Việc đẩy nhanh tiến độ để lượng phương tiện dán thẻ đạt 90% vào tháng 6 theo yêu cầu của Chính phủ đang được gấp rút tiến hành.
Tỷ lệ dán thẻ và nạp tiền sử dụng dịch vụ thấp khiến lực lượng chức năng căng mình phân luồng tại các làn thu phí thủ công mỗi dịp cao điểm lễ, Tết
Lượng phương tiện dán thẻ tăng chậm
Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ, môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, sau 6 năm triển khai, hiện có khoảng 2,7 triệu trên tổng số gần 5 triệu phương tiện được dán thẻ thu phí không dừng.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, các nhà cung cấp dịch vụ mới dán thêm thẻ cho khoảng 200.000 xe.
“Mặc dù các cơ quan quản lý và nhà cung cấp dịch vụ đã nỗ lực hoàn thiện hạ tầng, đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ người dùng xong tốc độ dán thẻ vẫn rất chậm. Chưa kể, chỉ có 60% đã nạp tiền vào tài khoản”, ông Toàn nói và cho rằng, phương tiện dù đã dán thẻ mà không nạp tiền để sử dụng dịch vụ thì thu phí tự động cũng sẽ không phát huy hiệu quả.
Góp ý về việc thu hút người dân dán thẻ, ông Nguyễn Mạnh Thắng, quản trị Diễn đàn Oto+ cho rằng, các nhà cung cấp dịch vụ cần có chính sách khuyến mại.
Chẳng hạn chủ phương tiện nào dùng dịch vụ với số tiền lớn trong 1 tháng sẽ được giảm phí hay tặng thêm các chi phí gia tăng khác.
“Nhà nước có thể chọn một số tuyến đường có lưu lượng lớn và công bố cho người dân biết sẽ chỉ thu phí không dừng, như sắp triển khai tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Khi đó, chủ phương tiện muốn đi sẽ buộc phải dán thẻ”, ông Thắng đề xuất.
Dẫn thực tế mà nhiều thành viên Diễn đàn Oto+ đã phản ánh, ông Thắng cho hay, nhiều chủ xe dán thẻ của nhà cung cấp dịch vụ này nhưng lại không qua được trạm do nhà cung cấp kia quản lý.
Quy trình nạp tiền cũng mất nhiều bước. Khi muốn chuyển tiền vào tài khoản giao thông để sử dụng dịch vụ ETC, người dùng bị rối khi không nhớ hết các ví điện tử của nhà cung cấp dịch vụ.
“Nếu người dùng chỉ cần tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng để trả phí qua trạm, thay vì phải có tài khoản trung gian là tài khoản giao thông sẽ thuận tiện hơn”, ông Thắng góp ý.
Trong khi đó, ông Tô Nam Toàn thông tin, để khuyến khích người dân sử dụng, Tổng cục Đường bộ VN từng nhiều lần đề xuất các giải pháp như giảm phí qua trạm, mở các chiến dịch khuyến mại, qua đó tạo thói quen cho người dùng.
“Tuy nhiên, các chính sách đó đều không thực hiện được. Đa phần các dự án ở Việt Nam được đầu tư theo hình thức BOT. Quy trình đàm phán giữa các bên thường rất khó khăn và thời gian kéo dài do gặp phải phản ứng của các nhà đầu tư BOT, ngân hàng tài trợ vốn. Lý do được đưa ra là dự án đang bị sụt giảm doanh thu, ảnh hưởng đến phương án chính”, ông Toàn cho hay.
Đến tháng 6 sẽ hoàn thành dự án của VEC
Mới có 2,7 triệu trên tổng số gần 5 triệu phương tiện dán thẻ thu phí không dừng - ETC
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo dán thẻ định danh đối với toàn bộ phương tiện xe ô tô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị để sử dụng dịch vụ thu phí ETC, không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1/6/2022.
Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu đến tháng 6/2022 có 90% phương tiện được dán thẻ ETC.
Cuối tháng 3 này, Tổng cục Đường bộ VN sẽ trình Bộ GTVT phương án tổ chức giao thông, phương án xử lý tình huống trong quá trình thí điểm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ có thu phí không dừng.
Khi hoàn thiện thí điểm, các tuyến cao tốc do VEC quản lý cũng sẽ chỉ có thu phí không dừng. Tới đây, khi sửa đổi Luật GTĐB sẽ bổ sung quy định xe chạy trên cao tốc phải dán thẻ thu phí không dừng.
Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ, môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ VN)
Ông Tô Nam Toàn cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Đường bộ VN đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ bố trí các điểm dán thẻ ở 63 tỉnh, thành phố, tạo thuận tiện cho người dân dán thẻ.
Các dịch vụ như nạp tiền vào tài khoản giao thông đã có nhiều tiện ích, đa dạng các kênh nạp tiền qua ví điện tử, qua ngân hàng. Đồng thời, Tổng cục Đường bộ VN cũng đang tập trung rà soát, hạn chế tối đa việc xảy ra lỗi trong quá trình vận hành hệ thống.
Tính đến thời điểm hiện tại, trừ các dự án của Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC), đã có 112 trạm thu phí trên toàn quốc được lắp đặt hệ thống thu phí không dừng.
Trong đó, Bộ GTVT quản lý 69 trạm, đã lắp đặt 351 làn, còn phải lắp 69 làn; địa phương quản lý 43 trạm, đã lắp 189 làn, còn phải lắp 62 làn. Tổng cục Đường bộ VN đang chỉ đạo nhà đầu tư BOT đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành trong tháng 6.
Về các dự án của VEC, ông Toàn cho hay, hiện VEC quản lý 4 dự án đường cao tốc là: Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành. Trong đó, mới có cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được lắp đặt 15 làn thu phí không dừng, vận hành từ năm 2020.
“Vướng mắc về nguồn vốn triển khai thu phí không dừng các dự án của VEC đã được Thủ tướng tháo gỡ bằng việc cho phép dùng nguồn từ chi phí tổ chức thu phí hàng năm của VEC. Hiện, Bộ GTVT đang phối hợp với Ủy ban Quan lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VEC hoàn thiện các thủ tục để triển khai”, ông Toàn cho hay.
Về phía VEC, Tổng giám đốc Phạm Hồng Quang khẳng định: “Chúng tôi đã lập xong kế hoạch và lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, Hội đồng thành viên đã thông qua.
Hiện, VEC đang chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, đến đầu tháng 4 này có thể công bố mời thầu. Dự kiến, ngày 30/6 sẽ hoàn thành thành lắp đặt theo chỉ đạo của Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận