Sau kết luận về việc ông Vương Tấn Việt đã sử dụng bằng cấp 3 bổ túc văn hóa không hợp pháp, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường đại học thu hồi các văn bằng đã cấp cho ông Việt.
Bộ GD&ĐT cho biết, ông Vương Tấn Việt đã thừa nhận sử dụng bằng cấp 3 bổ túc văn hóa không hợp pháp và cũng đã tự nguyện giao nộp các văn bằng để xử lý theo quy định.
Đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, trường đã nhận được công văn của Bộ GD&ĐT về việc thu hồi bằng cấp của ông Vương Tấn Việt. Hiện nhà trường đã tiến hành các thủ tục hủy kết quả đào tạo và thu hồi các văn bằng đã cấp.
Đồng thời, trường đã họp kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện các quy chế đào tạo để tiếp tục cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng đào tạo, tránh xảy ra các trường hợp tương tự.
Trong khi đó, việc thu hồi bằng cử nhân ngoại ngữ ngành tiếng Anh hệ đào tạo từ xa đã cấp cho ông Vương Tấn Việt cũng đang được trường Đại học Hà Nội hoàn thiện các thủ tục.
Ông Vương Tấn Việt (SN 1959) tốt nghiệp đại học ngành tiếng Anh năm 2001 tại Trường Đại học Ngoại ngữ - nay là Trường Đại học Hà Nội; tốt nghiệp đại học ngành Luật năm 2019 tại Trường Đại học Luật Hà Nội (văn bằng thứ 2 - vừa học vừa làm).
Ông Việt được công nhận tốt nghiệp và được cấp bằng cử nhân ngành Luật văn bằng 2 ngày 15/1/2019, xếp hạng loại giỏi.
Đến ngày 26/11/2019, ông Vương Tấn Việt trúng tuyển Nghiên cứu sinh khóa 25B (niên khóa 2019-2023) của Trường Đại học Luật Hà Nội.
Ngày 26/12/2019, học viên được công nhận nghiên cứu sinh. Đến ngày 9/12/2021, nghiên cứu sinh này bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường.
Tuy nhiên, cách đây 2 tháng, Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định, ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng tên ghi điểm tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3.
Trước đó, trao đổi với PV Báo Giao thông, LS Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm Thông tư 08/2021 của Bộ GD&ĐT quy định, người học sử dụng hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ giả làm điều kiện trúng tuyển hoặc điều kiện tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học; văn bằng tốt nghiệp nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ.
Cùng đó, căn cứ Điều 25 Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân (Quy chế) ban hành kèm theo Thông tư 21/2019 cũng quy định: Văn bằng, chứng chỉ bị thu hồi, hủy bỏ trong các trường hợp có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, thi cử, bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ; cấp cho người không đủ điều kiện; do người không có thẩm quyền cấp; bị tẩy xóa, sửa chữa; cho người khác sử dụng; do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ.
Cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ quy định tại Điều 15 của Quy chế này có trách nhiệm thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ đã sáp nhập, chia, tách, giải thể thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ là cơ quan đang quản lý sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định việc thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ trong các trường hợp khác.
Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ ra quyết định thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ. Nội dung của quyết định nêu rõ lý do thu hồi, hủy bỏ. Quyết định được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận