Liên quan đến vụ việc 1 người tử vong, 18 người nhập viện sau bữa cỗ có tiết canh dê, hiện Trung tâm Y tế TP Thái Bình đã có Văn bản số 82/BC-TTYT gửi Sở Y tế Thái Bình, UBND TP Thái Bình và các đơn vị có liên quan báo cáo kết quả xác minh.
Theo kết quả xác minh, ngày 1-2/5, gia đình ông P.V.H (trú tổ dân phố số 5, phường Hoàng Diệu) tổ chức đãi cỗ nhân dịp gia đình chuẩn bị làm đám cưới cho con gái.
Bữa ăn trưa 1/5, có khoảng 20 mâm cỗ với 120 người ăn, thực đơn gồm các món: Thịt gà rang, tôm kho, canh dưa cà, tiết canh dê (dê giết mổ tại Ninh Bình và vận chuyển tiết, thịt về Thái Bình; Nhân để làm tiết canh là tai, gan, cuống họng lợn đã luộc chín), mỗi mâm có 1 bát to tiết canh để người ăn tự lấy ăn theo nhu cầu.
Buổi chiều 1/5 và sáng 2/5, gia đình ông H tiếp tục tổ chức đãi cỗ, thực đơn gồm: Gà luộc, tôm chao, chân giò hầm, dê tái, mèo xào, mực xào, ba ba nấu chuối, giò bò, xôi ruốc và cơm tám.
Đến 16h ngày 4/5, ông P.T.T (sinh năm 1957) là người tham gia ăn các bữa cỗ nói trên có triệu chứng sốt nhẹ, ho, khó thở, đau tức hai bên sườn phải, đã đến khám và nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình điều trị. Khoảng 20h cùng ngày, ông T có diễn biến nặng sau đó được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Đến khoảng 4h08 ngày 5/5, bệnh nhân đã tử vong và được chẩn đoán ra viện là nhiễm khuẩn huyết - viêm phổi nặng - biến chứng sốc nhiễm khuẩn - suy đa tạng - ngừng tuần hoàn/gout.
Đến khoảng 22h ngày 5/5, khi biết tin ông P.T.T tử vong, có một số người tham gia ăn cỗ cùng ông T ngày 1/5 và 2/5 đã thông tin cho nhau, bảo nhau cùng đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình để khám và điều trị.
Trong đó, có 9 người khai triệu chứng nặng và được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai để khám và điều trị. Số người ở lại khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình là 9 người.
Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, các bác sĩ đã tiến hành làm xét nghiệm và điều trị kháng sinh dự phòng, điều trị triệu chứng cho các bệnh nhân nói trên nhưng chưa phát hiện triệu chứng gì liên quan đến bệnh liên cầu lợn, ngộ độc thực phẩm. Đến sáng 7/5, 9 bệnh nhân đã viết đơn cam kết, đề nghị được xuất viện về đi làm vào 10h trưa cùng ngày.
Quá trình làm việc, tất cả các bệnh nhân (cả ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình và Bệnh viện Bạch Mai) đều khai ngày 1/5, họ có ăn tiết canh dê cùng ông P.T.T và cùng ông P.T.T ăn 2 bữa cỗ ngày 2/5.
Lo sợ ông T tử vong do liên cầu lợn, lại thấy anh N.V.T và anh P.V.Q bị dị ứng nổi mẩn ngứa khắp người (sau này mới biết là dị ứng do ăn sứa và ăn gỏi cá), vì vậy mọi người đã cùng nhau vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, thống nhất khai khống với bác sĩ bị các triệu chứng như sốt, rối loạn tiêu hóa, đau bụng... để được khám và điều trị tại bệnh viện, thậm chí tự khai báo triệu chứng nặng để được chuyển tuyến.
"Trên thực tế tất cả xác nhận sức khỏe đều bình thường, không bị bất kì ảnh hưởng gì. Do đều là họ hàng với nhau nên đã gọi điện cho nhau để trao đổi thông tin. Tất cả các bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình và Bệnh viện Bạch Mai chưa có kết quả xét nghiệm cấy máu, còn các xét nghiệm khác đều bình thường", Trung tâm Y tế TP Thái Bình khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận