Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý băn khoăn vì chưa có ai bị xử lý sau hậu kiểm toán |
Đó là băn khoăn của Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý khi cho ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước.
Trình bày báo cáo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết,trong 5 năm (2011-2015), Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính tổng số tiền 101.037 tỷ đồng, bằng 55% số kiến nghị xử lý tài chính trong 21 năm hoạt động của KTNN (184.486 tỷ đồng). Trong đó, chuyển 9 hồ sơ về 11 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp nhiều bộ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra, cơ quan nhà nước khác và ĐBQH để phục vụ kiểm tra, giám sát.
Nghe xong báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho hay ông cảm thấy “lo nhiều hơn mừng”. Mừng vì kiểm toán đã làm việc tích cực, nhưng lo nhiều hơn bởi nếu 5 năm sau lại phát hiện tăng hơn 5 trước thì quản lý tài chính công đi đến đâu? Nếu đánh giá đó chính xác thì quản lý tài chính công không tiến bộ vì để xảy ra tình trạng trên. "Làm sao để kiểm soát quản lý tài chính công chứ kết quả 5 năm mà bằng 55% của 21 năm thì lo quá "- ông Giàu bày tỏ.
Theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước, kiểm toán là vũ khí của Quốc hội để kiểm soát vấn đề tài chính quốc gia, ngân sách nhà nước, thu-chi tiêu như thế nào, tuy nhiên, ông Phước cũng băn khoăn về "hậu kiểm toán".
"Hàng năm kiểm toán kiến nghị thu hồi hàng nghìn tỷ đồng cho nhà nước nhưng xử lý được đến đâu, thu được bao nhiêu, số còn lại xử lý thế nào.. thì chưa rõ. Như vậy là chưa yên tâm, hậu kiểm toán làm chưa tốt vì tiền của nhà nước chính là tiền của nhân dân. Chúng ta đại diện cho nhà nước chính là đại diện cho nhân dân để kiểm soát lượng tiền thu chi này", ông Phước nêu quan điểm.
Cũng bày tỏ băn khoăn về "hậu kiểm toán", Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý đặt vấn đề: “Kết quả thực hiện kiến nghị của kiểm toán đến đâu thì chưa rõ? Trách nhiệm như thế nào? Luật Kiểm toán Nhà nước có quy định trách nhiệm đối với việc thực hiện kết luận của Kiểm toán nhà nước, quy định trách nhiệm của Chính phủ đôn đốc kiểm tra thực hiện kết luận của kiểm toán và trách nhiệm của UBND, các cơ quan tổ chức. Vậy không thực hiện kết luận của kiểm toán thì phải bị xử lý như thế nào?”.
"Tôi chưa thấy ai bị xử lý kỷ luật vì không thực hiện kết luận của kiểm toán. Quốc hội, Chính phủ cũng chưa xử lý kỷ luật ai không thực hiện theo kết luận của kiểm toán, ngay bản thân kiểm toán cũng chưa đề xuất kỷ luật được ai "- ông Lý nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Nguyễn Văn Hiện so sánh, các nước khác họ coi trọng thanh tra, kiểm toán lắm. Có tới 80-90% phát hiện tham nhũng là do kiểm toán, thanh tra. Vì tham nhũng tinh vi chỉ có cơ quan có trình độ chuyên môn mới phát hiện được. Còn ở ta thì ngược lại vì chủ yếu là do nhân dân và báo chí phát hiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận