Xã hội

Thống nhất bố trí hơn 38 nghìn tỷ đồng đầu tư cao tốc Bắc - Nam

24/07/2021, 11:37

Sáng nay (24/7), Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội báo cáo thẩm tra Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Tăng tổng mức đầu tư nguồn NSNN, tạo cú hích thúc đẩy tăng trưởng hậu Covid-19

Sáng nay (24/7) Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

img

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường

Theo Báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2021-2025, dự kiến vốn đầu tư nguồn NSNN là 2.870.000 tỷ đồng (không bao gồm nguồn vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư), tăng 120.000 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội tháng 10/2020.

Trong đó, 1.500.000 tỷ đồng vốn NSTW (1.200.000 tỷ đồng vốn trong nước, 300.000 tỷ đồng vốn nước ngoài) và 1.370.000 tỷ đồng vốn NSĐP.

Giai đoạn 2021-2025, tổng mức vốn dự kiến của Chính phủ là hơn 2,87 triệu tỷ đồng tăng 870 nghìn tỷ đồng (43,5%) so với số kế hoạch và tăng 670 nghìn tỷ đồng (30,4%) so với số thực hiện giai đoạn 2016-2020.

Đa số ý kiến Ủy ban TCNS cho rằng, về tổng thể, so với giai đoạn 2016-2020, trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến thu NSNN tăng gấp 1,2 lần; chi thường xuyên dự kiến tăng 1,34 lần; vốn đầu tư công dự kiến tăng 1,43 lần; tỷ trọng chi đầu tư phát triển dự kiến khoảng 28%-29% tổng chi NSNN, cao hơn số kế hoạch giai đoạn 2016-2020 là tích cực.

Để khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19, tạo cú hích về nguồn vốn thúc đẩy tăng trưởng thì việc tăng tổng mức đầu tư nguồn NSNN trong giai đoạn 2021-2025 là cần thiết.

Thống nhất vốn đầu tư cao tốc Bắc - Nam, cân nhắc mục tiêu hoàn thành 1.700 km đường ven biển

img

Ủy ban TCNS cũng cơ bản thống nhất với dự kiến bố trí khoảng 104,5 nghìn tỷ đồng để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia

Về phương án phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSTW, Uỷ ban TCNS cho biết với tổng số dự kiến NSTW 1.500.000 tỷ đồng, Chính phủ dự kiến để lại 10% dự phòng (150.000 tỷ đồng) và phân bổ 1.350.000 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Tuy nhiên, đến nay Chính phủ dự kiến phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư vốn NSTW là hơn 1,09 triệu tỷ đồng, số còn lại chưa có phương án phân bổ .

Riêng vốn NSTW trong nước (1,08 triệu tỷ đồng), Chính phủ dự kiến bố trí cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là hơn 910 nghìn tỷ đồng, trong đó các bộ, cơ quan Trung ương hơn 552 nghìn tỷ đồng; Hỗ trợ cho các địa phương hơn 358 nghìn tỷ đồng, bao gồm hỗ trợ đầu tư các dự án trọng điểm, dự án có tính liên kết vùng, đường ven biển của địa phương (hơn 119,8 nghìn tỷ đồng), 2 dự án quan trọng quốc gia hơn 5,1 nghìn tỷ đồng…

Ủy ban TCNS nhận thấy, phương án phân bổ chưa bảo đảm cụ thể vì bên cạnh việc phân bổ 100.000 tỷ đồng dự kiến dành cho các chương trình mục tiêu quốc gia, số còn lại hơn 69,6 nghìn tỷ đồng, Chính phủ dự kiến thực hiện một số nhiệm vụ, bao gồm 4.723 tỷ đồng để thanh toán cho Dự án đường Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; hơn 8 nghìn tỷ đồng để thu hồi vốn ứng trước của Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Hơn 56,8 nghìn tỷ đồng chưa có phương án chi tiết đảm bảo đầy đủ danh mục dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.

Đối với số vốn chưa trình phương án phân bổ và số vốn dự kiến phân bổ cho các dự án chưa có quyết định chủ trương đầu tư, đa số ý kiến đề nghị trình Quốc giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, và ủy quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi Chính phủ giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn như đã thực hiện tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa vì việc hoàn thiện ngay thủ tục đầu tư đối với gần 5.000 dự án tại Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV là rất khó khăn.

Nếu phải trình ra Quốc hội trước khi giao kế hoạch vốn trung hạn sẽ kéo dài qua nhiều kỳ họp, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Việc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến một mặt bảo đảm tính kịp thời, mặt khác, vẫn bảo đảm vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử trong việc xem xét, quyết định và giám sát thực hiện phân bổ nguồn lực đầu tư công, bảo đảm tính công khai, minh bạch, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Một số ý kiến trong Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư báo cáo Quốc hội trước khi giao kế hoạch vốn trung hạn theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Ủy ban TCNS cũng cơ bản thống nhất với dự kiến bố trí khoảng 104,5 nghìn tỷ đồng để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia. Trong đó, đối với 38.738 tỷ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2), đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia theo đúng quy định.

Đối với số vốn 78.719 tỷ đồng, Ủy ban TCNS thấy rằng, khoản này Chính phủ dự kiến phân bổ cho Bộ GTVT nhưng chưa có chủ trương đầu tư theo quy định. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương.

Về số vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, Uỷ ban TCNS cho biết đối với dự kiến hoàn thành 1.700 km tuyến đường ven biển trong 5 năm, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS và các ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng khó khả thi vì các tuyến đường ven biển đi qua nhiều cửa sông, cửa biển, địa hình phức tạp, tính kết nối chưa rõ; khả năng bố trí NSNN hoàn thành toàn tuyến đường chưa có cơ sở, tuyến đường này đi qua những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, khó bảo đảm bố trí ngân sách địa phương để thực hiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.