Y tế

Thứ trưởng Bộ Y tế nói gì việc đo huyết áp trước khi tiêm vaccine Covid-19?

30/08/2021, 06:10

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, cần thiết phải ghi nhận huyết áp trước khi tiêm, nhất là người có tiền căn cao huyết áp, bệnh nền.

Trước nhiều ý kiến cho rằng việc đo huyết áp trước khi tiêm vaccine là không cần thiết, gây chậm tiến độ tiêm và làm mất cơ hội tiêm của nhiều người, tối 29/8, trao đổi với PV Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định: "Việc ghi nhận huyết áp trước khi tiêm là cần thiết, đặc biệt với người có tiền căn cao huyết áp và có bệnh nền".

img

Đo huyết áp sàng lọc trước tiêm vaccine Covid-19

Theo Thứ trưởng Sơn, các hãng thuốc cũng có khuyến cáo về việc cẩn trọng với trường hợp cao huyết áp, bởi khi có biến chứng trên các bệnh nhân cao huyết áp thì thường tăng nặng hơn.

Thường có 2 trường hợp huyết áp tăng ngay trước khi tiêm, một là người bình thường do lo lắng quá khiến huyết áp tăng cao và hai là người cao huyết áp thật sự; nên đo huyết áp và đảm bảo huyết áp lúc tiêm ở ngưỡng bình thường, ổn định là việc cần làm.

Lý giải vì sao ở nhiều nước không thực hiện đo huyết áp trước khi tiêm phòng vaccine, nhưng Việt Nam không như vậy, ông Sơn cho biết: "Việc sàng lọc kỹ trước tiêm với các chỉ số huyết áp, nhiệt độ… là cố gắng đảm bảo an toàn nhất cho người tiêm vaccine phòng Covid-19. Những việc này cũng không làm chậm đi tiến độ tiêm vaccine của các đơn vị. Nếu nhìn theo hướng làm như các nước khác, thì có thể tăng thêm số lượng tiêm nhất định nhưng chưa thật sự đảm bảo an toàn tối đa cho người tiêm vaccine".

"Hiện giờ số lượng vaccine chưa nhiều và mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tiêm nên áp dụng theo chỉ dẫn của Bộ càng kỹ càng tốt. Sau này, khi có khoảng vài chục triệu liều vaccine tiêm cho dân trong thời gian ngắn thì có thể sẽ tính đến việc thay đổi, hoặc giảm bớt đi việc đo huyết áp trước tiêm…", Thứ trưởng Sơn cho biết thêm.

Trước đó, BS. Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM nhận định: Việc đo huyết áp trước tiêm phòng vaccine vừa làm chậm tiến độ tiêm vừa làm mất cơ hội của không ít người đặc biệt là người cao tuổi vốn là đối tượng cần khuyến khích và tiêm vaccine Covid-19. Bởi thực tế, nhiều người mất suất tiêm, vì lý do huyết áp tăng vọt khi tới điểm tiêm trong khi trước do quá căng thẳng, lo lắng.

Theo khuyến cáo của BS. Khanh, chỉ nên khuyến khích người dân trên 40 tuổi tự đánh giá huyết áp của mình tại nhà trước khi đến tiêm, sẽ cho chỉ số huyết áp thực hơn và người tiêm cần tự chịu trách nhiệm về điều đó.

Còn với những người cao huyết áp đang được điều trị ổn định cần duy trì thuốc uống bình thường kể cả trước, trong và sau khi tiêm vaccine và nên theo dõi 30 phút sau tiêm phòng.

Còn theo BS. Bùi Văn Thường, Viện Tim mạch Quốc gia, BV Bạch Mai, hiện tại không có khuyến cáo huyết áp là bao nhiêu thì có thể tiêm vaccine Covid-19; không có chống chỉ định tiêm chủng cho bệnh nhân tăng huyết áp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn nhất khi tiêm chủng, trước khi tiêm, huyết áp nên ở mức giới hạn bình thường (90-140mmHg với huyết áp tâm thu và 60-90mmHg với huyết áp tâm trương).

Khi huyết áp quá cao (kể cả tiêm hay không tiêm vaccine) cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến cố tim mạch hoặc đột quỵ. Ngoài ra, huyết áp cao gây khó khăn cho việc theo dõi, đánh giá một số phản ứng sau tiêm, đặc biệt là các trường hợp phản vệ sau tiêm vaccine.

Với các trường hợp dù đã tối ưu điều trị tăng huyết áp nhưng huyết áp vẫn cao thì cần được tiêm ở các cơ sở y tế có khả năng theo dõi, xử trí hồi sức tốt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.