Chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa được phép xây kè chống sạt lở tại vị trí có 40 móng biệt thự "chui". Ảnh: Tấn Việt |
Theo đó, UBND TP Đà Nẵng cho phép Công ty CP Biển Tiên Sa (chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa) chủ động kinh phí xây dựng tuyến mương hở dài khoảng 475m phía Đông dự án theo đúng hồ sơ thiết kế đã được Sở Xây dựng thẩm định, dẫn dòng về 2 suối tự nhiên trong phạm vi dự án.
Tuyến mương này sẽ phân lưu toàn bộ nước mưa từ đỉnh Sơn Trà không cho chảy tràn qua dự án mà gom dòng chảy về 2 suối hiện trạng, đồng thời khơi thông dòng chảy đối với 2 suối tự nhiên này để thuận lợi cho việc chuyển tải nước mưa từ đỉnh Sơn Trà xuống biển. Điều này sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ sạt lở cho dự án.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án được phép đào mương tạm dẫn dòng tại một số vị trí tụ thủy trong phạm vi dự án, dẫn dòng về 2 suối hiện trạng để giảm áp lực cho tuyến kè dự kiến xây dựng. Đầu tư 10 đoạn kè trọng lực xây đá hộc theo đúng hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, chiều dài tổng cộng khoảng 1.741m (trên tổng số khoảng 3.000m kè).
Việc đầu tư kè này không bao gồm vị trí qua đoạn suối hiện trạng. Các đoạn kè này đều nằm ở những vị trí trọng yếu có khả năng sạt lở lớn nhất. Sau khi hoàn thành việc xây kè, chủ đầu tư phải có giải pháp xanh hóa các tuyến kè (trồng cây xanh) để giảm thiểu ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường tại khu vực.
Do tính chất cấp bách của việc chống sạt lở, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư thi công hoàn thành các nội dung trên trước ngày 31/8/2017, do Sở Xây dựng và UBND quận Sơn Trà giám sát.
Trước đó, Sở Xây dựng Đà Nẵng có công văn đề xuất phương án chống sạt lở cho núi Sơn Trà tại vị trí xây dựng 40 móng biệt thự không phép. Theo Sở Xây dựng, toàn bộ dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa (diện tích 30,35ha) đã được thi công san nền phần đường giao thông và các vị trí xây dựng biệt thự đến cao trình thiết kế.
Bùn đất từ Sơn Trà trôi xuống biển Tiên Sa. Ảnh: Tấn Việt |
Do địa hình phức tạp, độ dốc lớn nên trong quá trình thi công, phần lớn thảm thực vật hiện có trong phạm vi dự án đã bị đào xới phá bỏ. Cấu tạo liên kết của các lớp đất đá bị thay đổi. Taluy mái dốc nền đất không đảm bảo, dẫn đến khả năng sạt lở là rất lớn.
Hiện tại đã xảy ra sạt lở tại nhiều vị trí, trong đó có các hố móng đã thi công. Đất đá và các móng biệt thự đã thi công có khả năng sạt lở xuống biển, gây mất an toàn và ô nhiễm môi trường. “Do vậy, cần có các biện pháp xử lý kịp thời mang tính khẩn cấp, hoàn thành trước mùa mưa năm 2017 để đảm bảo an toàn và giảm thiểu thiệt hại cho dự án và môi trường cảnh quan tại khu vực”, công văn nêu.
Trước đó, khoảng giữa tháng 3/2017, người dân phát hiện một góc phía Bắc bán đảo Sơn Trà bị đào xới làm du lịch gây bức xúc trong dư luận. Qua kiểm tra, Công ty CP Biển Tiên Sa tiến hành xây dựng không giấy phép 40 móng biệt thự khi chưa đủ giấy tờ, thủ tục (Báo cáo đánh giá tác động môi trường…). Cơ quan chức năng đã đình chỉ dự án, phạt chủ đầu tư 40 triệu đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận