Từ Chánh văn phòng Nội các trở thành thủ lĩnh cao nhất của đảng Tự do Dân chủ (LDP) đang cầm quyền và sắp tới là chức Thủ tướng Nhật Bản, ông Yoshihide Suga, 71 tuổi, sẽ làm gì để thoát khỏi cái bóng của người tiền nhiệm Shinzo Abe và phát triển đất nước giữa muôn vàn khó khăn?
Sẽ kêu gọi tổ chức bầu cử đột xuất?
Giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bỏ phiếu bầu chọn người đứng đầu đảng cầm quyền LDP thay thế ông Shinzo Abe, đồng nghĩa với việc Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, 71 tuổi, đã chắc chắn trong tay tấm vé trở thành Thủ tướng Nhật.
Tuy vẫn còn một bước nữa là đưa ra Quốc hội bỏ phiếu thông qua (vào hôm nay, 16/9), song việc ông Yoshihide Suga chính thức trở thành Thủ tướng xứ Hoa anh đào gần như đã ngã ngũ. Bởi lẽ, đảng LDP đang kiểm soát Hạ viện và chiếm đa số ghế trên Thượng viện cùng đảng liên minh Komeito.
Cuộc bỏ phiếu lần này là sự kiện đột xuất, lấp chỗ trống của vị trí lãnh đạo do ông Shino Abe từ nhiệm sớm. Như vậy, ông Yoshihide Suga sẽ nhận nhiệm vụ mới nhưng dưới cái bóng rất lớn của ông Shinzo Abe - vị Thủ tướng lâu đời nhất tại Nhật Bản.
Điều này là bởi không chỉ vì những thành tựu to lớn mà ông Abe xây dựng cho xứ sở Hoa anh đào mà còn bởi ông Yoshihide Suga đi lên từ vị trí Chánh Văn phòng Nội các, vốn như cánh tay phải đắc lực hỗ trợ cho ông Abe suốt 8 năm qua.
Đáng chú ý, ông Suga cũng không có nhiều thời gian còn lại trong nhiệm kỳ Thủ tướng. Dự kiến, ngay tháng 10/2021, Nhật Bản sẽ tổ chức tổng tuyển cử mới. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc đầu tiên mà Chủ tịch đảng LDP Suga sẽ làm là kêu gọi tổ chức bầu cử đột xuất ngay tháng trong 10 hoặc tháng 11 năm nay. Mục đích là tự củng cố vị thế lãnh đạo cũng như tận dụng lợi ích hiện tại khi đảng đối lập lớn nhất vừa giải thể và triển khai việc hình thành đảng mới.
Tờ Asia Times dẫn lời ông Yasuo Naito, biên tập viên của tờ Japan Forward có trụ sở tại Tokyo cho biết, xét tình hình tại đảng đối lập hiện nay, cơ hội để đảng cầm quyền LDP giành chiến thắng vang dội là quá lớn. Chưa kể, khi chiến thắng trong cuộc bầu cử sớm, ông Suga sẽ củng cố thêm quyền lực chính thức, nắm trong tay sức mạnh thực sự, là lãnh đạo do toàn quốc lựa chọn, không đơn giản trong phạm vi nội bộ đảng LDP bỏ phiếu.
“Nhật Bản cũng giống như chính trị Mỹ. Thông thường, ở thời điểm đầu, những lãnh đạo mới sẽ có tỉ lệ yêu thích, ủng hộ cao”, ông Yasuo Naito nhận định.
“Xét trên các yếu tố đó, với ông Suga, thành công nằm ở hiện tại hoặc là không bao giờ”, Asia Times dẫn lời một nguồn tin không phải là người ủng hộ đảng LDP nhận định.
Tiếp nối người tiền nhiệm, không thay đổi nhiều?
Đối lập với một vị lãnh đạo được sinh ra trong gia đình dòng dõi chính trị gia như cựu Thủ tướng Abe, ông Suga sinh ra trong một gia đình thuần nông, chuyên trồng dâu tại tỉnh Akita. Do đó, sự xuất hiện của ông ở vị trí lãnh đạo LDP là minh chứng rằng, đảng bảo thủ cầm quyền Nhật Bản có thể chạm tới trái tim của những người dân thường.
Là một người trung thành lâu năm với ông Abe, giới chuyên gia nhận định, ông Suga sẽ tiếp nối tầm nhìn của ông Abe và không thay đổi quá nhiều chính sách của người tiền nhiệm.
Cụ thể, lãnh đạo mới của Nhật sẽ tiếp tục duy trì quan hệ thân mật hiếm có với Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn được ông Abe dày công gây dựng và kết nối chặt chẽ hai nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế và quốc phòng.
Mặt khác, từ kinh nghiệm của một Chánh văn phòng Nội các, với trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan tới truyền thông và bộ máy chính quyền, vừa xử lý các bê bối liên quan tới ông Abe, ông Suga có lẽ là người hiểu rất rõ những gì diễn ra trong nội bộ bộ máy công quyền của Nhật. Nay ở vị trí lãnh đạo số 1 nước Nhật, ông sẽ có thêm quyền trong tay để chắp nối, những vết nứt, kẽ hở.
“Chúng ta phải giải quyết bộ máy công quyền quá phân mảnh và xây dựng một chính phủ hiệu quả hơn”, ông Suga nói và ẩn ý việc sẽ cải cách để Nội các gần dân hơn.
Mặc dù vậy, theo một số nhà phân tích của Nhật Bản, chính việc luôn sát cánh, phụng sự gần 10 năm bên cạnh ông Abe lại được coi là bất lợi với ông Suga. Asia Times dẫn lời ông Yasuo Naito, biên tập viên của tờ Japan Forward cho rằng, vì luôn song hành và tham gia sâu vào các chính sách của ông Abe nên ông Suga sẽ thiếu đi tư duy chính trị độc lập khi giải quyết một số vấn đề của quốc gia lớn trong ngắn và dài hạn.
Một trong số các thử thách đó là cách thức vượt qua đại dịch Covid-19, tổ chức thành công Thế vận hội Mùa hè trong năm sau, chèo lái đưa con thuyền Nhật Bản an toàn đi qua cuộc thương chiến khốc liệt giữa đồng minh chiến lược Mỹ và đối tác thương mại hàng đầu Trung Quốc...
Song, theo bà Lim Eun-jung, một nhà quan sát Nhật Bản đến từ Đại học Quốc gia Kongju, Hàn Quốc, khi đã củng cố quyền lực, giành được sự ủng hộ bền vững, có lẽ đó sẽ là lúc ông Suga bộc lộ rõ những nét cá tính thực sự của bản thân, những điều mà trước đây khi làm Chánh Văn phòng ông không có điều kiện được thể hiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận