Thị trường

Thủ công mỹ nghệ - mũi nhọn xuất khẩu thời hội nhập

16/12/2020, 08:23

Nghề thủ công mỹ nghệ là kỳ vọng cho xuất khẩu trong thời kỳ hội nhập khi triển khai hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đa phương...

img

Trao tặng 77 Nghệ nhân thủ công mỹ nghệ bao gồm: 5 "Nghệ nhân Nhân dân" và 72 "Nghệ nhân Ưu tú".

Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ diễn ra tối 15/12 tại Hà Nội.

Theo bà Thịnh, ngành Công thương nói chung và lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN) nói riêng đã có sự tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng.

Cụ thể, trong 5 năm gần đây, Chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân tăng 9,5%/năm; Tổng kim ngạch xuất khẩu bình quân tăng 11,5%/năm.

Chủ tịch nước đã Quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” cho 04 cá nhân, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” cho 01 cá nhân và phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” cho 72 cá nhân.

Các nghệ nhân được phong tặng, truy tặng lần này là những nghệ nhân có nhiều cống hiến, tâm huyết, tận tụy với nghề; Có kỹ năng, bí quyết nghề nghiệp đặc biệt trong thiết kế, kỹ thuật chế tác làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế và mỹ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị nghề thủ công mỹ nghệ của các địa phương, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, tôn vinh; Đại diện cho 27 nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống tinh xảo, độc đáo.

Đặc biệt, trong 11 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,1%; Kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 254,9 tỷ USD.

Trong đó, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ đạt khoảng 4 tỷ USD, góp phần rất quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của nước ta trong năm qua.

“Trong những năm gần đây, mức tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ khá cao, đưa Việt Nam thành nước xuất khẩu thủ công mỹ nghệ đứng trong vị trí tốp 3 thế giới, tuy nhiên, chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu của các nước.

Do vậy, các nghệ nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú" hôm nay là những người đã được trao truyền, lưu giữ tinh hoa của nghề thủ công truyền thống.

Đồng thời, cũng là kỳ vọng cho xuất khẩu trong thời kỳ hội nhập khi chúng ta sẽ triển khai hàng loạt hiệp định thương mại tự do đa phương và nhiều bên với các đối tác quan trọng như các hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA…”, vị Phó chủ tịch nói.

Khẳng định danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước dành tặng cho các nghệ nhân hôm nay là sự ghi nhận công lao to lớn và thể hiện sự tri ân dành cho các nghệ nhân đã có cống hiến không mệt mỏi trong việc gìn giữ và phát triển vốn quý thủ công mỹ nghệ nước nhà, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, đây được coi là ngành hàng mũi nhọn để tập trung phát triển xuất khẩu trong các năm tới.

Theo ông, kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN trong những năm qua luôn trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và ngành này có vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, là ngành nghề thu hút nhiều lao động tham gia làm hàng xuất khẩu, góp phần xoá đói giảm nghèo ở nông thôn.

Cụ thể, cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với ngành khai thác; Giải quyết việc làm từ 3 đến 5 nghìn lao động và với một hệ thống gồm 2.556 làng nghề trên toàn quốc đã tạo việc làm cho khoảng 5,2 triệu lao động nông thôn.

“Tiến trình sự hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang mở ra rất nhiều cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp TCMN của Việt Nam. Do đó, để ngành hàng TCMN Việt Nam có thể mạnh mẽ vươn ra thế giới, ngành TCMN cần xác định định hướng chiến lược xuất khẩu hàng TCMN giai đoạn 2021-2025 là nâng cao năng lực xuất khẩu chuỗi giá trị hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam và phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD vào năm 2025...”, Bộ trưởng Công thương chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.