Thanh tra giao thông đang trích xuất dữ liệu từ thiết bị GSHT |
Vi phạm tốc độ giảm rõ rệt
Số liệu tại Trung tâm dữ liệu GSHT của Tổng cục Đường bộ VN (TCĐBVN) cho thấy, vi phạm về tốc độ của các phương tiện có lắp thiết bị GSHT giảm rõ rệt. Tại cuộc họp tổng kết hoạt động của Trung tâm dữ liệu GSHT diễn ra ngày 4/9, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng TCĐBVN cho biết: “Vi phạm tốc độ từ 10 km/h trở lên đã giảm từ 33% trong tháng 4 xuống còn 26% trong tháng 7. Hiện, vi phạm tốc độ phát hiện được chủ yếu ở mức độ thấp dưới 10 km/h. Tỷ lệ số lần vi phạm/1.000 km cũng giảm từ 9,4 lần/1.000 km trong tháng 4 giảm xuống còn 6,2 lần/1.000 km trong tháng 7”.
"Những hạn chế của thiết bị GSHT sẽ từng bước khắc phục trong thời gian tới. Quan trọng là phải kết nối được giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các chủ phương tiện thông qua thiết bị này. Về bộ quy chuẩn của thiết bị, thời gian tới Bộ sẽ có sự phân tích, đánh giá xem cái gì cần bổ sung, hoàn thiện để sửa đổi, nâng cấp lên chứ không thay thế toàn bộ”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ
"Tại Đà Nẵng, chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp lắp duy nhất một nhãn hiệu thiết bị. Đơn vị cung cấp sẽ có trách nhiệm đối với chất lượng thiết bị cũng như công tác bảo hành nên từ khi lắp đặt đến nay không có vấn đề gì”.
Ông Nguyễn Xuân Ba |
Cũng theo ông Quyền, kể từ khi chính thức đưa Trung tâm vào hoạt động, hàng tháng, Tổng cục đều có văn bản gửi các Sở GTVT thông báo kết quả phân tích, tổng hợp dữ liệu và yêu cầu sử dụng dữ liệu này để xử lý các trường hợp vi phạm. Đã có 304 xe bị thu hồi phù hiệu, 95 xe đình bị chỉ khai thác tuyến. Ngoài ra, các Sở cũng từ chối cấp phù hiệu bốn xe.
Tuy nhiên, theo ông Quyền, hiện nay vẫn có một số Sở GTVT chưa cương quyết xử lý đối với các vi phạm, chưa thực hiện nghiêm chế độ báo cáo kết quả theo yêu cầu của Tổng cục. Bên cạnh đó, tần suất truyền dữ liệu, phương pháp thống kê, tính toán chưa được quy định thống nhất. Do đó, có sự chênh lệch về số lần và tốc độ vi phạm giữa kết quả xử lý của Trung tâm với kết quả xử lý dữ liệu của các đơn vị cung cấp dịch vụ GSHT dẫn đến những thắc mắc, khó khăn khi xử lý vi phạm...
Theo một số đơn vị cung cấp thiết bị, hiện đang tồn tại hai cách tính toán dữ liệu của thiết bị GSHT gây khó khăn trong việc xác định, xử lý vi phạm. Nếu chiếu theo Thông tư 08 sẽ tính từng giây tốc độ liên tục trong 30 giây liên tiếp, còn cách tính của TCĐBVN là 10 giây/ bản tin. Bên cạnh đó, ở góc độ quản lý, đến nay chưa có tiêu chí quản lý về hành trình xe trong khi đây là dữ liệu quan trọng để quản lý luồng tuyến của các phương tiện có chạy đúng hành trình của mình hay không.
Công ty CP Xe khách Hoàng Hà quản lý toàn bộ phương tiện qua thiết bị GSHT. |
Sẽ loại bớt doanh nghiệp cung cấp
Tại cuộc họp trên, nhiều ý kiến phản ánh thời gian qua có quá nhiều nhà cung cấp thiết bị GSHT được cấp phép. Trong khi đó, mỗi nhà cung cấp lại sử dụng một công nghệ, phần mềm, giao diện khác nhau, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Trưởng phòng Vận tải (Sở GTVT Ninh Bình) cho biết, tại Ninh Bình có tới 18 nhà cung cấp. Điều này đồng nghĩa với việc có 18 giao diện khác nhau. Không những thế, cứ ít lâu lại có vài nhà cung cấp biến mất khỏi thị trường để lại hậu quả rất khó khắc phục cho cả DN vận tải và cơ quan Nhà nước.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh lo lắng: “Một số nhà cung cấp bị đình chỉ vừa qua để lại hậu quả rất nặng nề cho doanh nghiệp. Những thiết bị được đưa kiểm định thì ổn, song những sản phầm nhân bản mang đi bán cho doanh nghiệp không ai kiểm tra, chỉ có bên bán, bên mua là hai doanh nghiệp với nhau. Khi thiết bị có vấn đề, không có cơ quan nào làm trọng tài hết”.
Cũng liên quan đến việc quản lý thiết bị GSHT, Phó Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng, Nguyễn Hữu Thọ đề nghị: “TCĐBVN cần có hướng dẫn xử lý đối với các phương tiện vận tải lắp thiết bị GSHT của những đơn vị bị thu hồi giấy chứng nhận hợp quy và vi phạm theo quy định của Bộ GTVT”.
Chất lượng thiết bị kém, nhà cung cấp thiếu trách nhiệm chỉ biết thu tiền là vấn đề khá nóng thời gian qua, không ít doanh nghiệp vận tải là người lãnh chịu hậu quả. Đại diện HTX vận tải ô tô Thành Tuyên - HTX có số phương tiện lớn nhất Tuyên Quang cho biết: “Nhiều xe của HTX đang muốn được thay đổi nhà cung cấp dịch vụ khác. Nhà cung cấp hiện nay là VIFITEX. Nhiều lần HTX báo đến sửa chữa khắc phục nhưng họ rất chậm. Những lúc như vậy, Sở GTVT sẽ cho rằng HTX để thiết bị không hoạt động nên sẽ thổi còi, thu phù hiệu”.
Ngoài bất cập trên, hiện vẫn còn nhiều tồn tại khác liên quan đến thiết bị GSHT nhưng đến nay vẫn chưa có bản đồ số để giám sát chặt chẽ về tốc độ của các phương tiện. Hay còn nhiều phương tiện không truyền dữ liệu lên hệ thống, chủ yếu là các đơn vị có số lượng thiết bị đã lắp đặt ít, đội ngũ kỹ thuật yếu.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, các thiết bị, các nhà cung cấp nào đến nay mà chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật sẽ phải loại bỏ bớt. Bộ GTVT giao TCĐBVN xây dựng một đề án về quản lý thiết bị GSHT, mấu chốt quan trọng là phân cấp ủy quyền, để từ đó bố trí con người, kinh phí.
“Trong năm 2014 phải cơ bản hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GSHT, đầu tư hoàn thiện hệ thống đường truyền, máy chủ và các phần mềm, quy định rõ trách nhiệm để kết nối tốt các bên”, Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.
Phương Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận