Sáng 15/3, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển", Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: "Chúng tôi nhận thức du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, các ngành, địa phương cần phải vào cuộc để đưa du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.
Chúng ta đang phấn đấu du lịch chiếm tỷ trọng từ 10 - 13% GDP nhưng đối với những nước phát triển như châu Âu, du lịch chiếm tỷ trọng từ 20 - 30%".
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại hội nghị Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ông khẳng định rất tán thành quan điểm, khi làm du lịch thì chắc chắn phải theo một quy luật chung mang tính chất chuỗi.
Chia sẻ về vấn đề liên quan đến ngành GTVT, ông Lê Đình Thọ cho biết: Trong kế hoạch của giai đoạn 2021-2025, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt về đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Kết cấu hạ tầng giao thông là điều kiện tiên quyết để phát triển, trong đó có du lịch.
Khẳng định ngành GTVT đang nỗ lực hỗ trợ để du lịch "cất cánh", Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, với hạ tầng hàng không, vừa rồi chúng ta tập trung xử lý nhất là ở Tân Sơn Nhất và Nội Bài, bây giờ có thể nói hạ tầng đường cất/ hạ cánh đã được đảm bảo.
Về vấn đề cảng biển, ngoài hàng hóa, bây giờ lượng khách đi du lịch theo con đường hàng hải cũng rất lớn. Bộ GTVT đang tiến hành củng cố một số cảng ngoài vận chuyển hàng hóa còn vận chuyển hành khách như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ:
"Hiện nay, chúng ta đang tập trung cho lĩnh vực đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy cũng như hệ thống cảng biển, các lĩnh vực liên quan đến 5 loại hình vận tải đều có liên quan đến du lịch.
Đến năm 2021, chúng ta có 1.163km đường cao tốc, cố gắng đến thời điểm 30/4/2023 chúng ta sẽ có thêm khoảng 500km đường cao tốc. Đây chính là hạ tầng hết sức quan trọng.
Những tuyến cao tốc này mang tính chất trục dọc và kết nối các vùng, tạo điều kiện để phát triển du lịch".
Theo Thứ trưởng, Bộ GTVT đang tập trung vào một số việc cần làm ngay đó là các hiệp định, không chỉ đường hàng không mà cả đường bộ, hàng hải, cả hiệp định song phương và đa phương để xử lý những điểm bất cập.
Thứ hai, Bộ GTVT sẽ làm việc các đối tác để làm sao tăng được các chuyến bay lên và giữ được slot mà trước năm 2019 mình đã có.
Giao cho Cục Hàng không VN rà soát để bố trí ưu tiên những giờ cao điểm, những giờ đẹp cho những chuyến bay quốc tế.
Đặc biệt, đối với thị trường Trung Quốc, Cục Hàng không VN đã chỉ đạo các hãng để làm sao có một chuyến bay kết nối khi ngày 25/4 này được phép bay, làm sao giữ được những điểm bay mà trước đây chúng ta đã thực hiện.
"Riêng về đường biển, chúng tôi cũng đang chỉ đạo Cục Hàng hải VN phối hợp cùng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có những tàu vận tải khách vào các cảng biển", Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.
Về đường thủy nội địa, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa VN phối hợp với các địa phương để khai thác được các tuyến đường thủy nội địa này.
Về đường bộ, Bộ GTVT cũng đang tiến hành đấu nối với phía Trung Quốc. Hiện nay có 9 cửa khẩu nối với Trung Quốc, 15 cửa khẩu với Lào và 9 cửa khẩu với Campuchia bằng đường bộ.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm để đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.
Một trong số đó là tham mưu, báo cáo đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư hoặc cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho hạ tầng du lịch như hệ thống sân bay, bến cảng; phương tiện vận chuyển, dịch vụ du lịch có quy mô lớn; hệ thống chỉ dẫn công cộng theo hướng hiện đại…
Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận