Theo chương trình, kỳ họp lần này sẽ kéo dài trong 20 ngày làm việc (từ 20/5 - 14/6). Trong đó, Quốc hội sẽ dành khoảng 12 ngày để xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác.
Luật Giáo dục sửa đổi, Luật Kiến trúc sửa đổi, Luật Thi hành án hình sự sửa đổi, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia… là một trong những dự án luật được thông qua tại kỳ họp này.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước; Bộ luật Lao động (sửa đổi)… là những luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến.
Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Điểm đáng chú ý là tại kỳ họp này sẽ có đổi mới trong việc báo cáo kết quả giám sát trước Quốc hội.
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019. Việc xem xét báo cáo này sẽ được kết hợp thảo luận với các nội dung về: Việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017; xem xét, quyết định việc bổ sung danh mục dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận