Với những màn trình diễn ấn tượng ở World Cup nữ 2023, Thủ môn Trần Thị Kim Thanh không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn nổi tiếng và truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ ở vùng quê Đức Hòa, Long An.
Tự hào khi con gái dự World Cup
Cha mẹ Kim Thanh cùng hàng xóm theo dõi trận đấu giữa tuyển nữ Việt Nam và Hà Lan ngày 1/8. Ảnh: Lê Lối.
Vượt quãng đường hơn 120km, PV Báo Giao thông tìm đến nhà của thủ môn đội tuyển nữ quốc gia Trần Thị Kim Thanh (ấp Chánh Hội, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, Long An) đúng lúc trận đấu tuyển nữ Hà Lan và Việt Nam tại bảng E World Cup nữ 2023 đang diễn ra.
Ngồi trước màn hình máy tính là cha, mẹ, em trai và một vài người hàng xóm của gia đình Kim Thanh. Ông Trần Văn Minh (57 tuổi, cha Kim Thanh) vui vẻ cho biết, nhà có cái tivi to nhưng không xem được các trận bóng đá nữ World Cup 2023 mà con gái và đồng đội đang thi đấu, vì tivi không nối cáp quang. Do vậy, cả nhà xúm nhau vào màn hình máy tính.
Mặc dù hơi bất tiện nhưng cả gia đình cùng bà con trong xóm ai cũng đều vui vẻ, hào hứng theo dõi. Ông Minh bảo, không riêng trận này, tất cả các trận mà tuyển nữ Việt Nam thi đấu từ đầu giải, nhà ông lúc nào cũng đông vui.
“Gia đình tự hào khi thấy con gái được dự World Cup, thi đấu với những đội bóng nổi tiếng thế giới. Có điều rất thương các con bởi người mình nhỏ xíu, họ thì lực lưỡng, va vào nhau là cầu thủ Việt Nam bật ra ngay, rồi ngã dúi dụi cũng có”, ông Minh chia sẻ.
Đang trao đổi rôm rả, ông Minh dừng lại và thốt lên đầy tiếc nuối: “Vào… rồi, trời ơi. Hà Lan mạnh quá!”.
Ngồi bên cạnh ông Minh, bà Dương Thị Phương (56 tuổi, mẹ của Kim Thanh) kể, từ khi World Cup nữ 2023 diễn ra, ngày nào có đội tuyển nữ Việt Nam thi đấu bà đều bắt con mở máy tính để xem.
“Sướng nhất là hôm gặp tuyển Mỹ. Khi Kim Thanh cản được quả penalty của đội tuyển Mỹ, cả nhà hét vang lên, tôi mừng mà rơi nước mắt”, bà Phương nhớ lại và cho biết, kết thúc trận đấu, Kim Thanh điện thoại liền về rất phấn khởi, dù thua nhưng cả đội vô cùng hào hứng.
Tại World Cup nữ 2023, thủ môn 29 tuổi là nhân tố nổi bật nhất của đội tuyển nữ Việt Nam. Sau khi gây ấn tượng bằng những pha cản phá ở trận đấu với đội tuyển Mỹ, cô tiếp tục thể hiện phong độ ấn tượng khi đội tuyển nữ Việt Nam chạm trán Bồ Đào Nha.
Cả hai trận đấu này cô đều nhận điểm cao, chỉ kém một vài cái tên đối thủ. Đặc biệt, cô nhận tới 8,3 điểm trong màn đọ sức với Bồ Đào Nha. Ở lượt đấu cuối, dù Việt Nam nhận 7 bàn thua trước Hà Lan nhưng Kim Thanh vẫn nhận điểm cao nhất trong số các cầu thủ đá chính.
Cơ duyên từ bàn tay to
Thủ môn Kim Thanh thi đấu tốt tại World Cup nữ 2023.
Trận đấu kết thúc, phóng viên tiếp tục trò chuyện cùng vợ chồng ông Minh. Đảo mắt qua một lượt, căn nhà vừa mới xây dựng xong cách đây ba năm rất khang trang, sạch đẹp. Bằng khen, huy chương… mà Kim Thanh có được treo ở nơi trang trọng nhất trong phòng khách.
Ông Minh chia sẻ, từ khi chơi bóng chuyên nghiệp, mỗi lần có tiền thưởng, con gái đều mang về hỗ trợ gia đình trang trải cuộc sống hàng ngày, giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ, nhất là việc xây dựng được căn nhà mới khoảng 200m2 khang trang.
“Mới đây, nhờ thành tích của Kim Thanh, ngân hàng cũng tài trợ cho gia đình sửa chữa lại căn nhà lá cũ, ọp ẹp hơn 100m2. Căn nhà này là nơi trú ngụ của cả gia đình tôi từ ngày xưa. Nếu con gái không đi đá bóng thì có lẽ giờ chúng tôi vẫn ở căn nhà ọp ẹp đó”, ông Minh cười nói.
Nói thêm về cô con gái nổi tiếng, bà Phương nhớ lại: “Hồi nhỏ Kim Thanh tính tình như con trai, rất hiếu động. Đặc biệt rất mê bóng đá giống ông nội và cha. Từ lúc còn đi học cấp tiểu học, cứ sau giờ học nếu không đi phụ mẹ nhặt đậu phộng thuê thì ra đá banh trên sân ruộng gần nhà cùng với nhóm bạn trong xóm”.
Thời điểm đó, gia đình ông bà còn khó khăn, chỉ có một công đất để trồng đậu phộng, năng suất rất thấp, ông Minh phải đi làm thợ hồ, mỗi ngày tiền công khoảng 50.000 đồng.
Mẹ nữ tuyển thủ đi nhặt đậu phộng thuê, hết mùa thu hoạch ai thuê mướn việc gì đi làm việc đó, tiền công khoảng 40.000-50.000 đồng/ngày. Cuộc sống vì thế thiếu trước hụt sau.
Năm 12 tuổi, Kim Thanh vào học lớp 6, trường cấp 2 ở gần nhà. Trong quá trình học môn thể dục, Kim Thanh được thầy giáo phát hiện có năng khiếu về bóng đá và sở hữu bàn tay to, nên giới thiệu lên TP.HCM để đào tạo.
Bà Phương kể, lúc cô con gái đòi nghỉ học lên TP.HCM tập bóng đá, bà không đồng ý vì con còn nhỏ quá, nhưng rồi cũng gật đầu vì chiều theo sở thích của con.
“Khi lên TP.HCM theo nghề bóng đá, cả ông bà nội, ngoại ai cũng ủng hộ. Riêng mẹ Kim Thanh không đồng ý. Bà cho rằng Kim Thanh là con gái, theo nghề bóng đá làm gì? Rồi phải đi xa nhà, xa gia đình, đêm hôm không ai chăm sóc, nhất là khi trái gió trở trời. Tội nó lắm”, ông Minh chia sẻ.
Vụt sáng sau sai lầm
Tại CLB TP.HCM I, cô gái Long An từng bước trưởng thành vượt bậc và nhanh chóng chiếm suất bắt chính trong khung gỗ cho CLB TP.HCM I. Năm 2014, ở tuổi 21, Kim Thanh được triệu tập lên đội tuyển nữ Việt Nam với vai trò dự bị cho Trần Thị Kiều Trinh.
Trong nhiều năm liền, cô chỉ là sự lựa chọn số 2 sau thủ môn Kiều Trinh và cũng cạnh tranh gắt gao với Khổng Thị Hằng. Phải mãi đến năm 2018, khi đàn chị Kiều Trinh chia tay đội tuyển, Kim Thanh mới được bắt chính. Tuy nhiên, trận ra mắt của thủ môn này lại là một kỷ niệm đáng quên.
Đó là trận bán kết AFF Cup 2018, trước đối thủ mạnh U20 Australia, đội tuyển nữ Việt Nam nhận thất bại 2-4. Tâm điểm là 2 lỗi cá nhân của thủ môn Kim Thanh.
“Thua trận đó Kim Thanh gọi điện về nhà, dằn vặt bản thân, khóc nhiều lắm. Một phần vì đã không hoàn thành trách nhiệm của một thủ môn với đội tuyển, phần khác cũng sợ sai lầm này sẽ làm bao nhiêu cố gắng trong suốt thời gian dài trước đó trở thành công cốc”, ông Minh kể mà nước mắt rơm rớm.
Nhưng, với bản lĩnh của mình, cô gái sinh năm 1993 đã đứng dậy sau vấp ngã và cho thấy sự ổn định, chắc chắn đáng tin cậy. Giai đoạn cô trấn giữ khung thành cũng là giai đoạn đội tuyển nữ Việt Nam đã trải qua những ngày tháng đẹp nhất từ trước tới nay.
Bà Phương kể, thường sau mỗi giải đấu Thanh vẫn về nhà nghỉ khoảng 10 ngày trước khi trở lại tập luyện. Mỗi lần về nhà cô lại xắn tay áo, mặc quần soóc phụ mẹ việc đồng áng như ngày còn ở nhà.
Kim Thanh mang đến những màn trình diễn cực kỳ ấn tượng ở 3 kỳ SEA Games liên tiếp 30, 31 và 32 để giúp đội tuyển Việt Nam ẵm trọn 3 HCV và giữ vị trí độc tôn ở Đông Nam Á.
Không những thế, thành tích cứu thua nhiều nhất Asian Cup nữ 2022 chính là điểm tựa vững chắc để Việt Nam tiến đến World Cup lần đầu tiên trong lịch sử.
Ở cấp độ CLB, Kim Thanh cùng Huỳnh Như, Thùy Trang, Chương Thị Kiều góp sức, đưa CLB TP.HCM đứng trên đỉnh cao của bóng đá Việt Nam trong nhiều năm liền. Kim Thanh có tổng cộng 7 danh hiệu vô địch Quốc gia, 3 cúp Quốc gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận