Vẫn còn nhiều địa phương có cách làm khác nhau
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố rà soát, thực hiện công tác kiểm soát dịch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ GTVT, Bộ Y tế, đảm bảo tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, các Bộ, ngành địa phương đã rất quyết liệt thực hiện tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hóa, đến nay cơ bản, hàng hóa lưu thông thuận lợi.
Qua kết quả kiểm tra của các đoàn và tổ công tác công tác đặc biệt Bộ GTVT, hầu hết các địa phương đã triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ GTVT, Bộ Y tế về kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa được thông suốt, an toàn.
Nhiều địa phương vẫn còn quy định thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm khác nhau, gây khó khăn trong vận chuyển hàng hóa - Ảnh minh họa
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, hiện vẫn còn một số địa phương tổ chức giao thông tại chốt kiểm soát dịch chưa khoa học, để phương tiện dừng đỗ trên đường; chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát phương tiện; thực hiện quy định về xét nghiệm SARS-CoV-2 của người điều khiển phương tiện chưa đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, gây khó khăn cho lái xe, doanh nghiệp, người dân và tăng chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bộ GTVT cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tại chốt kiểm soát dịch để kiểm soát phương tiện và người lưu thông qua chốt bằng việc sử dụng thiết bị điện tử để quét mã QR Code của người và phương tiện, nhằm giảm thời gian và hạn chế tiếp xúc trực tiếp khi kiểm soát dịch.
"Để tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và Bộ ngành, Bộ GTVT đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố nghiên cứu tổng hợp các quy định của cơ quan Trung ương, tiếp tục rà soát các văn bản do địa phương đã ban hành, đặc biệt là văn bản có liên quan đến giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 của người trên phương tiện chở hàng hoá đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế để xây dựng, ban hành quy định của địa phương rõ ràng, thống nhất trong tổ chức thực hiện", Bộ GTVT thông tin.
Liên quan đến việc kiểm soát tại chốt kiểm soát dịch, Bộ GTVT đề nghị thống nhất nội dung kiểm tra và quy trình kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 1015/2021; hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19; các nội dung có liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 tại các văn bản do Bộ Y tế và các Bộ, ngành.
"Chốt kiểm soát dịch phải có mặt bằng rộng, thông thoáng, an toàn, thuận lợi cho kiểm tra phương tiện và phòng, chống dịch; tổ chức phân luồng giao thông, điều tiết phương tiện từ xa; không để phương tiện dừng đỗ trên đường", Bộ GTVT yêu cầu.
Nên kéo dài thời gian giấy xét nghiệm
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho hay, thời gian qua, nhiều địa phương vẫn còn quy định thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm khác nhau, gây khó khăn cho vận chuyển hàng hóa.
"Có địa phương quy định giá trị hiệu lực của giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 là 48 giờ ngắn hơn so với hướng dẫn của Bộ Y tế là 72 giờ. Bên cạnh đó, giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 còn giá trị nhưng vẫn yêu cầu lái xe xét nghiệm lại; lái xe vừa xét nghiệm tối ngày hôm trước, sáng ngày hôm sau sang tỉnh khác ở chốt kiểm soát dịch bị yêu cầu xét nghiệm lại. Những yêu cầu này của các địa phương chưa đúng với quy định của Bộ Y tế", ông Quản nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô cho rằng, cần tăng thêm thời hạn đối với giấy xét nghiệm Covid-19. Thời hạn 3 ngày hiện nay chỉ đủ thời gian cho tài xế hoàn thành chuyến xe trong nội tỉnh và lân cận. Những chuyến xe từ Nam ra Bắc cần thời gian tối thiểu 7 ngày.
"Lái xe đang sợ xét nghiệm và đã có nhiều người bỏ nghề vi phải xét nghiệm quá nhiều lần. Đối với lái xe đã tiêm 1 hay đủ hai mũi vaccine, việc kéo dài thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm cũng giúp doanh nghiệp và lái xe giảm bớt chi phí.
Bên cạnh đó, cần xem xét không cách ly y tế với lái xe vì hiện nay nhiều nơi quy định cách ly sau khi đi qua vùng dịch từ 7 hoặc 14 hay 21 ngày. Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều lái xe bỏ nghề, trong thời gian tới chắc chắn sẽ thiếu lái xe vận chuyển hàng hóa", ông Quyền nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận