Đường sắt

Thông tuyến đường sắt Ninh Bình, rút ngắn thời gian chạy tàu Bắc Nam

12/06/2015, 19:26

Việc đưa gói thầu CP1A vào khai thác đã góp phần rút ngắn hành trình các chuyến tàu Bắc - Nam.

SAM_5796
Các đại biểu cắt băng thông tuyến

Sáng nay (12/6) tại ga Ninh Bình, Ban quản lý dự án đường sắt tổ chức Lễ thông tuyến gói thầu CP1A thuộc Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh và gắn biển Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và Đại hội thi đua yêu nước ngành Giao thông vận tải.

Công trình ý nghĩa

Ga Ninh Bình có lý trình Km 115+775 thuộc P. Nam Bình, TP. Ninh Bình. Việc thông tuyến đưa cầu đường sắt Ninh Bình và ga Ninh Bình mới vào khai thác chạy tàu là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống và Đại hội thi đua yêu nước ngành Giao thông vận tải, tiến tới Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ XII, mang một ý nghĩa quan trọng đối với ngành GTVT nói chung, Đường sắt Việt Nam nói riêng cũng như hai địa phương Nam Định và Ninh Bình.

SAM_5782
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến và các đại biểu gắn biển công trình Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và Đại hội thi đua yêu nước ngành Giao thông vận tải

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh là một trong những trục giao thông giao thông Bắc - Nam quan trọng nhất của đất nước, kết nối hai đầu tàu kinh tế, các thành phố lớn, cơ sở kinh tế quan trọng, cảng biển... Việc đưa gói thầu CP1A vào khai thác và sử dụng chắc chắn đã góp phần nâng cao an toàn chạy tàu và rút ngắn hành trình các chuyến tàu trên tuyến. Năng lực vận tải và xếp dỡ hàng hóa của ga Ninh Bình cũng tăng lên, đáp ứng lượng khách du lịch đến Ninh Bình cũng như nhu cầu vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa ngày càng tăng. Hơn nữa một số nút giao đồng mức cũng được xóa bỏ, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi lại.

SAM_5768
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cảm ơn lãnh đạo hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình đã quan tâm ủng hộ trong suốt quá trình thực hiện dự án

Thứ trưởng Đông gửi lời cảm ơn đến các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đại biểu Quốc hội, HĐND, lãnh đạo hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình đã quan tâm ủng hộ trong suốt quá trình thực hiện dự án. Đồng thời cảm ơn đến nhà tài trợ JICA về sự hỗ trợ vốn đầu tư cho dự án; biểu dương sự vào cuộc quyết liệt của Ban Quản lý dự án đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các nhà thầu thi công đã không quản khó khăn để hoàn thành dự án đúng theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Vượt mọi khó khăn

Gói thầu CP1A là một trong các gói thầu xây lắp chính của Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh, nằm trên địa bàn hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình. Nhà thầu thi công là liên danh MES-Rinkai-Taisei-Cienco1 (MRTC1) với tổng giá trị là 6,568 tỷ Yên Nhật (tương đương 1.518 tỷ đồng). Quy mô Gói thầu bao gồm: thi công xây dựng mới cầu đường sắt Ninh Bình, ga Ninh Bình, cầu vượt đường sắt phía Nam ga Ninh Bình và một số hạng mục liên quan trong phạm vi đường hai đầu cầu như đường chui, đường ngang.

SAM_5709
Ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết có thời điểm tưởng chừng dự án không thể hoàn thành đúng yêu cầu

Theo ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, quá trình thực hiện dự án từ tháng 4/2012 cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ. Bên cạnh đó do một số hạng mục phải thay đổi thiết kế để đồng bộ và phù hợp với điều kiện thực tế hiện tại.

“Đã có thời điểm dự án tưởng chừng không thể về đích theo yêu cầu. Trước nguy cơ đó, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ GTVT và sự đoàn kết nhất trí của Ban Quản lý dự án đường sắt, các đơn vị tư vấn, nhà thầu, địa phương và nhà tài trợ để giải quyết nhanh chóng các vướng mắc. Chỉ trong vòng 7 tháng, hàng loạt khó khăn được tháo gỡ, khối lượng thi công tăng vọt bằng cả năm trước đó”, ông Thành nói.

1
Đường ke ga Ninh Bình được thiết kế cao bằng sàn tàu giúp hành khách lên xuống dễ dàng

Ông Yasuhiko KATOH, Chủ tịch công ty Mitsui Engineering & Shipbuilding – nhà thầu thi công dự án cho biết rất tự hào đã áp dụng thành công công nghệ mới của Nhật Bản trong thi công cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh, đó là ray hàn dài trên tà vẹt gắn trực tiếp trên nền bê tông của dầm bê tông dự ứng lực và phương pháp xử lý nền đất yếu bằng cọc bê tông trộn sâu tại cầu Ninh Bình.

“Việt Nam và Nhật Bản đã có hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Chúng tôi tự hào được đóng góp một phần vào lịch sử mối quan hệ hữu nghị này”, ông Yasuhiko KATOH nói.

Cầu đường sắt Ninh Bình được xây dựng mới cách cầu cũ khoảng 30m về phía hạ lưu, bao gồm 3 nhịp dầm vòm thép chiều dài mỗi nhịp 75m và 22 nhịp dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực (BTCT DƯL) chiều dài mỗi nhịp 33m. Cầu có hệ thống mố, trụ bằng bê tông cốt thép trên móng cọc khoan nhồi.

SAM_5823
Phòng chỉ huy chạy tàu ga Ninh Bình được trang bị hiện đại

Kiến trúc tầng trên đường sắt gồm ray 50N Nhật Bản hàn dài, liên kết trực tiếp vào dầm thép và đặt trên tà vẹt liên kết trực tiếp với bản bê tông của dầm BTCT DƯL không đá ba lát giúp tàu chạy êm thuận, ít rung lắc.

Ga Ninh Bình được xây dựng mới cách ga cũ 1,35km về phía Nam. Quy mô đường trong ga được tăng từ 4 lên 11 đường giúp tăng khả năng đón tiễn hành khách; tập kết, xếp dỡ hàng hoá; chỉnh bị, sửa chữa đầu máy toa xe và dồn tàu. Hệ thống thông tin, tín hiệu sử dụng tín hiệu ga điện khí tập trung, đóng đường khu gian tự động một phân khu, thông tin cáp quang kỹ thuật số.

Ga có nhiều công trình, hạng mục để phục vụ và hỗ trợ nhiều chuyên ngành khác nhau. Đặc biệt, ga được xây dựng bổ sung cầu vượt bộ hành và nâng cao ke ga để thuận tiện cho hành khách lên xuống tàu.

Nhà ga chính được xây dựng hai tầng có phòng đợi tàu thông tầng và các khối dịch vụ bao gồm phòng ăn uống, thông tin du lịch và bán đồ lưu niệm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.