Vận tải

Thu phí nền tảng, Grab xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng

07/10/2020, 06:40

Chỉ lái xe biết và Grab giao cho lái xe thu phí nền tảng của khách hàng thì đây đúng là hành vi lặng lẽ “móc túi” khách hàng...

img
Một tài xế Grab cho biết, phí nền tảng chỉ được hiện trên ứng dụng của tài xế mà không thể hiện trên ứng dụng của hành khách

Báo Giao thông số ra ngày 5/10 đăng bài “Grab, be âm thầm “móc túi” khách hàng”, phản ánh việc một số hãng xe công nghệ trong đó có Grab thu phí nền tảng 2.000 đồng cho mỗi chuyến xe, cùng với giá cước tính theo km di chuyển.

Ngay sau khi bài viết được đăng tải, Báo đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ các tài xế, chuyên gia và chính đại diện Grab.

Cơ quan quản lý cần vào cuộc

Từ những thông tin trong bài viết trên Báo Giao thông, ông Vũ Văn Trung, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: “Trước hết, cần khẳng định việc thu này là vi phạm.

Vi phạm ở chỗ, theo Luật Giá, nếu thêm quy định về giá thì cần thông báo công khai, nếu không, sẽ bị coi là một loại lạm thu trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng”.

Theo ông Trung, chiếu theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hành vi che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ là một trong các hành vi bị cấm.

“Khi đưa ra thêm khoản thu phí nào thì Grab cần công khai rộng rãi cho tất cả khách hàng biết. Nếu khách hàng biết có thêm loại phí mà vẫn chọn dịch vụ của Grab thì họ đã chấp nhận trả tiền thêm cho chuyến đi của mình. Đằng này, chỉ lái xe biết và Grab giao cho lái xe thu phí nền tảng của khách hàng thì đây đúng là hành vi lặng lẽ “móc túi” khách hàng”, ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, nếu Grab thu phí nền tảng với lý do như họ đã nêu là mập mờ, thiếu thuyết phục, thậm chí đây còn được xem là hành vi gian dối.

Đưa ra cách xử lý, ông Trung chia sẻ, với hành vi trên, ước tính con số thu về của Grab lên đến hàng tỷ đồng mỗi ngày. Vậy,trước hết, các cơ quan quản lý có liên quan cần phải vào cuộc ngay để thanh tra, xử lý nhằm tránh việc thất thu thuế cho Nhà nước.

“Còn việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì những khách hàng sử dụng nhiều lần dịch vụ Grab, nếu có đầy đủ các chứng cứ về các chuyến đi, khách hàng có quyền yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết.

Thậm chí, khách hàng hoàn toàn có thể tự khởi kiện đòi lại tiền. Các Hội Bảo vệ người tiêu dùng trên cả nước cũng đều có quyền đứng ra khởi kiện Grab vì lợi ích công cộng.

Ngoài ra, vì vi phạm của Grab diễn ra trên khắp các tỉnh, thành phố, nên Grab có thể bị Bộ Công thương xử lý vi phạm và công bố công khai là tổ chức kinh doanh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong 30 ngày theo Nghị định 99/2011”, ông Trung cho biết.

Qua đây, ông Trung cũng muốn nhắn nhủ đến người tiêu dùng rằng: Khi lợi ích bị xâm phạm, người tiêu dùng hãy mạnh dạn lên tiếng vì quyền lợi của chính mình và vì quyền lợi của đông đảo người tiêu dùng khác trên cả nước, nhất là khi việc sử dụng taxi công nghệ ngày càng chiếm ưu thế.

Trước đó, luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, việc các hãng xe công nghệ âm thầm thu phí nền tảng là sai quy định, bởi theo Luật Giá thì phải công khai giá, công khai mức giá để quản lý doanh thu và thuế.

Khách hàng: “Tôi không hề nhận được thông báo”

Sau khi báo đăng, đại diện Công ty TNHH Grab Việt Nam đã có văn bản gửi tới Báo Giao thông phản hồi một số thông tin.

Theo văn bản này, trước khi triển khai thu phí nền tảng, Grab đã có thông báo đến đối tác tài xế và hành khách thông qua tin nhắn trên ứng dụng Grab.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, việc thông báo chỉ được Grab thông tin trên trang web của mình chứ không thông qua tin nhắn trên ứng dụng để hành khách được biết.

Chị Lê Thị Hương (trú quận Thanh Xuân, Hà Nội), một khách hàng thường xuyên sử dụng ứng dụng gọi xe của Grab cho biết: “Chỉ đến khi đọc bài trên Báo Giao thông thì tôi mới biết Grab thu phí nền tảng 2.000 đồng cho mỗi cuốc xe.

Tôi thường xuyên đi xe, như vậy số tiền bị thu phí cộng lại cũng không hề nhỏ. Nếu Grab thông báo thu phí qua tin nhắn trên ứng dụng thì tôi đã biết, còn họ thông báo trên webssite của họ thì ai vào đó làm gì để mà biết được?”.

Vẫn theo văn bản phản hồi của Grab, phí nền tảng được xem là phụ phí và triển khai phí nền tảng không phải là tăng giá cước vì Grab không quyết định giá cước.

“Nghị định 86 trước đây và Nghị định 10 hiện nay, cũng như các quy định pháp luật hiện hành không cấm các nền tảng như Grab thu phụ phí”, văn bản nêu.

Liên quan đến khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của đối tác tài xế, đại diện Grab cho biết, việc này được thực hiện theo yêu cầu về việc thu hộ thuế của cơ quan thuế, Grab không tự ý triển khai việc thu hộ thuế này nếu không có yêu cầu từ cơ quan thuế. Phần thuế này sẽ được nộp về cho cơ quan thuế.

Đề cập đến việc nạp tiền vào ví để duy trì hoạt động của tài xế, vị đại diện này cho rằng, đây là một yêu cầu cần thiết, đảm bảo số dư trong ví tài xế luôn lớn hơn 0. Số tiền này vẫn là số tiền của đối tác tài xế và đối tác hoàn toàn có thể rút ra, nạp vào ví, không có chuyện yêu cầu đối tác nạp 500.000 đồng vào rồi chiếm dụng số tiền này.

Liên quan đến câu hỏi, Grab cũng như các hãng công nghệ khác sẽ hạch toán số tiền phí nền tảng thu được của khách hàng thế nào, văn bản của Grab nêu, thực tế từ khi triển khai phí nền tảng, nhiều quyền lợi đã được triển khai thêm cho đối tác tài xế.

Chẳng hạn như các chính sách hỗ trợ đối tác trong suốt mùa dịch Covid-19, bao gồm cả hỗ trợ tài chính nếu phải cách ly theo yêu cầu cơ quan y tế; triển khai phun khử khuẩn miễn phí; phát các bộ dụng cụ an toàn cho đối tác tài xế.

Hơn thế nữa, phí nền tảng này còn được tái đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng mức bảo hiểm tai nạn dành cho cả đối tác tài xế và hành khách.

Tài xế khẳng định không nhận được hỗ trợ

Để kiểm chứng các phản hồi nói trên, PV tiếp tục tìm hiểu thông tin từ các tài xế. Tài xế GrabCar Nguyễn Khắc Hiến, điều khiển xe BKS 30A-511.xx chia sẻ, trong hai đợt dịch, tài xế taxi được hỗ trợ giảm tiền đàm nhưng những tài xế như anh vẫn phải nộp đủ mức chiết khấu là 28,3%, đến nay cũng không nhận được bất kỳ chế độ hỗ trợ nào từ Grab.

“Ngay thời điểm có dịch, hỗ trợ của Grab chỉ là một chai nước xịt khuẩn, vài chiếc khẩu trang và 1 thùng mì tôm, nhưng tôi không đi nhận vì phải di chuyển quãng đường xa và muốn nhận phải làm nhiều thủ tục.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chưa nhận được thông báo nào từ Grab về việc nâng mức bảo hiểm tai nạn cho tài xế. Mức chiết khấu cao, lượng khách ít, thu nhập giảm sút nên nhiều tài xế đã phải bán xe”, anh Hiến chia sẻ.

Đề cập đến việc phải duy trì một số tiền nhất định trong tài khoản để Grab trừ chiết khấu, anh Hiến cho biết, đây là số tiền tài xế lúc nào cũng phải duy trì trong tài khoản, nếu còn muốn chạy xe.

Về lý thuyết, tài xế có thể rút số tiền này ra nhưng nếu rút sẽ không còn tiền trong tài khoản để Grab trừ và sẽ không được nhận cuốc.

Khẳng định đến thời điểm này không nhận được thêm bất kỳ quyền lợi nào từ Grab, tài xế GrabCar Hoàng Thành Nghĩa, điều khiển xe BKS 30F-890.xx cho biết, hơn 1 năm nay, việc chạy xe rất phập phù vì ít khách, doanh thu chỉ đủ duy trì trả lãi ngân hàng. “Tuy Grab có chế độ thưởng nhưng rất khó đạt được.

Theo quy định nếu chạy được 450 cuốc/tháng sẽ được Grab chuyển lại 4% doanh thu, đạt mức 2 là 350 cuốc/tháng sẽ được 3% doanh thu và quyền ưu tiên nhận cuốc.

Tuy nhiên, để đạt được con số này, tài xế phải làm việc liên tục 16 tiếng/ngày. Trong hoàn cảnh khách ít như hiện nay rất khó đạt được con số này”, anh Nghĩa nói.

Đề cập đến các ứng dụng gọi xe thu phí nền tảng của hành khách, anh Nghĩa cho rằng, không nên bắt khách hàng phải chịu khoản phí này. Lẽ ra, Grab nên trích từ khoản chiết khấu 28,3% của tài xế để trả phí nền tảng cho nhà cung cấp dịch vụ GoogleMap.

Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, giá cước taxi theo km lăn bánh đã bao gồm các chi phí vận tải như: Giá xăng, thuê tần số đàm, duy trì hệ thống tổng đài, chi phí sửa chữa, lương, các loại bảo hiểm, khám sức khỏe cho lái xe, thuế…

Tương tự, ứng dụng kết nối của các đơn vị cung cấp phần mềm cũng nằm trong chi phí vận tải giống như đàm của taxi. Hơn nữa, theo Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, các hãng cung cấp ứng dụng là đơn vị kinh doanh vận tải nên không được thu thêm các khoản phí phụ trội.

Ông Hùng đặt vấn đề, khi tính tiền trên App (ứng dụng) phải dựa trên km lăn bánh, vậy giá cước km lăn bánh của Grab căn cứ trên cơ sở nào, dựa vào đâu?

Bản thân Grab hay các hãng ứng dụng gọi xe không đầu tư phương tiện mà chỉ đầu tư nền tảng công nghệ để kết nối thì lấy cơ sở nào, tính toán giá thành ra sao để thu 28,3% của tài xế? Trong khi đó, chủ phương tiện ngoài chịu 28,3% còn phải chịu thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT.

Đề cập đến thu phí nền tảng, ông Hùng cho rằng, Grab đã thu của tài xế 28,3% rồi lại thu tiếp của khách hàng 2.000 đồng phí nền tảng trên mỗi chuyến xe là điều vô lý. Nếu như taxi mà thu thêm phí khấu hao xe 2.000/cuốc hay phí tiền đàm sẽ ngay lập tức gặp phản ứng của khách hàng.

“Việc thu thêm loại phí này là không được phép và không công bằng với khách hàng. Đối với taxi kể cả tính tiền bằng phần mềm vẫn phải đăng ký kê khai giá cước”, ông Hùng nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) lại cho rằng, “phụ phí không phụ thuộc vào Luật Giá” và “theo quy định của Nghị định 10 là thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT, do đó Bộ GTVT sẽ quản lý lại phụ phí này.

Tuy nhiên, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, theo quy định của Nghị định 10/2020, Bộ GTVT chỉ quản lý các nội dung liên quan đến vận tải. Nghị định 10/2020 cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành, chẳng hạn liên quan đến thuế, giá cước thuộc Bộ Tài chính, liên quan đến y tế là Bộ Y tế, phòng cháy chữa cháy thuộc Bộ Công an.

“Bộ GTVT chỉ thanh, kiểm tra các hoạt động liên quan đến vận tải”, ông Ngọc khẳng định.

Nếu chỉ đơn thuần là đơn vị cung ứng phần mềm thì sẽ không quyết định giá cước hoặc không điều hành lái xe. Khi đó, các ứng dụng gọi xe sẽ được quản lý bằng các quy định liên quan đến thương mại điện tử.

Ngược lại, nếu đơn vị cung cấp phần mềm gọi xe làm các công việc trên thì đó chính là đơn vị kinh doanh vận tải và phải được cấp phép. Hiện, có một số doanh nghiệp cung cấp ứng dụng đăng ký kinh doanh vận tải, trong đó có Grab.

Liên quan về vấn đề nộp thuế cho khoản thu phí nền tảng, nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, cơ quan thuế không cần biết phí nền tảng mà Grab thu là gì, mà chỉ quan tâm đến tổng doanh thu của Grab.

Phía đơn vị hạch toán thuế, Cục Thuế tỉnh tại nơi DN đăng ký kinh doanh sẽ chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra. Khoản thu phí nền tảng của Grab có đúng hay không thì cơ quan thuế không kiểm soát. Nhưng nếu thu dù để làm gì thì người nộp thuế cũng phải xuất hóa đơn, nộp thuế, hạch toán doanh thu, lợi nhuận cho khoản thu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.