Chính trị

Thứ trưởng Bộ Y tế: Đấu thầu thuốc phải minh bạch, không tham nhũng, lãng phí

05/08/2024, 18:17

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, tuy thể chế về đấu thầu, mua sắm thuốc cơ bản đầy đủ nhưng vấn đề chủ yếu nằm ở tổ chức thực hiện tại cơ sở, phải làm sao công khai, minh bạch và không có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 5/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã trả lời câu hỏi về tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế xảy ra ở một số bệnh viện.

Phân tích hai yếu tố cần thiết để thực hiện mua sắm thuốc và vật tư y tế tại cơ sở y tế, ông Tuyên chỉ ra trước hết là hoàn thiện thể chế với các văn bản liên quan đến mua sắm thuốc và vật tư y tế. Hai là việc tổ chức thực hiện tại cơ sở y tế và các địa phương.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Đấu thầu thuốc phải minh bạch, không tham nhũng, lãng phí- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại cuộc họp báo.

"Nếu thể chế đầy đủ mà trong khâu tổ chức ở các đơn vị, địa phương còn vấn đề nọ vấn đề kia thì không thể đủ thuốc cho khám chữa bệnh", ông Tuyên nói và dẫn một số trường hợp như việc bố trí kinh phí, lựa chọn nhà thầu.

Ông Tuyên thừa nhận sau giai đoạn đại dịch Covid-19, có xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế ở một số đơn vị trong một số thời điểm nhất định và ở một số loại thuốc nhất định.

Khẳng định Bộ Y tế đã nhận diện được tình trạng này và đề ra giải pháp khắc phục, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ra hàng loạt thông tư và dự án luật nhằm tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế.

Nêu một số ví dụ, ông chỉ ra, năm 2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 80 về sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc hết thời hạn đến 31/12/2024. Nội dung này cũng được đưa vào Luật Dược sửa đổi, dự kiến thông qua vào kỳ họp tháng 10 tới của Quốc hội. Nếu như vậy sẽ tạo ra bước cải cách hành chính rất tốt.

Hay Nghị quyết 30/2023 của Chính phủ cũng tháo gỡ được những vướng mắc trong mua sắm vật tư y tế.

Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đã tham mưu, trình Quốc hội thông qua Luật Khám chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, bao gồm hai nội dung liên quan thiết bị y tế và mua sắm, đấu thầu.

Ngoài ra Bộ Y tế chủ động ban hành các thông tư trong đó có thông tư danh mục thuốc đấu thầu tập trung, Thông tư 07/2024 về quy định đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế trong đó hướng dẫn đầy đủ quy trình.

"Bộ Y tế cũng đang hoàn thiện Luật Dược và Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 10. Nếu Luật Dược được thông qua sẽ có 5 chính sách cải cách thủ tục hành chính rất mạnh để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy lưu hành thuốc, giúp các cơ sở nhập thuốc và cung ứng cho cơ sở y tế", ông Tuyên cho biết.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ ra 4 điểm mới trong các chính sách được ban hành nhằm tháo gỡ cho tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế.

Một là cho sử dụng một giấy báo giá hoặc giấy báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính của cơ sở y tế và yêu cầu chuyên môn của cơ sở thay vì 3 giấy báo giá như trước.

Ông nhấn mạnh mua thiết bị, hóa chất là phải có hội đồng của cơ sở y tế đánh giá, đề xuất để tránh tình trạng mua về nhưng không dùng được.

Hai là được định thầu trong trường hợp cấp bách để duy trì hoạt động thường xuyên của cơ sở y tế, tức là nếu đấu thầu không trúng sẽ được chỉ định thầu.

Ba là quy định cụ thể các trường hợp cấp cứu dịch bệnh được áp dụng chỉ định thầu.

Bốn là được tùy chọn mua thuốc để mua thêm ngay tối đa 30% khối lượng đã ký hợp đồng trước đó.

Song, ông Tuyên nhấn mạnh, tuy thể chế về đấu thầu, mua sắm thuốc cơ bản đầy đủ nhưng chủ yếu lại nằm ở tổ chức thực hiện tại cơ sở cơ quan chủ quản, phải làm sao công khai, minh bạch và không có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.