Bộ GTVT sẽ làm việc với ngân hàng về lộ trình tăng giá vé trạm BOT
Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, hợp đồng BOT giữa cơ quan quản lý nhà nước với các nhà đầu tư BOT, bản chất là trách nhiệm dân sự giữa Bộ GTVT với các doanh nghiệp dự án. “Bộ GTVT sẽ chịu trách nhiệm suốt quá trình thực hiện hợp đồng của các dự án BOT đã ký với các nhà đầu tư”, Thứ trưởng chia sẻ.
Để khắc phục những vấn đề còn vướng mắc trong các hợp đồng BOT, Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu Vụ Đối tác công tư (PPP) rà soát lại tất cả nội dung hợp đồng của các dự án BOT đã ký kết giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư.
“Những nội dung trong hợp đồng còn bất cập, chưa thực hiện được, Vụ PPP và các cơ quan liên quan phải nghiên cứu để đưa ra phương án xử lý”, Thứ trưởng chỉ đạo.
Đối với Vụ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Nhật chỉ đạo cơ quan này tiếp tục rà soát và xem xét lại mức giá của tất cả dự án BOT. Trạm nào đã đến thời điểm tăng giá, lộ trình tăng giá thế nào cần thống kê rõ để Bộ GTVT tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét, xử lý.
“Thời gian qua, một số trạm BOT đến thời điểm tăng giá vé theo phương án tài chính trong hợp đồng đã ký nhưng chưa thực hiện được do thực hiện Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ và một số điều kiện ràng buộc của Luật Giá. Vụ Tài chính và Vụ PPP khẩn trương xem xét lại nguồn vốn vay thương mại tại các dự án BOT để Bộ GTVT làm việc với các ngân hàng cho vay vốn và có báo cáo trình Chính phủ xem xét, xử lý”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.
Tiếp tục chủ trương công khai, minh bạch doanh thu tại các trạm thu phí BOT, Thứ trưởng Nguyễn Nhật chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2. “Tổng cục Đường bộ VN khẩn trương hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng, chậm nhất hoàn thành trong tháng 4/2019. Đồng thời, Vụ PPP sớm ký phụ lục hợp với các nhà đầu tư BOT”, Thứ trưởng chỉ đạo quyết liệt.
Công khai, minh bạch thu phí để người dân nắm rõ
Đề cập đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các trạm thu phí, Thứ trưởng Nhật cho biết, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã ký ban hành Chỉ thị 33 với những nội dung chỉ đạo rất mạnh mẽ, quyết liệt. “Các nhà đầu tư và cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để đảm bảo an toàn, an ninh trật tự tại các trạm thu phí BOT”, Thứ trưởng nói.
Liên quan đến quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của các trạm BOT trong Thông tư 49/2016 của Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN khẩn trương nghiên cứu sửa đổi một số nội dung quy định của thông tư còn bất cập, không phù hợp trong thực tiễn.
“Trong khi chờ sửa đổi Thông tư 49/2016, các nhà đầu tư BOT vẫn phải tiếp tục thực hiện nghiêm và tuân thủ những quy định đang có hiệu lực, đặc biệt là công tác giám sát doanh thu của các trạm BOT”, Thứ trưởng nói và yêu cầu Vụ Tài chính, Vụ PPP khẩn trương hoàn thành toàn bộ công tác quyết toán các dự án BOT để công khai tổng vốn đầu tư và thời gian thu phí thực tế của từng dự án. Đồng thời, Tổng cục Đường bộ VN sớm hoàn chỉnh phần mềm giám sát thu phí, đảm bảo minh bạch công tác thu phí, tránh sự hiểu lầm của dư luận xã hội và người dân.
Trước đó, tại cuộc họp, đa số ý kiến của các nhà đầu tư tập trung vào vấn đề một số dự án không được tăng phí theo lộ trình trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc trả nợ ngân hàng và kiến nghị Bộ GTVT sớm làm việc với ngân hàng Nhà nước để giãn thời gian trả nợ cho các nhà đầu tư BOT.
Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư đưa ra ý kiến về thời gian cuối cùng phải lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng (cuối năm 2019), nhưng đến nay, công tác lựa chọn nhà đầu tư (nhà cung cấp dịch vụ) vẫn chưa hoàn thành có thể ảnh hưởng đến tiến độ lắp đặt hệ thống thu phí không dừng tại các trạm BOT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận