Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm văn chương lớn của nền văn học Việt Nam từ thế kỉ 19. Cho đến nay, tác phẩm vẫn được xem như một kho tàng chứa đầy kinh nghiệm sống cho con người và như một nguồn cảm hứng vô tận cho giới nghệ thuật. Thế nhưng, những giá trị của Truyện Kiều và bản thân hình ảnh người phụ nữ của Kiều trong thời đại ngày nay cũng đã thay đổi khá nhiều qua con mắt của những người hiện đại.
Và Nàng K… là dự án tiếp cận mới vào một di sản văn hóa do Viện Goethe khởi xướng từ năm 2017. Dự án bao gồm năm chương trình như Hội thảo Đọc lại Truyện Kiều, Sân khấu thử nghiệm Nàng Kiều, triển lãm Nàng K… của nghệ sỹ Franca Bartholomäi, cuộc thi sáng tác câu chuyện hình ảnh và chương trình chiếu phim, để đưa ra những góc nhìn mới mẻ về nàng Kiều nói riêng và Truyện Kiều nói chung.
Nằm trong khuôn khổ dự án Nàng K…, trong hai ngày 12 và 13/10, tại Nhà hát Tuổi trẻ sẽ công diễn chương trình sân khấu Nàng Kiều. Đêm diễn trình diễn bốn tác phẩm của bốn đạo diễn là Amélie Niermeyer (Đức), NSND Hồng Vân (TP. HCM), NSƯT Trần Lực (Hà Nội) và NSƯT Bùi Như Lai (Hà Nội). Bốn tác phẩm, mỗi tác phẩm 20 phút sẽ đưa ra những góc nhìn mới mẻ về Kiều với nhiều phong cách trình diễn khác nhau, từ truyền thống, thử nghiệm đến đa phương tiện và ước lệ.
Là một diễn viên tham gia trình diễn trong dự án lần này, diễn viên Thu Quỳnh cho biết, cô sẽ vào vai Hoạn Thư trong tác phẩm của đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer. Theo Thu Quỳnh, cô không thích Kiều và thấy đồng cảm với Hoạn Thư.
“Mọi người vẫn nói Hoạn Thư quá đáng, thậm chí nhiều người còn dùng từ Hoạn Thư như một tính từ để chỉ sự ghen tuông, điều đó rất bất công. Hoạn Thư chỉ là nạn nhân và cũng là một người phụ nữ đáng thương, bởi nhìn về khía cạnh hiện đại bây giờ, Kiều chỉ là một ‘con giáp thứ 13’ chen vào một gia đình và điều đó không chấp nhận được”, Thu Quỳnh bộc bạch.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ dự án này còn có triển lãm Nàng K… với các tác phẩm cắt kéo và khắc gỗ của nữ nghệ sỹ Franca Bartholomäi, diễn ra từ ngày 8-20/10 và 25-27/10 tại Viện Goethe Hà Nội. Nữ nghệ sĩ lý giải, cô không lấy chữ Kiều được viết đầy đủ vì có chủ đích của riêng mình.
Thay vì chỉ vẽ tranh minh họa cho tác phẩm của Nguyễn Du, Franca Bartholomäi lấy cảm hứng từ Kiều để sáng tạo một chuỗi sắp đặt trên tường gồm các tác phẩm cắt kéo và khắc gỗ trắng, đen, với mong muốn khán giả chiêm ngưỡng câu chuyện từ một góc nhìn khác.
“Tôi quan tâm đến sự tồn tại của tuyệt vọng, dâng hiến, của nghĩa vụ và tình yêu trong câu chuyện. Kiều có thể đã đầu hàng số phận nhưng luôn có những khoảnh khắc cô làm cho cuộc sống của mình tốt hơn nhờ thơ ca, đàn hát. Giải cứu thông qua nghệ thuật, sự sáng tạo là một suy nghĩ đẹp mà tôi thấy cảm thấu”, nghệ sỹ người Đức Bartholomäi nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận