Trạm thu phí không dừng thí điểm trên QL1 qua Quảng Bình - Ảnh: Ngọc Anh |
Sử dụng công nghệ thu phí không dừng sẽ tiết kiệm thời gian lưu thông, chi phí vận hành, tránh thất thoát và nhiều lợi ích khác. Bộ GTVT đang xây dựng Tờ trình Chính phủ để hướng tới việc áp dụng công nghệ này tại tất cả các trạm thu phí đường bộ.
Vì sự hài lòng của người tham gia giao thông
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, trên các quốc lộ hiện có nhiều trạm thu phí. Việc sử dụng công nghệ thu phí một dừng như hiện nay gây ách tắc giao thông, đồng thời phải huy động một lượng lớn nhân viên, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của các đơn vị. Vì vậy, Bộ GTVT đã lựa chọn công nghệ thu phí không dừng để tiếp cận công nghệ tốt nhất hiện có.
Cũng theo Thứ trưởng Trường, công nghệ thu phí không dừng là công nghệ hiện đại, đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Qua thời gian nghiên cứu, tham khảo nhiều công nghệ khác nhau, Bộ GTVT đã quyết định chọn công nghệ thu phí RFID của Mỹ, là công nghệ thu phí không dừng hiện đại nhất hiện nay và đang được thực hiện rất thành công ở Đài Loan. Bước đầu, Bộ GTVT sẽ cho tiến hành thử nghiệm tại ba trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh gồm: Hoàng Mai (Nghệ An); Trạm Km 604+700 QL1 (Quảng Bình) và Trạm Km 1813+650 đường Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ sẽ chỉ đạo lần lượt áp dụng công nghệ thu phí này cho tất cả các tuyến đường bộ, bao gồm cả hệ thống đường cao tốc.
Về lợi ích của người tham gia giao thông, việc thu phí không dừng theo công nghệ mới không những không làm tăng mức phí sử dụng đường bộ mà còn giúp hành trình không bị gián đoạn, rút ngắn thời gian khi qua các trạm. Thu phí mà không phải dừng xe cũng khiến người tham gia giao thông không còn phải chịu cảnh xếp hàng, chen lấn trước các trạm thu phí.
Đối với nhiều doanh nghiệp vận tải, việc kiểm soát tiền phí sử dụng đường bộ vốn rất khó do không thể biết chính xác chuyến xe đi qua bao nhiêu trạm mà chỉ căn cứ vào sự thành thực của lái xe. Vì thế, việc trả phí qua tài khoản sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát được việc này…
Thu phí không dừng đã được thí điểm tại ba trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh |
Khi nào áp dụng đại trà?
Để thực hiện việc thu phí không dừng, Bộ GTVT đang tiến hành xây dựng Tờ trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định về việc thu phí đường bộ theo hình thức tự động không dừng. Về nguyên tắc chuyển đổi sang việc thu phí từ bằng tay sang hình thức tự động không dừng phải bảo đảm không làm tăng mức phí sử dụng đường bộ mà chủ phương tiện phải trả, bảo đảm quyền thụ hưởng phí của các chủ đầu tư và hỗ trợ việc quản lý nhà nước về giao thông.
Sau khi nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và các điều kiện thực tiễn của Việt Nam, Bộ GTVT dự kiến sẽ lựa chọn mô hình thu phí tự động không dừng chung, thống nhất cho tất cả các phương tiện giao thông thuộc diện chịu phí và các trạm thu phí trên toàn quốc.
Theo ước tính, mỗi lần dừng xe nộp phí thủ công sẽ làm chậm hành trình của các phương tiện từ 2 - 3 phút, tăng thời gian lưu thông từ 4 - 5% và tiêu tốn thêm 7 - 8% nhiên liệu khi lưu thông trên đường cao tốc. Tuy nhiên, nếu thu phí không dừng sẽ tiết kiệm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỷ đồng/năm, tiết kiệm nhiên liệu 233 tỷ đồng/năm, giảm thời gian tham gia giao thông khoảng 2.800 tỷ đồng/năm, tiết kiệm chi phí quản lý giao thông do phải thực hiện công tác cân tải trọng xe, đăng ký xe, truy tìm xe gây tai nạn khoảng 360 tỷ đồng. |
Qua phân tích cho thấy, hiện có ba mô hình thu phí tự động không dừng trên thế giới. Theo đó, một số nước áp dụng mô hình mỗi trạm thu phí (hoặc mỗi chủ đầu tư) sẽ tiến hành lắp đặt thiết bị đầu cuối (là thiết bị được gắn trên phương tiện giao thông để giao tiếp thông tin với trung tâm dữ liệu) riêng cho từng phương tiện có nhu cầu. Việc điều hành, quản lý tài khoản và thu phí được thực hiện theo từng trạm thu phí, hoặc của nhiều trạm thu phí chung một chủ đầu tư (mô hình 1).
Bên cạnh đó, một số nước lại áp dụng mô hình thiết bị đầu cuối được lắp đặt chung cho tất cả các phương tiện trên cả nước. Mỗi chủ đầu tư sẽ được cấp dữ liệu về mã số của thiết bị đầu cuối và sử dụng chúng để điều hành, quản lý tài khoản và thu phí cho mỗi trạm của mình (mô hình 2).
Tuy nhiên, qua phân tích, hai phương án trên có nhược điểm là sẽ gây phức tạp và lãng phí không cần thiết. Ví dụ, nếu áp dụng mô hình 2, một xe ô tô khách chạy tuyến Hà Nội-TP Hồ Chí Minh sẽ phải mở từ 10-40 tài khoản tại các chủ đầu tư khác nhau. Hơn nữa, việc áp dụng hai mô hình này sẽ gây khó khăn cho tích hợp các chức năng quản lý nhà nước về giao thông như cân tải trọng xe, truy tìm xe gây tai nạn.
Từ nhận định trên, Bộ GTVT đề xuất lựa chọn phương án lắp đặt thiết bị đầu cuối chung cho tất cả các phương tiện trên cả nước. Việc điều hành, quản lý tài khoản và thu phí sẽ được tiến hành chung thông qua một hệ thống điều hành và cơ sở dữ liệu trung tâm.
Về lộ trình thực hiện, theo dự thảo Đề án sẽ không quy định thời hạn cuối cùng chủ phương tiện phải thực hiện gắn thiết bị. Như vậy, việc gắn thiết bị sẽ kéo dài ít nhất 30 tháng theo định kỳ đăng kiểm. Trong thời gian này, vẫn duy trì hình thức thu phí bằng tiền mặt.
Về vấn đề này, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) - đơn vị chủ trì xây dựng Tờ trình cho biết: “Trước mắt sẽ vẫn duy trì song song hai hình thức thu phí thủ công đang hoạt động và các trạm mới chuyển sang thu phí tự động. Đây là biện pháp nhằm chuyển đổi một cách dần dần để các đơn vị chuyển đổi công nghệ và để cho người lái xe tiếp cận dần với công nghệ mới”.
Tài khoản hết tiền sẽ được ghi nợ
Trong thực tế thu phí tự động sẽ phát sinh trường hợp phương tiện chạy thẳng qua trạm mà chưa có thiết bị đầu cuối hoặc tài khoản không đủ để trả phí. Liên quan đến tình huống này hiện đang có hai quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng, quan hệ giữa chủ phương tiện và đơn vị cung cấp dịch vụ chỉ là quan hệ dân sự. Việc trốn nộp phí chỉ là hành vi gây thiệt hại của một bên trong quan hệ dân sự. Do đó, việc truy thu phí là nghĩa vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ, các cơ quan hành chính Nhà nước không can thiệp.
Ý kiến khác lại cho rằng, các dự án hợp tác công tư là việc Nhà nước nhượng quyền thu phí cho một chủ thể khác nên về bản chất, việc trốn phí vẫn là trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước và các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ thu hồi khoản phí này.
Về vấn đề này, dự thảo Tờ trình của Bộ GTVT cho rằng, phương án 2 phù hợp hơn về bản chất và cũng có tác dụng điều chỉnh hành vi của chủ phương tiện tốt hơn. Hiện nay, Điều 24 của Nghị định 109 năm 2013 đã quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn cũng đã quy định về việc xử lý đối với hành vi gian lận, trốn nộp phí, lệ phí theo quy định.
Trao đổi với Báo Giao thông về việc xử lý hành vi trốn phí, bà Trịnh Thị Hằng Nga cho biết, hành vi trốn phí ở đây được hiểu là các xe có gắn thiết bị đầu cuối chạy qua nhưng tài khoản hết tiền mà chưa nạp kịp thì sau một thời gian nhất định, thiết bị sẽ tính là xe nợ tiền và sẽ thông báo đến chủ phương tiện để nạp tiền. Trong thời gian nhất định, nếu chủ phương tiện không hoàn tiền phí thì sẽ có thông báo đến cơ quan có thẩm quyền để tiến hành xử phạt chứ không phải các trường hợp không gắn thẻ hay không nạp tài khoản mà xử phạt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận