Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp chiều nay |
“Tôi ngạc nhiên khi dư luận thời gian qua cho rằng dự thảo Thông tư bỏ khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm là 70km. Bộ GTVT không có chủ trương quy định cự ly giữa các trạm thu giá, Thông tư 49 chỉ quy định hoạt động của trạm thu giá”, Bộ trưởng nói và đặt câu hỏi: “Bộ GTVT không chỉ đạo đưa nội dung này vào dự thảo Thông tư, vậy vì lý do gì mà Tổng cục Đường bộ đưa nội dung này vào dự thảo, tạo nên sự hiểu lầm trong dư luận xã hội rằng Bộ GTVT lại quay lại mở rộng và lập trạm trên đường cũ?”.
“Tinh thần nhất quán của Bộ GTVT là khi ban hành Thông tư, nếu phát sinh thêm thủ tục hành chính thì thủ trưởng phải chịu trách nhiệm. Chất lượng dự thảo đưa ra bị dư luận phản ứng, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Việc này cũng phải có người chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thông tư 159 của Bộ Tài chính quy định về khoảng cách giữa các trạm là 70km, trong trường hợp dưới khoảng cách này phải có thỏa thuận của Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố và Bộ Tài chính. “Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu không làm BOT trên đường độc đạo, đường cũ nên quy định khoảng cách không còn ý nghĩa. Bộ GTVT sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo này và chỉ xây dựng dự án BOT trên các tuyến đường mới để cho người dân, doanh nghiệp có sự lựa chọn”, Bộ trưởng khẳng định.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Tổng cục Đường bộ VN thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu, ban hành tiêu chí đặt trạm thu giá đường bộ. Việc đưa quy định khoảng cách 70km vào dự thảo lần 1 là trên cơ sở nhắc lại Thông tư 159 của Bộ Tài chính.
Không đồng tình với cách trả lời này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặt câu hỏi: Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT hay chỉ đạo Tổng cục? Nếu chỉ đạo Bộ GTVT thì Bộ có chỉ đạo Tổng cục nội dung này hay không? Bộ không chỉ đạo, tại sao Tổng cục lại đưa quy định này vào?
Ông Phạm Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng cho biết thêm, Thông tư 49/2016 chỉ quy định quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể liên quan của cơ quan quản lý nhà nước và trách nhiệm của đơn vị thu giá. Về điều kiện đặt trạm, Thông tư 49 không quy định khoảng cách đặt trạm. Quy định này do Thông tư 159 của Bộ Tài chính quy định. Dự thảo lần 1 của Tổng cục Đường bộ có tổng hợp lại hoạt động các trạm thu giá thời gia qua, trong đó có quy định khoảng cách 70km. Khi thực hiện Nghị quyết của Quốc hội sẽ không ảnh hưởng đến khoảng cách đặt trạm và sau khi tiếp thu ý kiến của các đơn vị thấy rằng quy định khoảng cách không còn phù hợp nên Ban soạn thảo bỏ quy định này trong dự thảo lần 2.
Khẳng định Thông tư 49 không có tiêu chí đặt trạm thu giá, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, trong quá trình thanh tra, Tổng cục Đường bộ có kế thừa Thông tư 159, một quy định khi đưa ra xin ý kiến sẽ có yếu tố tích cực và tiêu cực. Nếu nhận được phản hồi tích cực thì giữ lại, còn khi thấy không phù hợp với thực tiễn thì bỏ.
“Sau khi đăng tải dự thảo Thông tư và thảo luận của các cơ quan, nhiều ý kiến cho rằng quy định khoảng cách chưa đầy đủ cơ sở pháp lý, nhất là sau khi đã có Nghị quyết 437 của Quốc hội nên đồng thuận đưa quy định này ra khỏi dự thảo Thông tư”, bà Nga cho biết.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, tổ soạn thảo của Tổng cục Đường bộ không hiểu rõ bản chất sự việc, do đó trong quá tình thực hiện đã xảy ra sai sót không đáng có, dẫn đến phản ứng của dư luận, không trực diện giải thích với dư luận. Có lẽ do hạn chế về năng lực nên không cung cấp thông tin đầy đủ, nhất là lý do vì sao dự thảo lần 1 có đưa quy định về khoảng cách đặt trạm nhưng dự thảo lần 2 lại bỏ ra.
“Khi đã có Nghị quyết 437, không cần thiết phải quy định khoảng cách, đáng lẽ phải giải trình ngay với Chính phủ và dư luận và không đưa nội dung này vào dự thảo Thông tư”, Bộ trưởng nói và chỉ đạo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN kiểm điểm trách nhiệm tổ soạn thảo và báo cáo kết quả về Bộ GTVT. Mặc dù chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng gây dư luận không tốt, khiến một bộ phận người dân hiểu sai.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan tham gia xây dựng Thông tư cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, rút kinh nghiệm trong xây dựng Thông tư, Nghị định sau tốt hơn. Những việc ảnh hưởng đến dư luận xã hội, đến người dân, doanh nghiệp phải bàn thấu đáo, phải xem xét, lường trước được khi ban hành Thông tư sẽ tác động thế nào đến người dân thế nào để giải trình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận