Thủ thành Đặng Văn Lâm trong màu áo đội tuyển Việt Nam
Thương vụ Đặng Văn Lâm chuyển nhượng sang Cerezo Osaka (Nhật Bản) đang là mối quan tâm chính của người hâm mộ Việt Nam trong những ngày các giải bóng đá chuyên nghiệp đều đang tạm hoãn.
Nhiều người đặc biệt chú ý tới con số 30% trận ra sân của Đặng Văn Lâm được người đại diện Andrey Grushin tiết lộ cách đây 1 ngày.
Theo đó, Andrey khẳng định chắc chắn Văn Lâm sẽ ra sân đủ 30% tổng số trận của Cerezo Osaka bởi đội bóng Nhật Bản tham dự tới 4 đấu trường trong năm 2021.
Con số 30% này khiến chúng ta liên tưởng tới Công Phượng, Văn Hậu. Tại sao lại như vậy? Bởi bộ đôi này khi xuất ngoại cũng được cho là sẽ ra sân 30% số trận tại đội bóng chủ quản.
Nhưng rồi không ai đạt tới con số này, thậm chí thành quả khiêm tốn tới mức không muốn nhắc tới.
Lật ngược lại vấn đề, tại sao mỗi khi cầu thủ Việt Nam xuất ngoại đều cần nhấn mạnh tới số trận ra sân? Và tại sao không phải là 40, 50 hay 60, thậm chí 70%.
Con số 30% cho chúng ta thấy một sự yếu thế rõ rệt của cầu thủ Việt Nam khi đem chuông đi đánh xứ người. Còn vì sao yếu thế thì hẳn ai cũng hiểu.
Bài học từ quá khứ cho thấy, cứ khi nào những người xung quanh cầu thủ Việt xuất ngoại lên gân về cái gọi là 30% thì cầu thủ đó đều thất bại.
Văn Lâm khác Công Phượng, Văn Hậu nhưng bản chất xuất phát điểm của anh cũng thấp như hai người đàn em ở đội tuyển Việt Nam.
Khoác áo Cerezo Osaka là một chuyện, được trao cơ hội và thể hiện tài năng lại là chuyện khác.
Bản thân người đại diện của Văn Lâm cũng ý thức được rằng, vị trí thân chủ mình ở đội bóng mới là băng ghế dự bị và chờ đợi.
Tuyển thủ Việt Nam còn trẻ trong khi cả hai thủ môn còn lại của Cerezo Osaka đều đã già và không sớm thì muộn cờ cũng đến tay Lâm “tây”.
Tuy nhiên, anh có chờ đợi được hay không lại là phạm trù khác. Chẳng ai dám đảm bảo sẽ không xuất hiện một cuộc đào thoát tương tự cách anh vừa làm với Muangthong United.
Xem video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận