Đời sống

Thu nhập bình quân tháng của người lao động đã tăng 1 triệu đồng

12/04/2022, 11:24

Trong quý I năm 2022, lực lượng lao động phục hồi ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 không ngừng gia tăng.

Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố tình hình lao động việc làm quý I/2022. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm, thu nhập tăng, bất chấp số ca nhiễm dịch Covid-19 ngày càng tăng.

Cụ thể, trong quý I/2022, cả nước còn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhưng con số này đã giảm mạnh so với quý trước (giảm 7,8 triệu người). Trong đó, có 0,9 triệu người mất việc, chiếm 1,2%; 5,1 triệu người phải ngừng sản xuất/tạm nghỉ chiếm 6,7%; 5,7 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải ngừng giảm việc chiếm 7,6% và 13,7 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 18,3%.

img

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý I/2022 giảm 135,2 nghìn người so với quý trước. Ảnh. TN

Tình trạng thiếu việc làm đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt ở khu vực dịch vụ. Tỷ lệ thiếu việc làm giảm mạnh và đang dần trở lại trạng thái như đã quan sát được ở thời kỳ trước khi đại dịch xảy ra.

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý I/2022 khoảng 1,3 triệu người, giảm 135,2 nghìn người so với quý trước, nhưng tăng 357,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I năm 2022 là 3,01%, giảm 0,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,81 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn.

Về thu nhập, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 6,4 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, ở quý III/2021, mức thu nhập bình quân của người lao động là 5,2 triệu đồng, là mức sụt giảm nghiêm trọng.

img

Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo quý, giai đoạn 2020 - 2022

So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của người lao động tăng khoảng gần 2%, tăng tương ứng khoảng 110 nghìn đồng và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng tăng 216 nghìn đồng/người/tháng.

Tổng Cục thống kê đánh giá, kết quả này nhờ sự nỗ lực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP, cùng các chính sách nới lỏng giãn cách xã hội và hoàn thành tiêm vắc xin trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Điều đó tạo điều kiện cho thị trường lao động dần đạt được mức tăng trưởng của thời kỳ trước khi chưa xuất hiện đại dịch.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ thống kê Dân số và Lao động (Tổng Cục Thống kê), số người có việc làm tăng nhanh nhưng tăng nhiều ở lao động phi chính thức. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Lao động tự sản tự tiêu giảm nhưng vẫn chưa trở về trạng thái bình thường ban đầu khi chưa xảy ra đại dịch.

“Dù có nhiều khởi sắc nhưng thị trường lao động Việt Nam vẫn tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững”, ông Nam nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.