh long. Việc xuất khẩu nông sản qua con đường này sẽ góp phần kiểm soát hiệu quả nguy cơ dịch bệnh Covid-19, do không phải tổ chức cách ly các tài xế (xe ôtô), chủ hàng khi vận chuyển hàng hóa theo đường bộ sang Trung Quốc quay về, số lượng người tham gia quy trình xuất khẩu nông sản ít nên giảm thiểu được nguy cơ lây lan dịch bệnh (nếu có).

Theo ông Nguyễn Chính Nam, việc chạy tàu container lạnh liên vận quốc tế sẽ mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu chính ngạch hàng nông sản Việt Nam bằng đường sắt.

“Chúng tôi liên tục làm việc với Cục xuất nhập khẩu Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Lạng Sơn để thúc đẩy sản phẩm vận tải này, góp phần giải tỏa ách tắc tại cửa khẩu. Chỉ riêng mặt hàng thanh long đang vào vụ thu hoạch, dự kiến đến hết tháng 4 sẽ được khoảng 300 nghìn tấn. Nếu không xuất khẩu kịp thời, ách tắc tại cửa khẩu sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp vì mặt hàng này chỉ có thời hạn sử dụng ngắn, lại đòi hỏi cao về điều kiện bảo quản”, ông Nam nói và cho biết thêm, việc xuất khẩu chính ngạch sẽ góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, đồng thời minh bạch được các nguồn thu, trong đó có các khoản thuế, phí so với xuất khẩu tiểu ngạch bằng đường bộ.

Thông tin thêm về quá trình tiến tới chạy tàu container lạnh giữa Việt Nam - Trung Quốc, ông Phạm Đức Khái cho hay, nhiều năm trước, đường sắt hai nước Việt - Trung đã đưa vấn đề này ra bàn bạc, kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước hai nước. Tuy nhiên, phải đến năm 2018, phía Trung Quốc mới xây dựng Cửa khẩu trái cây tại ga Bằng Tường, trong đó có bộ phận kiểm dịch để thực hiện thông quan cho hàng trái cây vận chuyển bằng đường sắt giữa hai nước. Đến tháng 2/2020 mới chính thức chạy tàu.

Tại các cửa khẩu đường bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc khu vực Lạng Sơn, có 9 loại trái cây được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng phân định rõ loại trái cây nào được xuất qua cửa khẩu nào. Nhưng nếu đi bằng đường sắt thì được phép xuất cả 9 loại, tuy nhiên do mỗi loại hàng trái cây lại có khu vực, phương pháp kiểm dịch, khử trùng khác nhau nên trước mắt chỉ cho nhập thanh long. Hơn nữa, hiện chỉ mặt hàng thanh long đáp ứng được các quy chuẩn theo yêu cầu của Trung Quốc như: Nhãn mác, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, bao gói… Thậm chí, yêu cầu rất ngặt nghèo như: Quả thanh long dài bao nhiêu centimet, màu sắc như thế nào, có bao nhiêu tai…

“Đến tháng 6/2020, việc xây dựng cửa khẩu này mới hoàn thiện giai đoạn 1 để chuyển sang giai đoạn 2. Khi đó, cửa khẩu tiếp tục được đầu tư hạ tầng thiết bị để cho chạy thẳng tàu container lạnh chở hàng thủy sản, thịt… mở thêm cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu chính ngạch bằng đường sắt”, ông Khái nói.Đánh giá về tiềm năng tàu container lạnh Việt Nam - Trung Quốc, ông Nguyễn Quang Tùng chia sẻ: “Tôi cho rằng sẽ hiệu quả, có tính khả thi vì có thêm lựa chọn đối với khách hàng. Đặc biệt trong bối cảnh hiện tại, vận chuyển hàng qua biên giới bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc vận chuyển bằng tàu container lạnh rất hiệu quả”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.