Quy hoạch cảng biển gắn với thế mạnh của Quảng Bình
Sáng 25/9, tại UBND tỉnh Quảng Bình, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cùng đại diện các Bộ, ngành Trung ương đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban ngành tỉnh Quảng Bình, đơn vị tư vấn về công tác quy hoạch phát triển cảng biển trên địa bàn.
Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tháng 6/2014, Bộ GTVT đã phê duyệt chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung bộ ngày 29/6/2016,. Theo đó, cảng biển Quảng Bình là cảng tổng hợp địa phương có bến chuyên dùng, gồm khu bến Hòn La và bến vệ tinh Sông Gianh. Lượng hàng hóa thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng từ 8,7 đến 10,1 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 18,7 đến 21,7 triệu tấn/năm.
Cụ thể, khu bến Hòn La là khu bến chính, bao gồm các bến tổng hợp địa phương và các bến chuyên dùng khác. Trong đó, đến năm 2020, ở đây đã đầu tư xây dựng 2 bến tổng hợp cho tàu từ 20.000 đến 50.000 tấn.
Dự kiến đến năm 2030, sẽ bổ sung thêm 1 bến cho tàu có tải trọng đến 50.000 tấn. Năng lực hàng hóa thông qua năm 2020 khoảng 3,3 đến 3,8 triệu tấn/năm, đến năm 2030, dự kiến lượng hàng hóa thông qua khoảng từ 5,7 đến 6,6 triệu tấn/năm.
Các bến chuyên dùng khác bao gồm: Bến Nhà máy nhiệt điện than Quảng Trạch bảo đảm năng lực hàng hóa thông qua năm 2020 khoảng từ 3,7 đến 4 triệu tấn/năm, đến năm 2030 khoảng 6,5 đến 7,4 triệu tấn/năm; Bến xi măng, hàng rời bảo đảm năng lực hàng hóa thông qua đến năm 2030 khoảng từ 2,4 đến 3 triệu tấn/năm; Bến xăng dầu Petro Lào bảo đảm năng lực hàng hóa thông qua năm 2020 khoảng từ 2 đến 2,5 triệu tấn/năm, đến năm 2030 là khoảng từ 4,2 đến 4,7 triệu tấn/năm.
Khu bến Sông Gianh là bến tổng hợp địa phương vệ tinh, dự kiến lượng hàng hóa thông qua khoảng từ 0,4 đến 0,5 triệu tấn/năm. Bến xăng dầu Sông Gianh sẽ được giữ nguyên quy mô hiện hữu cho tàu 1.000 tấn, dự kiến lượng hàng hóa thông qua khoảng từ 0,1 đến 0,2 triệu tấn/năm. Bến cảng Thắng Lợi là bến chuyên dụng đóng, sửa chữa, tiếp nhận tàu 1.000 đến 2.000 tấn, năng lực thông qua năm 2020 khoảng 0,1 đến 0,2 triệu tấn/năm, đến năm 2030 khoảng từ 0,3 đến 0,4 triệu tấn/năm.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu ra nhiều ý kiến về khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hút đầu tư, xây dựng, phát triển cảng biển, đồng thời cũng dự kiến về các nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách phục vụ du lịch là thế mạnh của Quảng Bình đến năm 2030.
Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang đề nghị tỉnh Quảng Bình quan tâm chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc nhằm hoàn thành các dự án đã được phê duyệt. Đồng thời, quy hoạch cảng biển gắn với thế mạnh của địa phương.
Phát triển cảng cạn Cha Lo
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang kiến nghị, đề xuất với Bộ GTVT một số vấn đề như: quan tâm nâng cấp tuyến luồng hàng hải Hòn La đạt chuẩn tắc cho tàu đến 50.000 tấn, trước mắt đạt chuẩn tắc 30.000 tấn; xây dựng hệ thống đê kè chắn cát luồng hàng hải Cửa Gianh để nạo vét tuyến luồng đạt chuẩn tắc cho tàu 50.000 tấn, trước mắt đề nghị được nạo vét, duy tu hàng năm; đầu tư nâng cấp tuyến luồng đường thủy nội địa Sông Gianh; nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch phát triển cảng cạn Cha Lo. Đồng thời có giải pháp, chính sách huy động nguồn lực đầu tư phát triển cảng cạn Cha Lo nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa từ Thái Lan - Lào - Việt Nam thông qua cảng biển Hòn La và dịch vụ logistics.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đánh giá Quảng Bình là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển KTXH thông qua cảng biển. Thứ trưởng đề nghị tỉnh Quảng Bình tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các ý tưởng đầu tư phát triển “cảng biển hiện đại" nhằm đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa và đón khách quốc tế đến tham quan du lịch bằng đường biển cho giai đoạn tới.
Đối với việc đầu tư phát triển cảng cạn Cha Lo, Bộ GTVT tiếp thu ý kiến và sẽ nghiên cứu để có chính sách đầu tư hợp lý trong giai đoạn 2020-2030.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận