Ảnh minh họa |
Tại Hội nghị Tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 26/12, lãnh đạo TP Hà Nội đã bất ngờ kiến nghị thu tiền đóng góp hạ tầng của chủ đầu tư các dự án.
“Khoản thu này sẽ được dùng để tạo nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, hệ thống giao thông tĩnh, phát triển vận tải hành khách công cộng với chất lượng dịch vụ cao”, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng nói và cho biết sẽ kiến nghị Thủ tướng cho phép nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thu khoản đóng góp hạ tầng của chủ đầu tư các dự án công trình sử dụng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị chung.
Nói về đề xuất này của Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, “hoàn toàn hợp lý”. Theo ông Liên, ngay cả việc thu phí hạ tầng đối với phương tiện giao thông cá nhân khi vào thành phố cũng là ý tưởng khả thi, các nước khác cũng đã làm. Thu phí sử dụng hạ tầng là hợp lý để chống ùn tắc, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
“Như ở Singapore chẳng hạn, họ thu phí rất cao. Vào giờ cao điểm nếu lưu thông bằng phương tiện cá nhân sẽ rất tốn kém, nên người dân rất cân nhắc mới dám ra đường, phải tính toán giải quyết công việc, sinh hoạt phù hợp hoặc dùng phương tiện công cộng”, ông Liên lấy ví dụ.
Trong khi đó, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy lại e ngại sẽ “gây khó” cho chủ đầu tư: “Các chủ đầu tư sẽ đặt câu hỏi: Khi đóng góp sẽ được lợi ích gì? Hơn nữa, chính sách như thế nào để các chủ đầu tư nộp tiền? Trong trường hợp đóng góp như vậy, các ngân hàng có giảm lãi suất cho chủ đầu tư không? Hà Nội có cơ chế gì đặc thù để ưu đãi cho những chủ đầu tư để khuyến khích họ không?”.
Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị (xin giấu tên) khẳng định, đây hoàn toàn không phải là chuyện quá mới mẻ, quá lạ lẫm. Hay nói cách khác, khá nhiều nước đã sử dụng giải pháp này, chỉ là cách thức triển khai khác nhau thôi.
“Không gian công cộng chung là tài sản của người dân, chính quyền hoàn toàn có khả năng có quyền thu phí khi tổ chức khai thác không gian công cộng đó”, vị này nói và cho biết thêm: Như việc đỗ xe, hiện nay chúng ta mới chỉ thu phí trông giữ xe thôi. Trên thế giới, nhiều nước còn áp dụng thêm một loại phí khác gọi là phí đỗ xe (tương tự như phí sử dụng hạ tầng công cộng). Điều đó có nghĩa khi một người đỗ xe, người đó đã chiếm dụng một phần không gian công cộng, điều đó có thể gây ảnh hưởng tới người khác, gây ùn tắc giao thông. Bởi vậy chính quyền thu phí này để tái đầu tư cho giao thông, cho vận tải công cộng. Tài sản chung, tài nguyên chung, khi một người dùng thì xã hội bị ảnh hưởng. Về nguyên tắc, chính quyền có thể thu phí đó để chi trả cho các giải pháp để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực khi người dân sử dụng không gian, hạ tầng đó.
Tuy nhiên, cũng theo vị này, có làm được hay không phải căn cứ vào văn bản quy phạm pháp lý hay nói cách khác, nếu được chấp thuận về chủ trương để làm, phải xây dựng hành lang pháp lý.
Vị này cũng gợi ý một giải pháp khác, không hoàn toàn giống khoản đóng góp hạ tầng nhưng cũng là cách để tạo nguồn thu, tạo quỹ tái đầu tư. “Với các chủ đầu tư xây dựng các khu đô thị, tôi cho rằng khi cấp giấy phép đầu tư nên yêu cầu họ có báo cáo đánh giá tác động giao thông, tương tự như báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nếu việc xây dựng dự án gây ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông của thành phố, nên làm rõ các giải pháp khắc phục và quan trọng hơn, là có cơ chế để chủ đầu tư chia sẻ, đồng hành cùng thành phố qua việc tính chi phí triển khai giải pháp đó vào trong tổng vốn đầu tư dự án”, vị này nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận