Kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm từng đơn vị
Chiều nay (26/7), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy chủ trì cuộc họp kiểm điểm kết quả công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ công tác cải cách TTHC 6 tháng cuối năm 2023.
Kiểm điểm sâu sắc những hạn chế trong công tác cải cách TTHC của các đơn vị thuộc Bộ được Văn phòng Chính phủ chỉ rõ, tập trung ở 11 nhóm nhiệm vụ được giao, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy yêu cầu các cơ quan, đơn vị nhận trách nhiệm cụ thể ở từng nhóm nhiệm vụ, giải trình rõ lý do hạn chế và phương hướng triển khai khắc phục trong thời gian tới.
Theo đại diện các Vụ, Cục, nhiều hạn chế Văn phòng Chính phủ chỉ ra trong báo cáo đã được các đơn vị tiếp thu trên tinh thần cầu thị và khẩn trương khắc phục.
Đến nay, nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành như: Đã đồng bộ, cập nhật đầy đủ các trường thông tin, bộ phận TTHC trong lĩnh vực đăng kiểm; Hoàn thành kết nối hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ GTVT với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công; Có văn bản đôn đốc hai tỉnh Trà Vinh, Quảng Trị thực hiện việc đổi giấy phép lái xe (GPLX) bằng dịch vụ công toàn trình trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Cục Đường bộ VN cũng đang khẩn trương dự thảo thông tư sửa đổi các thông tư liên quan vận tải đường bộ, phương tiện người lái, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ trong đó sửa đổi cắt giảm, đơn giản hóa một số TTHC không cần thiết liên quan đến hồ sơ học lái xe mô tô hạng A1, A4.
Đối với 50 TTHC chưa sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án Văn phòng Chính phủ chỉ ra, đại diện văn phòng Bộ GTVT cho biết, hiện tại, có 6 thông tư đã được ban hành để phân cấp 14 TTHC, còn 17 văn bản quy phạm pháp luật đã được Bộ đưa vào chương trình xây dựng văn bản QPPL năm 2023 và đang dự thảo sửa đổi, bổ sung theo đúng yêu cầu của Quyết định 1015 của Thủ tướng.
Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) - Ảnh: Tạ Hải.
Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) - Bộ GTVT cho biết, theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, tỷ lệ đồng bộ, công khai, minh bạch quá trình giải quyết hồ sơ TTHC của Bộ GTVT chỉ đạt 49,66%, bản chất Bộ GTVT đã thực hiện đồng bộ 100% với 295 TTHC.
Trong đó, có 89 TTHC đang thực hiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, 106 TTHC còn lại thực hiện trên cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ. Tuy nhiên, do khi thống kê, tính tỷ lệ chỉ tính 89 TTHC thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia nên bị chênh nhau về số liệu.
Đối với tỷ lệ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết TTHC còn ở mức thấp, chỉ đạt 13,89% trong 5 tháng đầu năm 2023, theo ông Tùng, nguyên nhân chủ yếu do 45.000 hồ sơ bị quá hạn giải quyết khi thực hiện đổi GPLX dịch vụ công cấp độ 3 (từ thời điểm năm 2015 khi chưa có đầy đủ 9 trạng thái trong một chu trình đổi GPLX như hiện nay, chỉ có ngày bắt đầu mà không có ngày kết thúc) nên bị tính là không hài lòng.
Ngoài ra, việc người dân thực hiện xong TTHC nhưng không đánh giá cũng ảnh hưởng đến kết quả tính tỷ lệ hài lòng trong công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC của các đơn vị cũng như Bộ GTVT.
Trước sự chỉ đạo quyết liệt của thứ trưởng, ông Tùng cam kết trước ngày 15/8/2023 sẽ đồng bộ lại thông tin giải quyết TTHC của 45.000 hồ sơ đổi GPLX trên.
Đối với việc còn tồn tại nhiều cổng/trang thông tin dịch vụ công chưa hợp nhất, ông Tùng cho biết hiện đang rốt ráo khắc phục, dự kiến trong tháng 8 sẽ giải quyết xong.
Liên quan đến việc tính tỷ lệ hài lòng của người dân trong việc đổi GPLX, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó cục trưởng Cục Đường bộ VN nhìn nhận đang có sự không công bằng, rõ ràng do việc đổi GPLX đã được phân cấp về các Sở GTVT địa phương, do đó, người dân thực hiện đổi GPLX ở địa phương nào phải tính ở địa phương đó, không thể tính chung cho Cục hay Bộ như hiện nay.
Đồng tình với ý kiến của bà Hiền, thứ trưởng nhấn mạnh cần báo cáo lại vấn đề này với VPCP để có sự tính toán hợp lý, xác thực hơn, không thể để tình trạng “cam làm quýt chịu” như hiện nay.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó cục trưởng Cục Đường bộ VN (Ảnh: Tạ Hải).
Gắn với trách nhiệm người đứng đầu
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng đánh giá cao nỗ lực toàn ngành trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đã đóng góp vào kết quả đáng khích lệ của Bộ GTVT về công tác cải cách TTHC với thứ hạng tăng một bậc so với năm 2021.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thứ trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm trước những tồn tại hạn chế mà VPCP chỉ ra trên tinh thần cầu thị.
Sau khi lắng nghe các đơn vị giải trình, thứ trưởng nhận thấy một số kết quả thống kê, đánh giá tỷ lệ của Văn phòng Chính phủ chưa sát, chưa phù hợp, chưa đúng với chủ thể là Bộ GTVT vì có những TTHC thuộc trách nhiệm của địa phương.
Về một số tồn tại liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật hoặc Đề án 06, theo báo cáo của Văn phòng Bộ có 25 TTHC nếu cắt giảm các trường thông tin (ngày, tháng, năm sinh) sẽ không thực hiện được việc kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Quang cảnh cuộc họp (Ảnh: Tạ Hải).
Thứ trưởng giao văn phòng bộ và trung tâm CNTT rà soát lập báo cáo lại toàn bộ nội dung, nêu rõ các vấn đề đã khắc phục. Đồng thời, có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ về việc giải quyết, khắc phục những tồn tại đã nêu, chỉ rõ người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đối với việc giải quyết những tồn tại vướng mắc này.
“Trong quý III và quý IV/2023 phải giải quyết dứt điểm”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh và yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ theo dõi việc thực hiện, xem đây là một tiêu chí để xếp hạng cán bộ cuối năm.
Nhấn mạnh kết quả công tác cải cách TTHC của toàn ngành được tạo lên từ những nỗ lực của từng cá nhân, cơ quan, đơn vị; công tác cải cách TTHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong nhiệm kỳ này, thứ trưởng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải quán triệt tinh thần chỉ đạo này đến toàn bộ cán bộ công chức làm công tác TTHC, đảm bảo khắc phục các tồn tại để hoàn thành chỉ tiêu được Chính phủ giao trong năm 2023.
Đồng thời, cần rút kinh nghiệm để phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai liên thông các cơ sở dữ liệu phục vụ cho thực hiện các TTHC của từng lĩnh vực.
"Đối với những nội dung bất khả kháng do văn bản quy phạm pháp luật phải báo cáo văn phòng Bộ, Trung tâm CNTT của Bộ để tổng hợp báo cáo lên bộ trưởng, Chính phủ", thứ trưởng chỉ đạo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận