Kẹt xe trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.10, TP.HCM - Ảnh: Đỗ Loan |
Sở, ngành chưa đồng thuận
Ngày 17/10, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố mới chỉ là đề xuất từ phía doanh nghiệp. Hiện, Sở GTVT đang tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp, phản biện của các sở ngành, nhà khoa học, người dân. “Nếu không có gì thay đổi, trong tháng 11 tới, Sở sẽ họp lấy ý kiến góp ý của Mặt trận Tổ quốc, cũng như tiếp thu ý kiến của các bên liên quan sao cho phù hợp nhất với thực tế, sau đó mới trình UBND TP”, ông Cường nói.
Theo đề xuất của Công ty CP Công nghệ Tiên Phong, nếu được thông qua, thời gian thu phí hàng ngày từ 6h-19h. Mức thu 40.000 đồng đối với ôtô cá nhân, 30.000 đồng đối với taxi (có đăng ký tại TP HCM) và 50.000 đồng đối với xe tải và xe buýt thương mại (kể cả xe biển xanh). Không thu phí đối với chiều xe ra. Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, việc thu phí chống ùn tắc chưa có trong các quy định pháp luật hiện nay. Tuy nhiên, lãnh đạo TP HCM đã kiến nghị Trung ương cho phép áp dụng cơ chế đặc thù. Kinh phí từ thu phí này sẽ do thành phố quản lý. Sau đó, đầu tư vào các tuyến đường hư hỏng trên địa bàn. Đề án dự kiến sẽ triển khai trong năm 2020 cùng đồng bộ với tuyến metro số 1. |
Ông Bùi Xuân Cường cũng khẳng định, đề án thu phí ô tô vào trung tâm TP là một trong các giải pháp nằm trong gói tổng thể chương trình giảm ùn tắc. “Giải pháp này không nhằm tăng nguồn thu cho TP mà để kiểm soát nhu cầu cá nhân, giảm ùn tắc”, ông Cường nhấn mạnh.
Trước đó, tại cuộc họp lấy ý kiến của các sở ngành thành phố, có khá nhiều ý kiến e ngại về tính khả thi của đề án, đồng thời đặt ra nhiều việc cần giải quyết nếu đề án được thông qua. Đại diện Sở Tư pháp TP.HCM cho rằng, đây là dự án thu phí không có trong luật phí, lệ phí của Nhà nước. Do vậy, đề nghị nhà đầu tư cần làm rõ nguồn thu phí như thế nào? Các xe không chịu nộp phí thì xử lý làm sao bởi pháp luật hiện tại không cho phép lực lượng CSGT, TTGT xử phạt mà chỉ thanh tra hành chính mới đủ thẩm quyền.
Phía Sở Tài chính cho rằng, dự án thu phí chống ùn tắc trong nội đô nhưng nhà đầu tư liệu cần xem xét có gây áp lực ùn tắc bên ngoài vành đai không? Cơ sở nào để nhà đầu tư đưa ra mức phí 30.000 - 50.000 đồng/lượt?
Ông Phan Ngọc Hưng, đại diện Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67 Công an TP.HCM) nhận định: Nếu người dân né các tuyến vành đai thì giao thông ở bên ngoài vành đai sẽ tê liệt. Các xe đỗ bên ngoài chờ qua giờ thu phí mới chạy vào đường trung tâm thì kẹt xe còn nghiêm trọng hơn.
Kẹt xe trầm trọng trên tuyến đường Mai Chí Thọ (giáp Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định) hướng vào đường Võ Văn Kiệt, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Đỗ Loan |
Có giảm kẹt xe?
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô khách TP.HCM băn khoăn, thu phí ô tô vào trung tâm có thể góp phần giảm ùn tắc ở nội thị nhưng nhà đầu tư có đảm bảo sẽ giảm kẹt xe hay không? Thu phí rồi nhưng tình trạng kẹt xe không giảm, ai sẽ chịu trách nhiệm?
“Chúng tôi ủng hộ đề án này tuy nhiên, việc thu phí cần tính toán kỹ thời điểm thu, đối tượng thu, lưu ý các đường vành đai ngoài khu trung tâm phải có các con đường để đi chứ không thể lập trạm để chặn, buộc người dân đi vào các con đường độc đạo để thu phí…”, ông Tính nói và kiến nghị: "Để đề án có sức thuyết phục, TP cũng cần làm rõ tiền thu chống kẹt xe từ các ô tô vào trung tâm TP sẽ sử dụng như thế nào cho hiệu quả, minh bạch".
Tương tự, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho rằng, thêm khoản phí này nữa, doanh nghiệp thêm nặng gánh và khiến giá thành vận tải tăng cao. Cần làm rõ bao nhiêu dành để đầu tư máy móc, bộ máy thu phí, bao nhiêu dành để tái đầu tư hạ tầng, việc phân định này cần công khai để người dân hiểu rõ, góp ý.
Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải Phóng, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng nếu coi đây là giải pháp giảm ùn tắc giao thông, trong khi đó đánh phí vào cả phương tiện công cộng thì không hợp lý. Theo đề xuất của đơn vị lập dự án, taxi có đăng ký tại TP.HCM sẽ nộp phí 30.000 đồng, trong khi đó xe tải và xe buýt thương mại (kể cả xe biển xanh) nộp 50.000 đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận